Máy thu thanh hiệu Sony của nhà thơ Quách Tấn

“Đây là chiếc máy thu thanh hiệu Sony mà thân phụ tôi – nhà thơ Quách Tấn chỉ dùng để nghe đài BBC và đài Hà Nội. Vốn dĩ ông không thích tiếng máy thu thanh vì vậy ông đã có bài thơ “Tiếng vui”:
Tiếng vui
Cảm ơn ông hàng xóm
Ngừng mở máy thu thanh
Võng đưa thềm mận chín
Nghe sẻ gọi bình minh.
-Nha Trang 1963-
Với chiếc máy thu thanh này, thân phụ tôi chỉ nghe đài BBC để theo dõi tình hình tin tức, còn đài Hà Nội ông nghe để theo dõi, tìm tin tức của các bạn thân và thân nhân đang sinh sống ngoài Hà Nội như nhà thơ: Chế Lan Viên, Yến Lan, Khương Hữu Dụng, Quách Tạo, Nguyễn Việt…
Máy thu thanh hiệu Sony của nhà thơ Quách Tấn đã sử dụng
Một hôm, trên đài Tiếng nói Việt Nam có phát một bài viết của Hồ Ngạc Ngữ nói về thơ Quách Tấn và tình cờ ông nghe được vậy là từ đó trở đi hằng đêm ông luôn theo dõi tin tức để mong gặp lại tiếng của các thi bằng hiện ở nơi xa cách.
Ngoài ra, từ ngày mắt kém đêm đêm thân phụ tôi còn nằm nghe nhạc cổ dân tộc qua máy thu thanh này. Đặc biệt ông không nghe cải lương và nhạc trẻ. Từ khi ông mất, chiếc máy thu thanh này cũng ngưng tiếng hát vì không ai sử dụng nữa và gia đình đặt nó vào tủ thờ. (Ông Quách Giao con trai nhà thơ Quách Tấn chia sẻ).
Cán bộ Bảo tàng Văn học trong quá trình đi sưu tầm hiện vật của nhà thơ Quách Tấn đã thấy được chiếc máy trong một tấm hình và ngỏ ý hỏi gia đình. Lúc này chiếc máy thu thanh đã được cất trong tủ, nhưng với sự nhiệt tình và tin tưởng để trao tặng hiện vật này cho bảo tàng, gia đình đã cố gắng lấy chiếc đài tặng lại bảo tàng bởi lúc này chiếc tủ bị hỏng khóa, phải cạy tủ mới lấy được chiếc đài ra.
Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng sự tin tưởng của gia đình cũng như trân trọng những hiện vật của các nhà văn, nhà thơ và bảo tàng đã và đang cố gắng phát huy nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất đó là sưu tầm, trưng bày, lưu giữ, bảo quản các tư liệu, hiện vật của các nhà văn, nhà thơ.
Nhà thơ Quách Tấn sinh năm 1910, mất năm 1992, tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn là một nhà thơ Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.
Nhà thơ Quách Tấn thuở nhỏ học Hán học sau học Quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1929 ông thi đỗ cao đẳng Tiểu học Quy Nhơn. Ông có năng khiếu thơ từ nhỏ nên năm 22 tuổi được nhà thơ Tản Đà, Phan Bội Châu khuyến khích nên bước vào con đường văn học. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy…
Một số tác phẩm chính của nhà thơ Quách Tấn đã xuất bản: Thơ: Một tấm lòng (1939); Mùa cổ điển (1941); Đọng bóng chiều (1965); Mộng Ngân sơn (1966); Giọt trăng (1973); Trăng hoàng hôn (1999); Tuyển tập thơ Quách Tấn (do Quách Giao (con trai ông) tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2006). Văn: Trăng ma lầu Việt; Nước non Bình Định; Xứ Trầm hương; Đời Bích Khê; Đôi nét về Hàn Mặc Tử; Họ Nguyễn thôn Vân Sơn…Tác phẩm dịch: Lữ Đường Thi tuyển dịch; Tố Như thi; Ngục trung thư; Nghìn lẻ một đêm. Ngoài ra ông viết chung với con trai là Quách Giao các tập Nhà Tây Sơn (xuất bản năm 1988, được tái bản nhiều lần); Võ nhân Bình Định (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001); Đào Tấn và Hát bội Bình Định (xuất bản năm 2007).
BTVHVN