“Nhị độ mai” là truyện thơ Nôm Việt Nam của một tác giả khuyết danh gồm 2826 câu thơ lục bát biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung “Hiếu tiết nghĩa nhị độ mai” ra đời khoảng triều Minh – Thanh.
Hiện tại, Bảo tàng Văn học Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày cuốn “Nhị độ mai” bản chữ Nôm viết trên giấy dó. Đây là cuốn sách cổ và quý được viết năm Thành Thái Đinh mùi (1907). Tiêu đề của cuốn sách là “Nhuận chính Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai truyện”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi thì Nội dung Nhị độ mai là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai lực lượng chính nghĩa và phi nghĩa trong xã hội phong kiến. Tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội phong kiến trên bước đường suy vong của nó: trong triều vua không lo việc nước để gian thần lộng hành giết hai người trung thần, bên ngoài thì giặc giã luôn đe dọa, đời sống nhân dân cơ cực, bị ức hiếp và chà đạp. Tác phẩm cũng thể hiện sâu sắc thái độ và nguyện vọng của người dân lao động lúc bấy giờ: đứng về phía chính nghĩa mà căm ghét phe gian tà hại dân phản nước; luôn mong ước cho người ngay, người tốt được hưởng hạnh phúc, kẻ gian ác phải bị trừng trị nghiêm minh. Vì vậy, tuy ít nhiều còn nhuốm màu sắc phong kiến, truyện “Nhị độ mai” cũng đã thấm nhuần tư tưởng nhân đạo tiến bộ,
Tác phẩm là câu chuyện có nhều tình tiết, kết cấu không đơn điệu, mặc dù đôi khi tác giả đã quá lạm dụng các tình tiết khiến mạch truyện thiếu phần chặt chẽ và tự nhiên. Nhân vật tuy chưa được chú ý nhiều về đời sống nội tâm, nhưng một số cá tính cũng đã được khắc họa tương đối đạt.
Ngôn ngữ thơ nhìn chung là giản dị, trong sáng, có dùng chữ Hán, điển cố song liều lượng vừa phải và nhuần nhị. Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị độ mai là tác phẩm được quảng đại quần chúng yêu thích và được phổ biến rộng rãi.
Thanh Tú