Nhà văn Đoàn Giỏi có rất nhiều kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Tuân, trong số đó ông nhớ hoài về lần đi dự sinh nhật và được đón giao thừa cùng nhà văn Nguyễn Tuân. Qua những trang viết để lại của nhà văn Đoàn Giỏi chúng ta thấy được sự trân trọng và tình cảm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho ông và các văn nghệ sĩ miền Nam.
Vào một buổi chiều tháng Bảy, nhà văn Nguyễn Tuân bảo nhà văn Đoàn Giỏi:
“- Tối nay, khoảng 8 giờ, ông lại mình chơi! Thế nào cũng đến nhé!
– Có những ai đấy anh? Tôi hỏi vậy, chắc là sẽ có lai rai.
– Ba người thôi. Ông Trần Hữu Tước, ông và tôi. Hai thằng Nam Kỳ, một thằng Bắc Kỳ ! Chuyện tào lao chơi mà…
Trời sắp đổ mưa. Sợ chốc mưa to, không đi được, bảy rưỡi tôi đã đến rồi. Thấy anh đang ngồi chiếu trải trên sàn, bên chiếc mâm đồng mới đánh sáng choang, bó nến trắng và một bát hoa vi-o-let đặt giữa mâm, cạnh chai champague và một chai ‘‘dân doanh’’. Bữa nay là sinh nhật mình. Rủ hai ông lại chơi.
Trên hàng chục năm, tôi không biết ngày nào là sinh nhật anh, và cũng không nghe anh nói. Đâu ngờ. Tôi đi tay không, chẳng có gì mừng anh, mà lại mặc chiếc áo bông xanh nhếch nhác, lại còn bẩn nữa. Anh Tước đến rất đúng giờ, pác-đét-xuy nâu, com-phê đen, sơ mi cổ cồn trắng bong, thắt cà-vạt đỏ, đội mũ dạ. Cao to, lịch sự, trang nhã như một trí thức Parisien. Anh cầm theo hộp bánh và chai rượu coguac.
Ba người ngồi lên chiếu. Anh Tuân bày mấy đĩa thức nhắm nguội mua ở khách sạn giao tế…xong thắp cho mỗi người một cây nến trên thành mâm và tắt điện. Hầu như bữa rượu đêm đó, chỉ mỗi mình giáo sư Trần Hữu Tước nói. Anh Tuân gợi chuyện, hỏi thăm nơi này, nơi nọ bên Pháp…rừng Bu-lôn-nhơ trước khi Tước về thế nào ? Có còn những auberge du village trên vùng bờ biển Normandie như xửa như xưa không.v.v…y như anh Tuân là một người Pháp chính cống, hay một Việt kiều sống lâu năm trên đất Pháp. Mới biết anh đọc nhiều và hiểu sâu về nước Pháp lắm. Những câu hỏi đó, gợi nhớ và gây hào hứng cho anh Tước; anh còn kể lúc theo Bác Hồ về nước thế nào, những mẫu chuyện vui, lý thú, ứng phó tài tình của Bác với các nhà ngoại giao lỗi lạc và bọn quan tướng sừng sỏ Pháp thế nào.v.v… Thỉnh thoảng chúng tôi mới nói chen vào, cũng chỉ là để mớm bóng cho anh Tước sút mà thôi.
Anh Tuân thay nến, chạm cốc, nâng tẩu cầm ra tay:
– Tôi nghĩ chúng ta là ouvrier-paysan, không qua chặng tư sản. Nhưng nhờ đa số các lãnh tụ đều hiểu biết tiếng Pháp và Liên Xô…nếu biết tiếng Anh nữa thì còn khá hơn nữa. Đấy là nhờ possédé tiếng Pháp et la culture latine…
Khi anh Tước về rồi, chỉ còn anh và tôi, anh nói:
– Ông ở chơi với tôi, ta thắp hết lượt nến này nữa, còn một cây để lại, tôi ngồi với tôi.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại chạm cố, nói vài câu chuyện trời mưa trời nắng. Hơn mười một giờ khuya, trời lắc rắc đổ mưa. Anh ngồi tì tay vào gối tựa, mắt đăm đắm nhìn sửng ngọn nến cháy, im lìm như một phong tượng. Dường như chỉ có cái phần xác ngồi đó, còn cái phần hồn anh thì đã xuất ra, phiêu diêu tận đẩu tận đâu rồi.
