Mầm cây lớn lên

Bản viết tay bài “Mầm cây lớn lên” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được ông viết lại vào ngày 17 tháng 4 năm 1992, nhân kỷ niệm 45 năm các khóa văn hóa văn nghệ kháng chiến liên khu IV ở làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa (1947-1992). Tư liệu, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Lớp nhà văn kháng chiến liên khu IV tại Quần Tín, Thanh Hóa năm 1948
“Ngay từ mùa thu 1947, trong thời gian hai năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Liên khu Bốn đã mở ba khóa văn hóa – văn nghệ kháng chiến ngắn hạn (bốn tháng một khóa). Các lớp ấy được xem như là những tổ chức đầu tiên trong cả nước huấn luyện bồi dưỡng lực lượng anh chị em tên tuổi ham mê làm văn hóa – văn nghệ.
Các khóa này đều do Đoàn Văn hóa kháng chiến và Đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV tổ chức, hai đoàn thể lúc bấy giờ đều do nhà học giả, nhà giáo lỗi lạc là nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Ở các khóa huấn luyện nói trên, chúng tôi ước mơ với đầy tâm huyết bước đầu truyền bá cho học viên các tri thức về văn hóa văn nghệ theo đường lối của sự nghiệp các mạng trong những năm tháng sau Cách mạng tháng Tám, trân trọng kế thừa và chuyển tiếp vốn truyền thống văn hóa văn nghệ cao đẹp của dân tộc ta và bước đầu tạo điều kiện tăng cường giao lưu với những tinh hóa văn học nghệ thuật nước ngoài. Nó cũng khiêm tốn thực hiện nhiệm vụ sơ khai những đường hướng sau đây của Bác Hồ kính yêu: “Vì lợi ích trăm năm, trồng người”.
Nhiều giáo sư, văn nghệ sĩ ưu tú (nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà soạn kịch…) từ Hà Nội, Trung ương vào, Từ Huế Trung bộ ra tham gia điều hành và giảng dạy.
Học viên trong ba khóa gồm một trăm năm mươi nam nữ cán bộ kháng chiến trẻ của sáu tỉnh từ Thừa Thiên đến Thanh Hóa và của các chiến khu A – Sầu, A – Lưới, Ba – Lòng, Troóc, Ba – Rền. Một số anh em là nhà văn nghệ sĩ mới vào nghề, tuổi còn rất trẻ, có một đôi người có tên tuổi từ nửa đầu thập kỷ 40. Có bạn là tỉnh ủy viên Đảng Lao động (Hoàng Trung Thông), là Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh (Bùi Hiển, Hồng Nguyên), là Bí thư các đoàn thể Phụ nữ, Thanh niên cứu quốc, cán bộ thanh vận, phụ vận, nhà giáo có uy tín trong nghề dạy học, chiến sĩ công an nhân dân và quân đội nhân dân…đi học.
Chương trình Khóa 1 ở Cổ Bôn cũng như Khóa 2, Khóa 3 ở Quần Tín – Thanh Hóa mà giới văn nghệ lúc bấy giờ gọi là “cái thôn, cái làng văn nghệ”, đều cố gắng theo một nội dung và một phương pháp giáo dục đúng đắn. Khi chúng tôi tổng kết các khóa, có ý kiến của nhiều học giả, văn nghệ sĩ và nhà văn hóa giảng viên các bộ môn nói: “Hướng đi khá rõ ràng và mục tiêu “mọi thời tiết xuân hạ thu đông” đều chủ động và tốt trong việc khiêm tốn bồi dưỡng một số cây bút trẻ đủ phẩm chất và năng lực góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chính nghĩa của quê hương ta”.
Bản viết tay bài “Mầm cây lớn lên” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được ông viết lại vào ngày 17 tháng 4 năm 1992, nhân kỷ niệm 45 năm các khóa văn hóa văn nghệ kháng chiến liên khu IV ở làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa (1947-1992).

Các bộ môn có hơi quá nhiều nhưng để bồi đắp tư duy, tư tưởng và tình cảm mới, tư chất con người mới của cách mạng cho tuổi trẻ làm văn hóa – văn nghệ, thì tôi thấy cũng đậm đà và phong phú. Có triết học Đông – Tây, có văn hóa Việt nam, có văn học Việt Nam hiện đại với tiểu thuyết, thơ, phóng sự, phê bình, văn lịch sử, văn học báo chí…Có kịch, hội họa, âm nhạc, công tác báo chí. Có lịch sử đất nước Việt nam ta. Có sơ bộ văn học Trung Quốc, văn học Pháp. Có học một số tiết tiếng Anh, tiếng Páp, vì chúng tôi nghĩ trau dồi kiến thức cho nhà văn nghệ, nhà văn hóa mới, nên tạo điều kiện cho anh chị em có một hiểu biết ở mức độ nhất định về ngoại ngữ để sau đó bổ túc thêm. Điều đáng ghi nhớ là không có bài giảng nào không có văn bản giáo trình để ngay sau đó in lito phát cho học viên, và trao đổi với văn hóa – văn nghệ các tỉnh, liên khu xa.

