Nhà văn Hoàng Quốc Hải tặng hiện vật cho Bảo tàng Văn học Việt Nam

Ngày 19-9-2023, cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam tới nhà riêng của nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận một số hiện vật, tác phẩm của ông và vợ là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trao tặng bảo tàng.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải là nhà văn nổi tiếng viết về đề tài lịch sử. Các bộ sách tiểu thuyết lịch sử của ông đã phát hành và có tiếng vang cũng như được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn như: “Huyền Trân công chúa”; “Bão táp cung đình”; “Tám triều vua Lý”; “Thăng Long nổi giận”… Ông vinh dự được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, đợt 4, năm 2017; Giải thưởng “Văn học trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2020.

Với sự tin tưởng Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật, tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam vì vậy nhà văn Hoàng Quốc Hải đã lựa chọn gửi tặng bảo tàng một số hiện vật gắn bó với ông như: cặp da ông đã từng sử dụng từ những năm 90; hộp đốt trầm ông thường sử dụng khi thưởng trà và làm việc; các tác phẩm: “Tám triều vua Lý”; “Bão táp triều Trần”…và đặc biệt là cây gậy “lịch sử” đã cùng ông lên đỉnh Thạch Bàn ở Tam Đảo.

Chiếc gậy “lịch sử” nhà văn Hoàng Quốc Hải trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam

Kể với chúng tôi những cán bộ sưu tầm về câu chuyện thực tế của mình ông vẫn còn nguyên những cảm xúc của ngày hôm ấy. Vào cuối tháng 12 dương lịch năm 2014, ông mới có dịp lên đỉnh núi Thạch Bàn để xác minh về chùa (đền) Đồng Cổ ở đây. Trước đó vào năm 2010, ông đã viết xong bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” và  có viết về chùa (đền) Đồng Cổ ở Thạch Bàn nhưng lúc ấy chưa có dịp xác minh nên viết theo truyền thuyết. Vậy là 4 năm sau khi viết xong bộ tiểu thuyết ông mới có dịp nhờ người ở Tam Đảo dẫn đường lên đỉnh núi Thạch Bàn.

Xác định núi Thạch Bàn chính là ngọn núi nằm giữa ba ngọn núi ở Tam Đảo nhưng khó khăn trong việc lên núi là không ai biết đường lên và cũng không có lối lên. Vì vậy sau khi xin phép, nhờ một số người và được giới thiệu anh “ma rừng” thực chất một chiến sĩ bộ đội từng tham gia chiến đấu chiến dịch Điện Biên Phủ quê ở Tam Đảo, từ nhỏ sống bằng nghề sơn chàng thường lên rừng tìm những thứ lạ của rừng dẫn đường. Quả thật đường lên núi không có, “ma rừng” đi đến đâu phải phạt mở lối để ông và đạo diễn điện ảnh Lê Đức Tiến cùng một số người trong đoàn theo sau đến đó. Buổi sáng khi bắt đầu chuyến đi thời tiết rất đẹp. Lên đến nơi thì quả nhiên có di tích ở đây. Những mảnh sành, mảnh gốm vẫn còn sót lại trên khoảng đất có chu vi nhỏ tầm 10m2. Tại đây có một cái chùa (đền) được dựng đơn sơ bằng tre nứa, lợp tôn và người dân ở đây cho biết người dựng chùa (đền) này là một người phụ nữ ở phố Hàng Ngang Hàng Đào. Người phụ nữ này 2 lần nằm mơ y hệt nhau và được báo mộng phải lập lại chùa (đền) thờ trên núi Thạch Bàn. Vì vậy, dù đường lên rất khó khăn nhưng người phụ nữ ấy khởi tâm đã thuê người chuyển vật liệu để dựng một chùa (đền) nhỏ trên núi như được báo mộng…Lúc trở xuống khó khăn tăng lên gấp bội bởi trời đổ mưa xối xả, dốc núi thẳng đứng, không có bậc, ông phải dùng cây gậy để dò đường. Dò đến đâu chân và người mới dám đặt và trượt, đu người xuống. Trời mưa và đang ở độ cao nên lúc ấy ông cảm nhận được cái lạnh đến tê buốt bởi nước mưa đã thấm ướt đẫm người. Nhưng khi còn vài trăm mét tới chân núi thì trời lại đột nhiên không mưa và rất nắng.

Chuyến đi đã để lại một kỷ niệm khó quên với nhà văn và cây gậy “lịch sử” đã đồng hành cùng ông để xác định được Di tích lịch sử chùa (đền) Đồng Cổ ở Thạch Bàn có thật. Hôm nay, nhà văn đã tin tưởng trao tặng lại bảo tàng để lưu giữ và trưng bày cùng các hiện vật khác của ông.

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tin tưởng và trao tặng những kỷ vật gắn bó của ông cho bảo tàng.

BTVHVN