Cây đàn Piano (của Nga) bây giờ đã cũ . Nó hiện diện tại nhà chúng tôi đã 35 năm. Hôm nay tiễn chân nó về Bảo tàng Văn học Việt Nam của Hội Nhà văn mà không khỏi bùi ngùi. Bây giờ đàn không còn thánh thót vang ngân, nhưng sự vang ngân của nó chính là những kỷ niệm.
Tôi còn nhớ, những năm 1988-1990 cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngoài đi làm cơ quan chúng tôi phải làm thêm để kiếm sống… Bế Kiến Quốc dùi mài ngày đêm bên bàn làm việc để sáng tác và viết báo kiếm tiền. Còn tôi thì ngoài giờ làm việc thì đi bán báo (bỏ mối báo cho các sạp báo). Thế mà cũng gom góp được tý chút. Lúc ấy các phương tiện đi lại, làm việc chỉ bằng xe đạp…và tôi cũng chở báo bằng xe đạp. Đến khi gom được món tiền có thể mua được một cái xe máy vừa vừa để có thể đi chở báo, thì hai vợ chồng bàn bạc với nhau: Hay là dồn tiền vào mua cái đàn Piano cho các con và bố mẹ cùng học đàn. Bế Kiến Quốc nói: “việc này hoàn toàn do em quyết định, bởi vì nếu mua xe máy thì em sẽ đỡ vất vả đi chở báo”…Tôi trằn trọc mãi rồi quyết định mua đàn. Không nhớ là bao nhiêu tiền nhưng lúc đó là 1,3 cây vàng. Nhà thơ Trương Ngọc Lan dẫn đi mua đàn, lúc chở về phải sáu người mới khênh lên được tầng 3 nhà Ngọc Khánh. Hôm ấy Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bị sút lưng mãi mới khỏi vậy mà ông còn sang sảng đọc hai câu thơ:
“Mẹ đã qua mùa lịch
Tiếng đàn con ngân vang”
Có đàn không khí trong gia đình tưng bừng hẳn lên. Nhà thơ Trương Ngọc Lan đến nhà dạy đàn cho cả bốn người nhà tôi. Cuối buổi dạy Trương Ngọc Lan dạo đàn và đệm cho chúng tôi hát các bài hát đủ các kiểu loại, lúc thì nhạc cách mạng, lúc thì nhạc tiền chiến…Không ngờ với cây đàn Piano này nhà tôi ở khu tập thể Ngọc Khánh đã trở thành tụ điểm của thơ ca và âm nhạc. Bạn bè văn nghệ sỹ đến chơi và hò hát, đọc thơ, tưởng như cuộc sống chỉ có thơ ca và âm nhạc… Có đàn rồi chúng tôi lại muốn các con học chuyên sâu hơn. Cho nên cứ đến sáng chủ nhật, tôi chở các con bằng xe đạp để đến nhà nhạc sỹ Trần Tuyết Minh dạy trường Nhạc (nhà bác ở khu Đại La) để học thêm. Đến bây giờ mình cũng không sao hiểu nổi tại sao lúc ấy mình lại đủ sức khoẻ và cả sự dũng cảm nữa để chở hai đứa trẻ một đứa học lớp 2 một đứa học lớp 5 trên chiếc xe đạp mini Nhật. Cứ như thế bền bỉ suốt hai năm cho đến khi mua được xe máy trả góp. Bế Kiến Quốc rất say mê bên cây đàn, mỗi lần anh ngồi vào tập đàn, nhìn vẻ mặt hút hồn của anh, mấy mẹ con lại lăn ra cười… Nhà thơ Trương Ngọc Lan thường xuyên đến để bổ túc trình độ cho cả nhà, riêng tôi thì kém nhất vì tôi rất bận rộn. Nhưng bù lại tôi lại là người say mê hát nhất khi bạn bè đến vui chơi cùng chúng tôi bên cây đàn Piano…
Sự hiện diện của cây đàn Piano thực sự mang lại hạnh phúc đến cho gia đình tôi. Lại nhớ lúc phải băn khoăn đấu tranh giữa mua đàn hay mua xe máy… Chính lúc đó tình yêu nghệ thuật , tình yêu âm nhạc của những tâm hồn nghệ sỹ đã thôi thúc chúng tôi quyết định mua đàn. Cây đàn này đã gắn bó với gia đình tôi, đã chứng kiến bao buồn vui bao thăng trầm của cuộc đời nghệ sỹ… Chỉ là một kỷ niệm thôi, tôi trao gửi lại cây đàn cổ này cho Bảo tàng văn học Việt Nam, để nó vẫn ngân nga trong ký ức các thế hệ nhà văn…
Đỗ Bạch Mai
Hà Nội 17/7/2023
Bảo tàng Văn học Việt Nam xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Đỗ Bạch Mai đã trao tặng hiện vật quý gắn bó với nhà thơ Bế Kiến Quốc và gia đình tới bảo tàng.