Cuốn “Cung oán ngâm khúc chủ giải” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều do Lê Văn Hòe chú giải, hiệu đính, bình luận, bản in lần thứ nhất do Quốc học thư xã xuất bản năm 1954 là một trong những hiện vật quý được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
“Cung oán ngâm khúc” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Gia Thiều, được viết bằng chữ Nôm, gồm 356 câu thơ làm theo thể song thất lục bát; là khúc ngâm lấy lời người cung nữ lúc đầu được sủng hạnh sau đó bị Vua ruồng bỏ, oán than về thân phận của mình. Qua đây, tác giả cũng gửi gắm tâm sự của ông về thời cuộc và cả về cảnh ngộ riêng của mình lúc bấy giờ.
Bởi vậy, lời tự bạch của người cung nữ trong tác phẩm vừa là tiếng nói tâm tình của một nhân vật cung nữ do Nguyễn Gia Thiều sáng tạo ra, lại vừa là lời thác ngụ những nỗi niềm sâu kín và những suy ngẫm tổng quát về vũ trụ nhân sinh quan của bản thân mình mới tư cách chủ thể thẩm mỹ.
Năm 1954, “Cung oán ngâm khúc” được học giả – nhà văn – nhà nghiên cứu lịch sử – nhà giáo – Giám đốc của Quốc học thư xã Lê Văn Hòe chú giải, hiệu đính, bình luận. Đây được xem là một trong những công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông, nó thể hiện sự tài tình và kỹ lưỡng trong chú giải, cẩn trọng trong bình luận, nghiêm túc khách quan trong hiệu đính. “Cung oán ngâm khúc chú giải” trở thành công trình giá trị được nhiều nhà nghiên cứu, độc giả đón đọc./.
Chu Thị Hòa