Đây là một tập diễn ca viết về lịch sử, của hai tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, hai nhà thơ Việt Nam triều Nguyễn sống vào thế kỷ XIX.
Tác phẩm chép tay bằng chữ Nôm, 2054 câu viết theo thể thơ lục bát và soạn theo lệnh của vua Tự Đức.
Các tác giả thể hiện cái nhìn tương đối khách quan nhưng có phần hơi thiên về triều đại nhà Nguyễn, cái gì của triều Nguyễn cũng đều tốt đẹp, các chúa Nguyễn cát cứ trong Nam là chính nghĩa, sự thành lập của triều Nguyễn là một tất yếu phù hợp với ý trời và lòng người…
Lê Ngô Cát, người xã Hương Lang, huyện Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Nội); Ông đậu cử nhân năm Tự Đức thứ nhất (1848), làm việc ở Quốc Sử quán. Còn Phạm Đình Toái, tự Thiếu Du, hiệu Song Quỳnh, người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ cử nhân khoa Qúy Mão thứ ba (1843) đời vua Thiệu Trị và làm đến chức Hồng lô tự khanh.
Tác phẩm có nội dung giá trị đặc biệt khi đề cập đến những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nhằm lật đổ ách thống trị phong kiến nước ngoài, như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Đông Hán, cuộc kháng chiến của quân dân đời Trần chống quân Nguyên Mông hay cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi (1385-1433) chống quân Minh.
Đây là tác phẩm được viết khá súc tích và sinh động, phảng phất nét sử thi thời cổ đại.
Tác phẩm “Đại Nam quốc sử diễn ca” không rõ được chép từ bao giờ, vẫn còn nguyên vẹn câu đầu đến câu cuối, mặc dù chữ chép tay không được đẹp nhưng lối viết rất chân phương dễ đọc. Hiện nay, tác phẩm đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Nguyễn Thái Sơn