Nhón gót

“Nhón gót” là một câu chuyện của nhà văn Cao Tiến Lê viết trong cuốn “Sổ tay suy nghĩ và ghi chép văn học” năm 1998. Chuyện kể về nỗi nhớ người thân của một người bạn gái ở Hà Nội, có chồng đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là một trong số những tư liệu  của nhà văn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Cuốn sổ tay của nhà văn Cao Tiến Lê hiện đang lưu giữ tại BTVHVN

“Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước tôi có một người bạn gái ở Hà Nội, cứ vào dịp tết là ra ga Hàng Cỏ, đứng chờ chồng trên tuyến tàu từ miền Nam ra, hồi ấy ít có phương tiện thông tin, thư thường đến chậm từ 3 tháng đến 6 tháng rồi một năm. Có lẽ nhiều trường hợp trùng với thơ Hữu Loan “Nhận được tin em gái mất trước tin em lấy chồng”.

Cô bạn của tôi cứ đến tết là ra ga đón chồng, vì có lần anh về như thế, không có ai đón, phải đi bộ mấy ki-lô-mét mới về đến nhà. Hồi ấy, ra đón có phải dễ tìm hoặc nhìn thấy người đâu. Chị lại người thấp, nên rất khó nhìn trong những chuyến tàu đông nghịt người, lỉnh kỉnh với muôn vàn đồ đạc kèm theo. Cứ như thế chị phải nhón gót lên để nhìn xa hơn và năm nào chị cũng nhìn như thế, tháng nào cũng nhìn như thế, ngày nào cũng nhìn như thế, nếu có dịp đi ra ga, và chị đứng 10 phút, 20 phút, một giờ, hai giờ… Cho đến lúc tàu đi hết, sân ga không còn ai.

Những dòng viết tay của nhà văn Cao Tiến Lê về câu chuyện “Nhón gót”

Chị đứng nhìn, dướn người trên hai mũi bàn chân, nhón gót nhìn và cuộc chiến tranh đã làm chị phải xa chồng, phải tần tảo với việc nhà, nhưng tất cả bù đắp hết khi chiến tranh kết thúc. Chồng chị trở về, nhưng thói quen đã thành thói quen. Đứng ở đâu, nhìn về phía nào, dù nhìn xuống chỗ rất thấp chị cũng kiễng gót để nhìn mà không đứng bằng được nữa. Nhất là ngày nay rất nhiều giầy dép cao gót như có lần chồng chị đã mua cho chị đôi guốc có gót 7 phân nhưng chị không đi, vì chị sợ bị ngã, vì thói quen nhón gót việc không đi guốc làm người chồng không được vui vẻ, có thắc mắc…”

Nhà văn Cao Tiến Lê cho rằng “đối với ông, văn chương không chỉ là một phương tiện để phản ánh đời sống, mà nó chính là đời sống thực”. Những dòng ghi chép trong cuốn sổ tay và câu chuyện “Nhón gót” được nhà văn viết ra đã để lại cho thế hệ mai sau, một thế hệ chưa biết đến chiến tranh và mất mát, sẽ hiểu được giá trị của tình cảm vợ chồng với niềm tin, và nỗi nhớ của người ở hậu phương dành cho người thân ngoài nơi tiền tuyến, dẫu biết rằng chiến tranh đã lùi xa lâu lắm rồi.

Nhà văn Cao Tiến Lê sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ông nhập ngũ từ sớm trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa bình được lập lại, ông làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến 17 và trở thành phóng viên, nhà báo ở Quân khu 4. Trong thời kỳ chiến tranh đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, ông đã từng lăn lộn giữa những tuyến lửa khu 4, đi lên từ một Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng và rồi trở thành một Đại đội trưởng Đại đội bộ binh ở chiến trường. Đây chính là thời kỳ mang đậm dấu ấn trong cuộc đời sáng tác văn nghiệp của ông, vì ông là người thuộc lớp nhà văn xuất hiện từ chiến hào chống Mỹ và trong cuộc sống chiến đấu chống Pháp, ông là chứng nhân lịch sử của hai cuộc chiến tranh khốc liệt đó vì thế đã tôi luyện, hun đúc nên ý chí ở ông một niềm khát vọng sống để viết văn, làm báo.

BTVHVH