Đoàn công tác tìm đến ngôi nhà số 42 đường Yersin sau hai ngày từ Hà Nội vào Nha Trang, để được gặp nhà thơ Giang Nam. Nhà thơ có dáng người bé nhỏ, nụ cười đôn hậu, gần gũi như chính những câu thơ trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông.
Sau một hồi trò chuyện ông cho chúng tôi xem rất nhiều kỉ vật, ảnh, thư, bản thảo… từ thời ông sáng tác và hoạt động cách mạng, những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Trong đó có rất nhiều ảnh quý chụp từ thời nhà văn hoạt động ở chiến khu R. Nhiều lúc ông trầm ngâm lục lại trí nhớ khi nói về từng nhân vật và sự kiện trong bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian.
Cùng với các bức ảnh, nhà thơ Giang Nam còn lưu giữ rất nhiều vật dụng từ thời ông hoạt động ở Hội Văn nghệ Giải phóng tại chiến khu R Tây Ninh. Trong số các vật dụng nhà thơ lưu giữ, chiếc Radio mà nhà thơ từng sử dụng. Đây là quà của Ban thống nhất chuyển vào Trung ương cục miền Nam tặng ông vào tháng 10/1971. Nhà thơ thường mang chiếc Radio trong các chuyến đi công tác, ngoài nghe thời sự, tin tức chiến đấu của nhân dân, ông còn nghe chuyên mục đọc thơ mỗi đêm. Đây là chương trình ông mong đợi nhất vì được nghe tiếng thơ của các bạn thơ trên mọi miền Tổ quốc.
Chúng tôi xúc động khi nghe nhà thơ kể về hoàn cảnh ra đời bài thơ Quê hương nổi tiếng, về người vợ của mình “Cô du kích” Phạm Thị Chiều. Và ông đã chép tặng chúng tôi mỗi người một bản bài thơ Quê hương của mình.
Kỷ niệm lần đầu gặp nhà thơ Giang Nam luôn là kỷ niệm quý giá, dù sau này chúng tôi may mắn được gặp nhà thơ vài lần nữa.
Nguyễn Hằng