Chiếc bàn viết đặc biệt của Nhà văn Phong Thu

Chiếc hòm gỗ có kích thước 55x28x25 cm đóng từ năm 1956 là kỷ vật giản dị gắn bó mật thiết với quãng đời sáng tác của nhà văn Phong Thu đã trở thành hiện vật vô giá của Bảo tàng Văn học Việt Nam khi được gia đình nhà văn hiến tặng vào tháng 4.2023.

Chiếc hòm gỗ nhà văn Phong Thu sử dụng làm bàn viết hàng ngày

Nhà văn Phong Thu quê ở xã Kiên Trung, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Ông học ngành sư phạm ở Trung Quốc. Từ năm 1952, ông dạy tiểu học ở Mai Châu, Hòa Bình. Đến năm 1961, ông chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu ở Vụ Sư phạm, Bộ Giáo dục. Giai đoạn năm 1964 – 1981, ông là Trưởng ban Văn nghệ báo Thiếu niên Tiền phong.

Nhà văn Phong Thu sử dụng bàn viết hàng ngày

Ngoài bút danh Phong Thu, ông còn có các bút danh là Hồng Trang, Hồng Hương (tên hai người con gái của ông). Ông được trao giải Nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng và Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương tổ chức với tác phẩm “Hoa mướp vàng” năm 1968, Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội cho tập truyện “Điểm 10” năm 1969, Giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970 cho kịch bản phim hoạt hình “Cá sấu ngứa răng”…

Trong suốt sự nghiệp, ông có hơn 70 đầu sách, nổi tiếng với các tác phẩm như Hoa mướp vàng, Xe lu và xe ca, Cây bàng không rụng lá, Cái cúc màu xanh, Bồ nông có hiếu...Truyện và thơ của ông được in rất nhiều trong sách giáo khoa Tiếng Việt dành cho tiểu học và trung học cơ sở.

Một ngày tháng 4 năm 2023 sau nhiều lần đến nhà và qua những cuộc điện thoại trao đổi thuyết phục gia đình hiến tặng những kỷ vật của nhà văn, chúng tôi được biết nguyện vọng của gia đình là gửi gắm hiện vật cho Bảo tàng nhưng do còn nhiều lưu luyến nên phải qua thời gian khoảng 2 năm gia đình mới thống nhất và quyết định trao gửi cho Bảo tàng.

Cả đời nhà văn Phong Thu sống khiêm nhường, giản dị, không hoang phí. Trong công việc, ông chỉn chu, tỉ mỉ và cần mẫn như lời người con gái đầu của ông chia sẻ “Bố chị có lẽ rất hợp với công việc làm bảo tàng”. Chính vì thế mà chiếc hòm gỗ nhỏ đóng từ năm 1956 đã theo ông từ Hoà Bình về Hà Nội đến tận bây giờ. Khi mở chiếc hòm hiện lên dòng thơ:

“ Một kiếp văn chương say đắm thế

Mấy đời cơm áo hết hồn thôi”

Bên trong chiếc bàn viết của ông

Cũng trên chiếc hòm gỗ này, ông đã viết truyện ngắn đầu tay “Cái đầu sư tử” hay cuốn sách đầu tay “Đi tìm việc tốt” rồi lần lượt hàng ngàn bài báo, truyện ngắn, thơ phổ nhạc hơn 70 đầu sách ra đời. Chiếc bàn đặc biệt này có lẽ được nhiều bạn văn của ông hay những nhà văn thế hệ sau đều biết vì hàng ngày ông ngồi sáng tác và sửa bài cho lớp nhà văn đi sau. Hàng đêm ông thường gác chân lên chiếc bàn này ngủ rồi còn đặt con, cháu nằm lên. Chiếc bàn theo ông và gia đình từ thủa hàn vi đến khi con cái trưởng thành, nhà cửa khang trang hơn nhưng vì ông đã gắn bó bao năm nên không nỡ rời xa và giờ đã thành kỷ vật được Bảo tàng Văn học đón nhận và lưu giữ.

Gia đình nhà văn Phong Thu xúc động trao tặng lại kỷ vật của ông tới Bảo tàng Văn học Việt Nam

Có chứng kiến vợ ông lần giở từng cuốn sách, các con ông vuốt ve chiếc hòm trước khi chia xa mới hiểu gia đình đã yêu thương ông đến dường nào. Trong ký ức của các con nhà văn, ông là người vô cùng yêu trẻ nên các con hay cháu, chắt ai cũng một lòng yêu thương, kính trọng người ông gần gũi, đáng kính. Chính cách sống như vậy mà ông đã giữ được rất nhiều kỷ vật dành cho con, cháu: từ giấy khai sinh của con gái đầu nay đã ngoài 50 tuổi hay những bao lì xì tự tay ông làm tặng con, cháu.

Với những người làm công tác sưu tầm hiện vật cho bảo tàng, chiếc bàn này vô cùng quý giá vì nó đã chứng kiến những vui buồn bên trang viết của nhà văn từ khi tác phẩm chưa thành hình đến khi ra đời. Xin trân trọng gửi lời cảm tạ đến gia đình nhà văn vì đã tin trao cơ hội gìn giữ và trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam một hiện vật vô giá, gắn liền với cả cuộc đời sáng tác của nhà văn Phong Thu, để thế hệ người đọc sau này được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về đời sống sáng tác của ông – Nhà văn cả đời viết cho thiếu nhi.

Nhật Lê