Buồng anh đầy ắp sách, tạp chí Âu – Mỹ và nhiều nước xã hội chủ nghĩa in bản tiếng Pháp. Chuyện trò với bạn bè anh thường nói chen tiếng Pháp – không phải để khoe chữ – do thói quen, và như anh thường nói: tiếng Pháp chính xác, có cái clarté, ta đều có từ tương đương, có cái clarté của ta, nhưng lúc nào đó, ở đoạn nào đó, từ Pháp đặt vào đó nó có sức nặng, sự ngân vang và trong sáng lấp lánh chỉn chu.
Anh không phải là người giỏi nôm, nhưng văn anh rải rác xen kẽ có dùng từ Hán Nôm cũng vì vậy; và anh còn nói đó là để khỏi rụng rơi mất những tinh hoa của người xưa.
Ngày xưa, bọn Pháp thống trị đã xích tay, bỏ tù anh, đày anh vào trại tập trung, nhưng anh vẫn yêu nhân dân Pháp và nước Pháp. ‘‘ừ thì Pháp, nhưng Pháp nào và Pháp nào mới được chứ’’. Trước khi mất trên mươi ngày, kỷ niệm 14 Juillet anh còn đến sứ quán Pháp tại Hà Nội uống rượu – ‘‘đi phá ngục Bastille chơi’’ như thông lệ hàng năm kia mà.
– Còn đi được ngày nào là cứ đi. Biết đâu rồi có lúc sẽ chẳng còn đi được nữa ! anh vẫn thường bảo chúng tôi vậy.
Năm 1985, nghe Việt kiều ở Pháp có góp lộ phí mời anh sang chơi vài tuần lễ. Nhưng đã đến lúc anh không còn đi được nữa. Anh rất xúc động về lời mời đó: ‘‘Bấy giờ tôi cứ nghĩ rằng có người yêu mình, qua bốn biển năm châu như vậy là được rồi, coi như mình đã đi rồi! Chứ sức thì không đi được nữa. Nhưng cuộc đi đẹp nhất vẫn là trong tư tưởng và tình cảm của mình, nhớ đến bà con cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Như vậy là tôi thấy hình như mình đã đến với bà con rồi đó !’’
Giao thừa năm Quý Sửu (1973) anh ngồi ở nhà anh Bảo Đình Giang – chỗ sân sau Hội Văn nghệ – gần 3 giờ sáng. ‘‘Anh bảo tôi – Bảo Định Giang thuật lại – mình nhớ Sài Gòn quá. Ông cho mình nghe nhạc của ‘‘Việt cộng’’ đêm nay đi!
Anh Bảo Định Giang có băng ghi âm hầu hết các bản nhạc cổ miền Nam. Các nghệ sĩ tài danh chơi từng cây đàn khác nhau và hòa tấu của các dàn nhạc nổi tiếng Sài Gòn.
– Đêm 29 tết ấy, lạ, trời đầy sao. Anh hỏi có bản Huế nào không ? Tôi có băng ghi âm nhiều bản Huế, mà là của dàn nhạc Huế Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Bèn lấy ra nghe. Anh Tuân ngồi nghe, im lặng. Chịu ngồi lâu suốt 3 tiếng đồng hồ như vậy là tán thưởng lắm.
Ở ‘‘Một ngày đêm cuối năm’’ trong tập ‘‘Một chuyến đi’’ viết tại Hương Cản, còn rành rạch đó những bâng khâng sao xuyết của giờ phút này : ‘‘Cuối dương lịch 1938, có chua ngày tháng âm lịch, đã được bóc đến tờ chót của một tháng chạp chỉ có hai mươi chín ngày. Phải là một người An Nam biết thiết tha đến phần mộ, đến quê hương, phải là một tâm hồn An Nam, đã từng thấm nhuần trong đám hương khỏi ngày cúng ông vải, thì mới cảm thấy cái năm âm lịch hụt mất một ngày là như thế nào…’’. Có đêm anh đón giao thừa ở nhà Diệp Minh Châu, có đêm ở nhà tôi, có đêm ở nhà anh Bảo Định Giang. Cái đêm tháng Chạp chỉ có hai mươi chín ngày, ở nhà bạn xa quê năm đó, còn người ‘‘thiếu quê hương’’ ngày xưa ấy- rời gian buồng ngào ngạt khói hương, quây quần đầm ấm với con – đến ngồi với bạn, đợi lúc không bao giờ để châm một tràng pháo đón giờ phút thiêng liêng của một ngày mới hy vọng, một năm mới hy vọng bắt đầu, Nguyễn Tuân đã cảm thông sâu sắc biết chừng nào, tấm lòng hoài hương của những bạn bè miền Nam lìa xứ xa quê’’.
BTVHVN