Trong rất nhiều sáng tác của nhà thơ Tản Đà, tập “Tản Đà văn tập” là một trong những tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên của ông.
Bảo tàng Văn học Việt Nam đang trưng bày Bản thảo viết tay tập “Tản Đà văn tập” của nhà thơ Tản Đà. Tác phẩm được nhà thơ Tản Đà viết vào năm 1913, thời kỳ chữ quốc ngữ mới phát triển ở nước ta chưa được phổ biến rộng rãi. Khi viết “Tản Đà văn tập”, nhà thơ Tản Đà nói: “Đây là những trang viết của thằng bé chập chững chữ quốc ngữ”.
Dù nói vậy nhưng những trang bản thảo viết tay bằng chữ quốc ngữ được nhà thơ viết cẩn thận, chữ rất đều, đẹp. Đọc“Tản Đà văn tập” độc giả hiểu được tình cảm của nhà thơ Tản Đà dành cho quê hương, đất nước.
Nhà thơ Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1889 tại Khê Thượng, Bất Bạt, Hà Nội.
Thuở nhỏ, nhà thơ Tản Đà được học hành tử tế. 14 tuổi ông đã thạo các lối từ chương thi phú. Năm1907 Tản Đà ra Hà Nội học và bắt đầu có tác phẩm đăng báo. Ông sáng tác nhiều từ 1917 trở đi, với các tập: Giấc mộng con I (tiểu thuyết, 1917), Khối tình, bản chính, bản phụ (nghị luận, 1919); Giấc mộng con II, Giấc mộng lớn (1932).
Nguyễn Hằng