Nguyễn Du là đại thi hào của Việt Nam (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại phường Bích Câu- Thăng Long.
Thủa nhỏ ông rất thông minh, lên sáu tuổi bắt đầu đi học. Những năm tuổi nhỏ ông được sống trong sự giàu sang nhưng cuộc sống này kéo dài không được quá mười năm, sau đó, những biến cố dữ dội của thời đại và của gia đình đã nhanh chóng đẩy ông ra bão táp của cuộc đời. Mười hai tuổi ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Khi lập gia đình, cũng vào thời gian loạn lạc, ông đã phải về quê vợ ở thôn Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để sinh sống.
Trong quá trình đi tìm hiểu, sưu tầm về đại thi hào Nguyễn Du, tôi đã về Thái Bình quê vợ của ông. Tại đây, tôi được biết trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ 18 ông đã sống nhờ nhà người anh vợ là ông Đoàn Nguyễn Tuấn. Trong ngôi nhà của dòng họ Đoàn còn lưu giữ một chiếc bàn gỗ. Ông Đoàn Ngọc Cống và vợ là bà Lê Thị Lụa hiện đang sống tại đây cho hay: “Đây là chiếc bàn gỗ duy nhất còn lại của Đại thi hào Nguyễn Du, ông đã sử dụng nó để làm thơ, viết văn trong thời gian sống tại Thái Bình. Chiếc bàn được truyền qua các đời như: Cụ phò tá dòng dõi nhà cụ Đoàn Nguyễn Thục (bố vợ Nguyễn Du) để cho cụ Đoàn Ngọc Quý, đến khoảng năm 1921, cụ Quý sử dụng làm bàn thờ. Đến năm 1950 cụ Quý hy sinh thì chiếc bàn được giao lại cho ông Đoàn Ngọc Cống và bà Lê Thị Lụa là con trai và con dâu sử dụng cho đến khi đoàn của Bảo tàng Văn học đến sưu tầm vào ngày 2/10/2007.
Khi chiếc bàn gỗ này được bàn giao lại cho Bảo tàng có sự chứng kiến của UBND xã Quỳnh Nguyên, dòng họ Đoàn cùng toàn thể cán bộ lãnh đạo và nhân dân trong thôn.
Thái Sơn