Ra đời và phát triển trong thời kỳ 1939-1945, tạp chí “Tri tân” đã góp phần to lớn vào việc phản ánh diện mạo đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam trước năm 1945. Là tạp chí luôn đề cao truyền thống yêu nước và tự tôn dân tộc, “Tri tân” có tầm ảnh ảnh hưởng rất lớn đối với trí thức và nhân dân thời kỳ này.
Khi bàn về vấn đề yêu nước và tự tôn dân tộc, trên “Tri tân” số 1, ngày 3-6-1941, Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố với bài “Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam” đã viết: “An Nam là tên của Tàu đặt cho từ ngày nội thuộc nếu người mình đem ra khi nói chuyện hay viết sách, viết báo thì thế nào cũng có vẻ thuần phục”… “tại sao không tự trọng giữ lấy cái quốc hiệu Đại Nam có sẵn”.
Đến các bài “Đại Nam dật sử” và “Những ông nghè triều Lê”, cụ Tố tiếp tục nói kỹ hơn về các nhân vật lịch sử của dân tộc và nhận xét, thống kê những ông nghè được khắc trên 82 tấm bia dựng ở Văn Miếu để tôn vinh những bậc hiền tài, bề dày của lịch sử đất nước. Tác giả Khuông Việt trong bài “Cần phải biết sử nước nhà” cũng bàn rằng: “Có đọc sử mới thấy rõ tinh thần quốc gia Việt Nam trải mấy nghìn năm, không bao giờ chết!”
Ngoài ra, “Tri Tân” còn đăng nhiều bài ca ngợi cảnh đẹp của non sông đất nước như: “Một ngày ở xứ Chàm” (của Tam Lang); “Ban Mê Thuật” (của Trần Huy Bá); “Sau tám năm trở lại thăm Lao Kay”, “Từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể” (của Trịnh Như Tấu)…. Đặc biệt vào những dịp lễ lớn “Tri Tân” còn xuất bản những chuyên san về các anh hùng, nhân vật lịch sử dân tộc như: chuyên san về Hai Bà Trưng; chuyên san về Vua Đinh Tiên Hoàng; chuyên san về triều Vua Gia Long; chuyên san về Vua Lê Thái Tổ….
Với một loạt bài khảo cứu về lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, bài viết ca ngợi non sông đất nước, “Tri tân” đã phần nào khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn truyền thống bất khuất của cha ông.
Ngày 16-6-1946, số cuối cùng của tạp chí được phát hành. Qua 5 năm hoạt động “Tri tân” đã trở thành một trong những tờ báo quan trọng, có chiều sâu về học thuật và đóng góp to lớn về sử học, văn hóa, văn học cổ của Việt Nam giai đoạn trước năm 1945.
Chu Hòa