Lưu Trọng Lư (1911-1991) sinh ra ở làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xuất hiện ở giai đoạn đầu của phong trào Thơ mới. Ông tham gia văn đàn với nhiều thể loại: Thi ca, kịch bản văn học, phê bình, tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, bút ký… Những đóng góp trên nhiều địa hạt ấy đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Lưu Trọng Lư đối với tiến trình phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà.
Thơ Lưu Trọng Lư là mảng đóng góp lớn nhất và gây ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc. Giữ vai trò là nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới nhưng chất thơ của ông không Tây như Xuân Diệu, không sầu vạn cổ như Huy Cận, không điên cuồng như Hàn Mặc Tử… mà có sự đan quyện giữa cổ điển và hiện đại, phương Đông và phương Tây, hay nói cách khác, thơ ông vừa có vẻ đẹp cổ điển vừa có luồng gió của thời đại mới. Điều này làm nên cái tôi vừa rạo rực, tràn đầy cảm xúc vừa u buồn, cô đơn.
Đó là thế giới của cõi mộng, cõi chiêm bao. Đó là tiếng lòng của một “thi sĩ đa tình và mơ mộng” (Vũ Ngọc Phan), “chỉ sống bằng tưởng tượng” (Trương Tửu), “sống bằng nội tâm nhiều hơn ngoại giới” (Phan Cự Đệ). Và “Mộng, đó mới là quê hương của Lư” (Hoài Thanh, Hoài Chân). Trong các tập thơ, tập Tiếng thu, tập thơ đầu tay thể hiện rõ nhất về cái tôi trữ tình và phong cách thơ của Lưu Trọng Lư, đồng thời khẳng định dấu ấn của ông đối với phong trào Thơ mới.
Nếu trước Cách mạng tháng Tám, thơ Lưu Trọng Lư có sự tương giao, tương ứng giữa thực-phi thực, quen-lạ, cổ điển-hiện đại, quá khứ-hiện tại…, từ âm thanh, màu sắc, ngôn từ… cho đến thi ảnh trong thơ Lưu Trọng Lư đều bị ảnh hưởng bởi sự mờ nhòe, hư hư thực thực thì sau cách mạng, thơ ông hướng đến vẻ đẹp khác-vẻ đẹp của những con người thầm lặng hy sinh cho đất nước ở Trường Sơn, Cự Nẫm, Quảng Trị, Huế… và chạy dọc cả miền Trung-nơi quê hương đau khổ và thân thiết…
Giai đoạn làm nên tên tuổi, khẳng định những đóng góp về quan niệm cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật, cách tân hình thức thi ca của ông vẫn là giai đoạn trước năm 1945. Rất nhiều ý kiến đánh giá, khẳng định về vị trí của Lưu Trọng Lư trong phong trào Thơ mới: “Lưu Trọng Lư là người đầu tiên, có công đầu, lại lên tiếng tấn công liên tục, không chỉ bằng lý luận có tình có lý (bác cái cũ đã lỗi thời, ca ngợi cái mới) mà quan trọng hơn là bằng cả một thực tế sáng tác phong phú, và từng bước đã có những thành công vững chắc, có lúc rạng rỡ”.
Ngô Văn Phú còn xem ông là “chiến tướng trong phong trào Thơ mới”… Sau Cách mạng tháng Tám, thơ Lưu Trọng Lư gần với hiện thực cuộc sống hơn, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt thành của nhà thơ trước vận mệnh của nhân dân, của dân tộc, của quê nhà. Tuy có sự khác biệt giữa hai mảng thơ trước và sau 1945, nhưng có thể nói, ở giai đoạn nào, thơ của Lưu Trọng Lư vẫn hướng đến cái đẹp. Cái đẹp là nhân tố quan trọng, thiết yếu của văn học-nghệ thuật. Mỗi cách tiếp cận cái đẹp trong thơ Lưu Trọng Lư đều góp phần nhấn mạnh, khẳng định sức sáng tạo bền bỉ, không hề mệt mỏi của ông.
Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong thơ ca, Lưu Trọng Lư còn năng nổ trong lĩnh vực văn xuôi. Khối lượng tác phẩm văn xuôi mà ông để lại khá đồ sộ. Đề tài, ý tưởng, giọng điệu, kết cấu, nhân vật,… trong các tác phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư đa phần mang đậm dấu ấn của một phong cách lãng mạn, mộng mơ nhưng nồng đượm tình cảm. Đặc biệt, tập truyện Người sơn nhân (gồm 3 truyện ngắn, một bài Thơ mới và một bài tiểu luận “Một cuộc cải cách về thi ca”) được đánh giá khá cao. Phan Khôi cũng không ngần ngại khi xem đó là “tác phẩm mở đầu cho cõi tư tưởng của văn nghệ mới”.
Đánh giá về phong cách văn xuôi trước năm 1945 của Lưu Trọng Lư, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: “Tóm lại, theo tôi, lãng mạn là nét phong cách khá nổi bật ở văn xuôi tự sự trước năm 1945 của Lưu Trọng Lư. Tất nhiên điều này không ngăn cản việc ở phần sáng tác này của ông, ta còn có thể tìm thấy những minh chứng về sự tố cáo những biểu hiện phi nhân tính, phản xã hội ở cuộc sống đương thời-tức là những thuộc tính thường vẫn được gắn cho văn chương “tả thực phê phán”.
