Bản thảo viết tay trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh

Bản thảo trường ca “Giao hưởng Điện Biên” được nhà thơ Hữu Thỉnh bắt đầu viết năm 2023, mặc dù ước mơ viết tác phẩm này sống âm ỉ trong ông hơn nửa thế kỷ. Đến khi đọc cuốn “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, cảm xúc bùng lên, thôi thúc ông phải viết. Nhà thơ Hữu Thỉnh cầm bút mà không dám nói với ai vì sợ mình không đủ sức tả trọn được Điện Biên Phủ trong hơn 2.000 câu thơ. Nhưng ông đã hoàn thành, như một lời hứa với tuổi trẻ và lịch sử.
                                                                   
Năm 2024, tập bản thảo đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Tác phẩm gồm 21 chương và 5 phần là bản “giao hưởng” với nhiều cảm xúc, từ bước chân người ra trận đầu tiên đến khúc tưởng niệm tri ân. Trong đó, từng nhân vật, từng địa danh, từng nắm đất, ngọn cờ, đều mang tiếng nói riêng, hợp thành bản hợp xướng thiêng liêng của dân tộc. Với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay – những người sống trong hòa bình – hiểu rằng, độc lập, tự do này được đánh đổi bằng máu. “Một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ”, và nhà thơ Hữu Thỉnh tin rằng: Điện Biên Phủ sẽ luôn sống mãi trong tâm hồn người Việt.
Tập Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” Nhà xuất bản Quân đội in 2024

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” được nhận giải A văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê quán ở xóm Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam từ khóa thứ III đến khóa thứ VIII, giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, từ năm 2000-2020. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa X và XI. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Với những cống hiến của mình cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, nhà thơ Hữu Thỉnh đã được trao tặng: Giải ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1972-1973; Giải A năm 1975-1976, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 (trường ca Đường tới thành phố) và năm 1995 (tập thơ Thư mùa đông); Giải xuất sắc Bộ Quốc phòng năm 1994 (Trường ca biển). Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2006. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt IV năm 2012. Giải A Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 – 2025. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều huân chương cao quý khác.