Khẩu súng ngắn K59 của nhà văn Cao Duy Thảo

Ngày 2 tháng 9 năm 2009 nhà văn Cao Duy Thảo đã trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam khẩu súng K59 cùng giấy cấp sử dụng. Đây là một trong những vật dụng đã gắn bó với nhà văn trong suốt những năm tháng công tác chiến đấu tại chiến trường của ông.

Ông kể: “Năm 1966 tôi được cấp khẩu K54 khi từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào khu 5. Khẩu K54 là loại súng có trọng lượng khá nặng vì vậy năm 1973 sau mấy trận sốt rét, tôi gầy tọp người thì Ban tuyên huấn đã xem xét và đề xuất Ban An ninh miền đổi cho khẩu K59 nhẹ hơn cùng với giấy cấp sử dụng kèm theo”. Cũng theo lời ông: “Cấp thì mang cho vui, chủ yếu giải quyết “khâu oai”, chớ chẳng có dịp sử dụng”. Và đúng vậy, 14 viên đạn đã ở yên trong cắp đạn cho tới ngày giải phóng ông đã mang ra bắn hết để ăn mừng đất nước sạch bóng quân thù. Sau hòa bình lập lại, ông đã giữ gìn khẩu súng K59 cẩn thận như một kỷ vật quý giá của riêng mình. Sau này, với sự tin tưởng bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo quản những hiện vật tốt nhất nên ông đã quyết định trao tặng cho bảo tàng khẩu súng K59 cùng giấy chứng nhận sử dụng của mình.

Giấy cấp sử dụng súng K59 cho nhà văn Cao Duy Thảo

Nhà văn Cao Duy Thảo sinh ngày 01-01-1943, quê quán tại Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc học ở các trường học sinh miền Nam, sau đó học trường Điện ảnh Việt Nam. Đến năm 1964 tốt nghiệp, ông làm biên kịch tại xưởng phim truyện Việt Nam. Trở lại về Nam năm 1966 ông làm phóng viên biên tập Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Sau giải phóng ông làm trưởng phòng văn hóa văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1979-1982 ông tham gia lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hoà hai nhiệm kỳ (1994 – 2004).

 

Từ truyện ngắn đầu tay in năm 1967, đến nay nhà văn Cao Duy Thảo đã in 12 tập sách, bao gồm 1 tiểu thuyết, 1 tập thơ, 4 tập truyện ngắn, 4 tập bút ký, 2 tuyển tập truyện ngắn và bút ký. Các tác phẩm chính của ông: Im lặng của đá (tập truyện ngắn, 1975); Thành phố lúc bình minh (tập truyện ngắn in chung, 1979); Ngọn đèn (tập truyện ngắn, 1985); Cảm ơn mùa xuân (thơ, 1998); Thời gian (tập truyện, 1998); Xứ bình yên (truyện và ký, 2000); Bút ký văn học (tập bút ký, 2004); Chim bay về núi (tiểu thuyết, 2010); Sóng vỗ mạn thuyền (tập bút ký, 2012); Tuyển tập truyện ngắn và bút ký văn học (tuyển tập, 2012); Đi nhiều thành đường (tập tùy bút, 2017); Ven cánh rừng ký ức (tập bút ký, 2018). Trong đó tiêu biểu là truyện ngắn “Thời gian” đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả.

Nhà văn Cao Duy Thảo cũng đạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp sáng tác của mình: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn năm 1982 (Cá trắm đẻ); Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983-1984 (Thời gian); Giải thưởng Văn học 5 năm (2009-2014) của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

BTVHVN