Nhà thơ Bảo Định Giang tên thật là Nguyễn Thanh Danh. Ông sinh năm 1919 trong một gia đình địa chủ phá sản tại tỉnh Tiền Giang. Kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong chiến khu Đồng Tháp. Ông nổi tiếng với câu thơ sau này hay được nhầm là ca dao:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Câu thơ nói lên tấm lòng của người dân đất Việt phương Nam luôn trung thành với cách mạng, sắt son một lòng với Đảng, hướng lòng mình về Việt Bắc, về cụ Hồ.
Sau năm 1954, ông và gia đình tập kết ra Bắc nhưng lòng ông luôn hướng về quê mẹ miền Nam đang chìm trong khói lửa. Bút danh Bảo Định Giang của ông lấy tên một con sông quê hương Tiền Giang- sông Bảo Định. Sống ở đất Bắc, ông đảm nhiệm cương vị Trưởng tiểu ban văn nghệ miền Nam, là Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn nghệ Giải Phóng. Trên cương vị đó, ông cho tập hợp và xuất bản nhiều sáng tác từ tiền phương gửi về như: Từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh, Hòn đất… Ông còn tổ chức các cuộc triển lãm tác phẩm hội họa từ miền Nam gửi ra.
Luôn nhớ về quê mẹ, ông tổ chức cho nhiều văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Bản thân ông khi đã gần 50 tuổi cũng làm một chiến sĩ vượt Trường Sơn vào thăm anh em ở chiến trường Nam Bộ và trực tiếp chiến đấu như một người chiến sĩ. Ông đã ghi lại thực tế chuyến đi trong tác phẩm Văn nghệ một thời để nhớ (in năm 1996).
Kỷ vật của nhà thơ Bảo Định Giang về chuyến hành quân vào Nam của ông hiện còn được lưu tại Bảo tàng Văn học Việt Nam là một chiếc võng chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ (tháng 12 nám 2006 vợ nhà thơ trao lại cho Bảo tàng). Chiếc võng được thiết kế liền màn, hai đầu có các nút buộc. Khi căng lên, võng sẽ có hình khối hộp chữ nhật. Chiếc võng trải qua thời gian nhưng còn khá nguyên vẹn như dấu tích lưu lại về một thời lửa đạn, về một nghệ sĩ – chiến sĩ luôn nặng lòng với quê hương đất nước, sẵn sàng chia sẽ khó khăn với đồng chí đồng đội.
Thanh Tú