Cuốn sách “Cữ và Vần Viêd Khwa Hok” trưng bày tại Bảo tàng văn học Việt Nam

Trong không gian trưng bày tại tầng 1 của Bảo tàng Văn học Việt Nam, phần trưng bày về chữ viết qua các thời kỳ ở nước ta, có một cuốn sách mà có lẽ người xem sẽ cảm thấy rất hứng thú nếu tìm hiểu kỹ hơn về nó, đó chính là cuốn “Cữ và Vần Viêd Khwa Hok” (Chữ và vần Việt Nam khoa học) của tác giả Nguyễn Bạt Tụy do Nhà xuất bản Hoạt Hóa xuất bản năm 1949.

Tác giả Nguyễn Bạt Tụy là một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học sinh năm 1920 tại Hà Nội, từ năm 1945 ông sống và làm việc tại Sài Gòn, Đà Lạt. Ông là một học giả có cá tính. Ông nhiều lần được Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đà Lạt và Huế mời giảng về một số chuyên đề ngôn ngữ học, dân tộc học, ông cũng từ chối chỉ làm một giáo sư dạy tư.

Ông là một nhà lập thuyết về ngôn ngữ học (nhất là ngữ âm học); chính ông là người phát kiến ra thuyết độ chạm (degre de Contact) trong ngữ âm nói chung và ngữ âm tiếng Việt nói riêng.

Cuốn “Cữ và Vần Viêd Khwa Hok” là cuốn sách viết về chữ Quốc ngữ giữa thể kỷ XVII mà ông đã dày công nghiên cứu. Cuốn sách đã tóm lược lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam do các nhà thám hiểm, các nhà buôn, các nhà truyền đạo đưa vào Việt Nam và viết về quá trình sửa đổi chữ Quốc Ngữ từ khi ra đời thế nào.

Cuốn sách dành hẳn một chương viết về âm thanh khi đọc chữ Quốc ngữ từ cách phát âm, nguyên tắc phát âm và chữ được thể hiện trước cách phát âm. Chương ba của cuốn sách viết về việc sửa đổi chữ Quốc ngữ, cách ghi âm thanh. Chương bốn, năm, sáu tác giả viết về chương trình sửa đổi cách ghép âm thanh của chữ Quốc ngữ, viết về những giá trị của các lần sửa đổi, viết về việc thực thành qua sửa đổi..

Có thể coi nhà nghiên cứu dân tộc học và ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy là người mở đầu xu hướng cải tiến chữ viết theo nguyên tắc âm vị học. Tuy nhiên, cải cách của ông quá mới mẻ và khó in ấn nên thoạt nhìn khá khác biệt và không được hưởng ứng.

                                                          Thanh Tú