Nhà văn Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, sinh năm 1930 tại Quy Nhơn – Bình Định. Cha của ông là ông Lê Ấm, từng làm Đốc học ở trường Quốc học Huế. Mẹ của ông là bà Phan Thị Châu Liên, là con gái đầu của nhà Chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh.
Tuy sinh ở Bình Định nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở quê cha Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Vốn sinh trong gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ nhỏ ông đã học giỏi môn Văn và tiếng Pháp. Mười lăm tuổi, ông đã tham gia đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam và tham gia cướp chính quyền ở địa phương trong cách mạng tháng Tám.
Năm 1950, ông nhập ngũ, theo học trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp, ông sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào. Năm 1954, ông tập kết ra bắc. Năm 1958, ông theo học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ông được phân công trở lại chiến trường Miền Nam, làm phái viên tuyên truyền khu ủy liên khu V, và viết văn với bút danh Phan Tứ. Do sức khỏe yếu lại bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, năm 1966 ông được đưa ra Bắc để chữa bệnh và công tác tại Hội liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam. Sau năm 1975, ông về sinh sống, làm việc ở Quảng Nam. Ông mất tại Đà Nẵng năm 1995.
Cũng như rất nhiều nhà văn thời chiến, ông vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu. Những năm ở chiến trường gian lao, ông vẫn giữ thói quen ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ đó là nguồn tư liệu để ông viết những tác phẩm sau này: “Gia đình má bảy”, “Mẫn và tôi”…
Khi chúng tôi đến gia đình nhà văn, các kỉ vật của ông vẫn được lưu giữ rất cẩn thận. Đó là bộ tư trang ông mặc trong thời kỳ ở chiến trường; là chiếc dao găm ông dùng khi bắt đầu vào chiến trường khu B năm 1961 đến năm 1966. Chiếc dao găm được làm bằng thép trắng, trên thân dao có khắc chữ Liên Xô, được đựng trong một bao da màu nâu, thường được nhà văn đeo vào thắt lưng cùng với súng, túi đựng đạn, túi đựng lựu đạn. Đây cũng là thời kỳ ông viết các tác phẩm “Trên đất Lào”, “Về làng”…
Trân quý và mong muốn những kỉ vật của chồng sẽ còn mãi với thời gian, bà Phương Thảo – vợ của nhà văn đã tặng Bảo tàng Văn học Việt Nam những hiện vật đó – minh chứng cho một thời cống hiến hết mình của nhà văn Phan Tứ cũng như thế hệ các nhà văn Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Nguyễn Hằng