Cuốn sách Đại Nam Quốc sử diễn ca

Hiện tại ở Bảo tàng Văn học Việt Nam, trong phần trưng bày về văn học thời kỳ nhà Nguyễn hiện đang trưng bày một ấn bản Đại Nam Quốc sử diễn ca ở vị trí trang trọng nhất. Cuốn sách được sao chép từ bản gốc sách Đại Nam quốc sử diễn ca in bằng chữ nôm – Duy Tân nhị niên Mậu Thân thu (1908) Quan Văn Đường tàng bản hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và một bản sao viết tay sách Đại Nam quốc sử diễn ca bằng chữ Nôm do Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái biên soạn. Nếu có dịp mời các bạn độc giả ghé thăm và chiêm ngưỡng cuốn sách này ở bảo tàng chúng tôi.

Cuốn sách Đại Nam quốc sử diễn ca in bằng chữ Nôm – Duy Tân nhị niên Mậu Thân thu (1908). Quan Văn Đường tàng bản

Xưa ở bậc tiểu học chúng ta đã từng học qua và đọc thuộc lòng đoạn thơ trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2:

Bà Trưng quê ở châu Phong,

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quận

Ngàn Tây nổi áng phong trần,

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên,

Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Đó chính là một đoạn trong chương viết về cuộc khởi nghĩa, giành lại độc lập chủ quyền của Hai Bà Trưng năm 42 sau công nguyên trong sách Đại Nam Quốc sử diễn ca.

Đại Nam quốc sử diễn ca là một cuốn lịch sử bằng thơ. So với Đại Việt Sử ký Toàn thư, pho sử lớn của nước ta thì Đại Nam quốc sử diễn ca chỉ là một bài vè minh họa cho các sự kiện lịch sử đã được nhắc đến trong pho sử đồ sộ này. Nhưng sự phóng khoáng của trí tưởng tượng của tác giả và sự lộng lẫy của hình ảnh trong lời văn đã làm cho Đại Nam quốc sử diễn ca có sức hấp dẫn đặc biệt. Tổng thể Đại Nam Quốc sử diễn ca gồm 19 hồi, sử dụng văn Nôm và thể thơ lục bát, tóm tắt các sự việc lớn xảy ra trong nước ta từ đời Hồng Bàng đến cuối đời Tây Sơn. Chính vì đặc điểm dễ nhớ, dễ thuộc nên Đại Nam quốc sử diễn ca rất dễ đi vào lòng người. Ở đây lịch sử được kể lại một lần nữa qua tài năng và mỹ cảm của người viết, lúc rủ rỉ thiết tha như lời truyền dạy bên đống lửa, lúc ngân nga như câu hát đồng dao, qua đó tiếp tục phủ thêm một mầu sắc huyền thoại vào lịch sử chính thống, nhưng đồng thời làm cho các nhân vật và các sự kiện từ thời Đinh – Lê trở về trước trở nên sáng tỏ và sống động.

Tương truyền rằng trong các cuộc tìm kiếm sách cũ ở Bắc Kỳ thời Vua Tự Đức (1847 – 1883), một người học trò ở Bắc Ninh không rõ họ tên đã dâng nộp cuốn sách cổ “Sử ký quốc ngữ ca”, nội dung là các bài thơ diễn ca về lịch sử dân tộc bằng chữ Nôm từ thời Hồng Bàng cho đến thời nhà Mạc. Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” (Đệ tứ kỉ, quyển 18) thì “Tháng Ba năm Tự Đức thứ 2 năm Mậu Ngọ (tức năm 1858), vua sai các quan coi sử quán là Phan Thanh Giản và  Phạm Huy chọn người giỏi quốc âm coi việc sửa chữa “Sử ký quốc ngữ ca” và nối thêm sử đời Lê Trịnh cho đến đời vua xuất đế (Lê Chiêu Thống), các quan bèn chọn Lê Ngô Cát làm biên tu và Trương Phúc Hào chức tư vụ để sung vào việc đó”. Tháng tư năm 1858, Lê Ngô Cát bắt tay vào công việc vua giao, nối thêm phần sử đời Lê Trịnh cho đến đời Lê Chiêu Thống, công việc mất gần hai năm mới hoàn thành. Sách mới lấy tên là “Quốc sử diễn ca”, sau đó được Phạm Xuân Quế và danh sĩ Phạm Đình Toái sửa chữa lại một số phần và đặt tên cuối cùng là “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Trong bài tựa sách bản in lần thứ nhất viết vào đầu thu  năm Canh Ngọ đời Tự Đức thứ 23 (1870), Phạm Đình Toái  đã viết: “Quốc sử diễn ca do quan án sát tỉnh Cao Bằng là  Lê công Ngô Cát vâng lệnh soạn… quan thị lang bộ hình là Phạm công Xuân Quế đã nhuận sắc. Toàn sách cả thảy có 1887 câu”. Cuốn sách Đại Nam quốc sử diễn ca đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” bản viết tay bằng chữ Nôm do Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái biên soạn

Đến nay Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đã có tuổi đời hơn trăm năm. Do điều kiện giai cấp và thời đại của các tác giả nên nội dung và hình thức của tác phẩm có bị hạn chế trên một số điểm, nhưng nhìn chung tác phẩm đã ghi đậm một tinh thần yêu nước mạnh mẽ, niềm tự hào dân tộc chính đáng. Đại Nam quốc sử diễn ca đã vượt qua giá trị của một bài vè dễ thuộc dễ nhớ để trở thành một cách tiếp cận và phổ biến lịch sử mà ngày nay chúng ta phải trân trọng giữ gìn và tiếp nối (tất nhiên cũng như các quyển sử cũ khác, những hạn chế về tư tưởng của nó là rất khó tránh khỏi).

Đào Nguyên Phương