Nhà thơ Tế Hanh có ba kính lúp, là những món quà bạn bè tặng ông trong những chuyến đi công tác nước ngoài về.
Lý do nhà thơ Tế Hanh thường được bạn bè tặng kính lúp rất đơn giản. Từ những 1980 trở đi, đặc biệt là những năm cuối đời, nhà thơ Tế Hanh bị bệnh về mắt, thị lực giảm sút nhiều. Rất nhiều bài thơ của ông trong thời gian này nói lên cảnh ngộ riêng của mình: “Mắt anh không được như xưa – Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng…”
Sức khỏe của ông ngày càng yếu, đặc biệt là mắt nhà thơ ngày càng mờ, khi đọc phải có kính lúp soi. Tuy nhiên, nhà thơ Tế Hanh vẫn miệt mài đọc và viết. Biết được điều này, bạn bè, người thân rất thương ông. Mỗi lần đi công tác nước ngoài về, họ thường mua kính lúp tặng nhà thơ Tế Hanh để ông sử dụng khi cần.
Nhà thơ Tế Hanh sinh 1921 ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của “Phong trào thơ mới. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông luôn đổi mới thơ của mình nhằm phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Sau năm 1954, thơ của ông phong phú và giàu cảm xúc, chan chứa tình yêu đất nước, yêu cách mạng, được gửi gắm trong các tập thơ: Gửi miền Bắc (1958), Hai nửa yêu thương (1963), Con đường và dòng sông (1980)…Đặc biệt là những bài thơ nói lên tình cảm của nhà thơ đối với miền Nam ruột thịt: Nhớ con sông quê hương, Chiêm bao, Nói chuyện với sông Hiền Lương…
Với những đóng góp của mình cho nền văn học – nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Tế Hanh đã được nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.
Hiện nay, tại tầng 3 nhà trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày một số hiện vật của nhà thơ Tế Hanh.
Nguyễn Hằng