Cuốn Hồng Đức quốc âm thi tập

Hồng Đức Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm Đường luật của nhiều tác giả trong đó có Lê Thánh Tông với vai trò người chủ xướng, được sáng tác ở nửa cuối Thế kỷ XV. Tuy không chỉ giới hạn trong 28 năm niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), nhưng phần lớn các sáng tác chắc đã được viết ra trong khoảng thời gian này và có thể cả trong những năm tồn tại sự hoạt động của Hội Tao đàn (1495-1497). Các bài thơ trong tập không để tên tác giả, nhưng chắc chắn họ là nhân sĩ thời Hồng Đức, một số người sau này có thể sẽ tham gia Hội Tao đàn. Một số bài được đoán là của Lê Thánh Tông, hoàn toàn không phải do lời văn “khẩu khí đế vương” mà chính do lời thơ rõ ràng là của người đứng đầu Nhà nước phong kiến ý thức được vai trò của mình đối với vương triều, với đất nước, người đứng đầu phong trào sáng tác thơ văn cung đình ý thức được địa vị chủ xướng, để các văn thần cùng họa.

Hồng Đức quốc âm thi tập hiện có 328 bài, chia thành năm môn loại : Thiên địa môn (môn loại về trời đất) 59 bài, gồm những bài vịnh về tết Nguyên đán, vịnh bốn mùa, vịnh mười hai tháng, vịnh năm canh, vịnh trăng, vịnh Hằng Nga.. Nhân đạo môn (môn loại về người) 4ó bài, phần lớn vịnh các nhân vật Lịch sử hoặc nhân vật truyền thuyết của Trung Quốc và Việt Nam, có một số bài nói về đạo làm người theo quan niệm, trung, hiếu, tiết, nghĩa, một số bài nói về lẽ tứ khoái…, Phong cảnh môn (môn loại về phong cảnh) 66 bài, có những bài vịnh phong cảnh thiên nhiên hoặc của Trung Quốc hoặc của Việt Nam, có bài vịnh di tích lịch sử trong nước, một số bài nói về tứ thú “ngư, tiều, canh, mục…” ; Phẩm vật môn (môn loại về phẩm vật) 69 bài, vịnh cảnh vật nói chung như vịnh “phong, hoa, tuyết, nguyệt, cầm, kỳ, thi, tửu”, vịnh các loại cây tùng, cúc, trúc, mai, một số bài vịnh các loài vật, đồ dùng… ; Nhàn ngâm chư phẩm (ngâm vịnh lúc thanh nhàn) 88 bài, có thể là những bài sót lại, không xếp vào những mục trên nên đề tài phức tạp, có những bài vịnh cảnh trí thiên nhiên, vịnh nhân vật lịch sử, có bài tự thuật. Đáng lưu ý ở phản này là có tới 45 bài thơ viết về chuyện Vương Tường, có lẽ do người sau chép lẫn vào. Hiện tượng chép lẫn vào Hồng Đức quốc âm thi tập có cả thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Trịnh Căn cũng là điều dễ hiểu, vì tác phẩm do người đời sau sưu tập.

Hiện nay tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày cuốn sách Hồng Đức quốc âm thi tập – của nhà xuất bản Văn học năm 1982.