Cuối khóa, chúng tôi tổ chức mấy tuần thực tập nghiêm túc cho anh chị em. Có mươi mười hai bài thơ, bài phong dao, truyện ngắn, truyện vừa, vở kịch ngắn đến nay vẫn được người đọc nhiều tỉnh quê nhà thuộc hoặc được thi đàn văn đàn có nhớ sâu sắc sau gần nửa thế kỷ ra đời trong cuộc thi cuối khóa như: Bài ca vỡ đất, Cò trắng phát thanh, Quê tôi, Nhớ…
Giao lưu của anh chị em học viên với nên văn hóa văn học, nghệ thuật với cuộc đời xung quanh còn có nhiều buổi nói chuyện, mạn đàm của các nhà văn hóa, nhà văn nghệ tiếng tăm ngoài Bắc trong Nam đi qua mà chúng tôi mời đến tiếp xúc với lớp. Đồng chí Trường chinh, tổng Bí thư Trung ương Đảng kính yêu đã đến thăm và nói chuyện về “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam. Các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đều có góp ý kiến quý báu. Giao lưu nội bộ của học viên trong các khóa học với nhau còn có các báo tay, báo tường, cũng là nơi rèn dũa tay nghề viết, vẽ: Cố gắng, Tổ ong, Lò rèn, Tiến, Gió sớm.v.v…
Sau các khóa học, chúng tôi còn gửi hai học viên trèo đèo lội suối dãy Trường Sơn (lúc đó chưa có Đường mòn mang tên Bác) vào cực Nam Trung Bộ giúp biên tập cho báo Cứu quốc liên khu Năm và giảng dạy cho Trường Trung học bình dân (mới thành lập) trong ấy. Cũng là những dịp giao lưu văn hóa với các miếng đất anh em khác của quê nhà.
Các giảng viên các khóa có nhiều. Về văn hóa, triết học, văn thơ, báo chí, sử địa, lý luận có: Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Lưu Quý Kỳ, Mạnh Phú Tư, Trương Tửu, Phạm Việt Thường…Về kịch, họa, nhạc có: Đoàn Phú Tư, Chu Ngọc, Bửu Tiến, Phạm Sửu, Lê Yên, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Thị Kim, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Đức Nùng…Về Ngoại ngữ: Nguyễn Anh Nghệ (quê gốc Nhật Bản), Đoàn Phú Tứ.
Sau đúng 45 năm, đến nay nhiều học viên đã trưởng thành ở mức độ khá, một số có thể nói ở mức độ cao trong sáng tác và trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật như: Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Minh Huệ, Hoàng Uẩn.v.v…hoặc trong việc vận dụng các tri thức cơ bản vào các hoạt động xã hội và nhiều công tác chuyên môn khác hiện nay trên bình diện cả nước: Nguyễn Mạnh Cầm (ngoại giao), GSBS Nguyễn Đình Hưởng, Nguyễn Thị Thu Nhạn (y tế), TS Tào Thế Tuấn (nông nghiệp), GS. Đặng Thị Hạnh, Phan Hữu Dật (giáo dục), GS. Đình Quang (văn hóa – thông tin)…Nhiều người đã trở thành lãnh đạo nhiều cơ quan Hội, Báo chí, Xuất bản, hội viên các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương. Vui mừng là các mầm cây yêu quý của chúng ta ở vùng phía Bắc Trung bộ và Trung Nam Bắc bộ trưởng thành lên trông thấy rõ vì sự nghiệp chung của đất nước.
Nói đến đây, chúng tôi những người có trách nhiệm được phân công góp phần tổ chức và điều hành các lớp lúc bấy giờ không thể không nhắc mối tình anh em ruột thịt của ba khóa văn hóa kháng chiến liên khu IV những ngày đầu tiên ấy với các lớp Nhạc của sở Thông tin tuyên truyền mà giám đốc là anh Hải Triều. Cũng như với các lớp văn nghệ Quân đội mà ở Tam Lạc do Phòng Chính trị Quân khu, mà người bảo trợ nhiệt tâm nhất là vị tướng Nguyễn Sơn: nhiều cây bút quân đội ưu tú đã xuất thân từ các lớp này. Lớp nhạc của sở Thông tin tuyên truyền do các nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, Lê Yên.v.v…giảng dạy: nhiều học viên trẻ đã được yêu mến nhờ các nhạc phẩm có phong cách trữ tình kháng chiến sâu sắc lúc bấy giờ như Nguyễn Ký, Nguyễn Văn Tý.
Các vườn ươm xanh tươi những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công và trong cuộc kháng chiến của toàn dân đều có mặt với nhau trong cảnh quan chung rực rỡ của văn hóa, văn học, nghệ thuật cách mạng. Tình nghĩa cao đẹp ấy sẽ còn mãi mãi trong lòng của chúng ta, và trong hành động cách mạng của chúng ta.
Làng Quần Tín đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng đương thời. Từ năm 1947-1954, Quần Tín chính là nơi ở và hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam).
Bảo tàng Văn học Việt Nam