Lại cũng có thể tìm thấy ở mảng sáng tác này của ông những trường đoạn, thậm chí gần như nguyên vẹn cả một tác phẩm cho thấy những tập tục sinh hoạt của cư dân Việt, từ tục phạt vạ gái chửa hoang (Khói lam chiều) đến tục chặn đường đám đón dâu để xin “cheo” (Chiếc cáng xanh), hoặc những quan hệ dòng tộc theo phụ hệ giành ưu thắng trong gia tộc (Dòng họ)… nhưng cũng không dễ để có thể coi Lưu Trọng Lư như nhà văn phong tục”.
Giáo sư Phong Lê lại chỉ ra những cái được và chưa được của Lưu Trọng Lư: Nếu những truyện tình và truyện hoang đường của Lưu Trọng Lưu không gây được nhiều sự chú ý, và thật sự là không mới trong so sánh với các tác giả khác cùng thời như Khái Hưng, Nhất Linh; như Thế Lữ, Thanh Tịnh thì những truyện viết về một thời quá vãng, dựa trên hồi ức của bản thân, về tuổi thơ với người thân, và nhất là về người mẹ qua đời quá sớm lại có nhiều trang hay và cảm động như trong Chiếc cáng xanh (1941)… Như thế, dù viết về cuộc sống và con người ở vùng đất nào, ở mảng truyền thuyết, dã sử, thần kỳ, ma quái,… nào, Lưu Trọng Lư cũng đều gửi gắm cái tình chân thành, niềm khát khao chiếm lĩnh cái đẹp của ông.
Ở lĩnh vực phê bình, Lưu Trọng Lư tham gia tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, đấu tranh kịch kiệt với thơ cũ, cổ vũ Thơ mới, bênh vực Thơ mới, tranh luận về Truyện Kiều, tranh luận về thơ văn Nguyễn Công Trứ… Lưu Trọng Lư ủng hộ “một cuộc cải cách về thi ca” và chỉ ra những nguyên nhân cần phải thay đổi. Trong một bức thư gửi cho Phan Khôi, ông bày tỏ: “Nếu cứ phải uốn nắn theo khuôn khổ chật hẹp, như hiện tình thi ca nước nhà, thì họ phải thất vọng biết dường nào! Vậy ta còn ngần ngừ gì nữa, mà không mở rộng cái “lãnh thổ ” kia ra, để mặc sức cho họ đem những cái thiên tài phú bẩm ra mà đua bơi vùng vẫy”. Theo ông, Thơ mới ra đời là một quy luật tất yếu, cần thiết. Chỉ có ở Thơ mới, người nghệ sĩ mới được tự do bộc lộ những thành thật của cảm xúc, của tâm hồn.
Bên cạnh đó, Lưu Trọng Lư còn biết đến với tư cách là nhà soạn kịch. Đề tài của kịch cũng khá phong phú: về tình cảm gia đình, về tình yêu, về lịch sử,… Vở Hồng gấm và Tuổi hai mươi tuy còn có nhiều hạn chế, thiên về “hoạt cảnh thơ hơn là một vở kịch” (Nguyễn Văn Long) nhưng vẫn gây xúc động với người đọc về hình tượng người nữ anh hùng miền Nam. Đến vở Bình minh Anh vũ, Lưu Trọng Lư đã thoát ra khỏi nhược điểm ấy. Đấu tranh cho tình yêu, hạnh phúc, vở Bình minh Anh vũ “được xây dựng khá quy mô với ba hồi, mười hai cảnh. Chất thơ và tính kịch đã có sự hòa hợp, bổ sung cho nhau. Hành động kịch được phát triển theo một tuyến khá nhất quán, tâm lý nhân vật ít nhiều đã được soi rọi, tuy vậy cũng còn một số cảnh hơi dài dòng, dàn trải, những đối thoại chưa được chọn lọc và còn đăng đối quá”.
Trong hai mảng kịch nói và kịch thơ, kịch thơ có sức hấp dẫn hơn, phù hợp với giọng điệu trữ tình lãng mạn của Lưu Trọng Lư, tuy chưa để lại dấu ấn bằng thơ và văn xuôi cả về số lượng lẫn chất lượng song ít nhiều đã giúp người đọc có cái nhìn bao quát hơn về sự nghiệp sáng tác và những cống hiến của Lưu Trọng Lư, mà lâu nay ta thường lãng tránh, hoặc vô tình bỏ quên.
“Người có tài lao động, thiên tài sáng tạo” (Robert Schumann). Lưu Trọng Lư là một thiên tài như thế. Bên cạnh những yếu tố thiên bẩm, dường như, cái vị mặn mòi của biển, cái bỏng rát của gió Lào, cái bất ngờ của cơn đại hồng thủy… cũng là một trong những nhân tố hun đúc nên khí chất, tâm hồn của một thi sĩ không ngừng “gom nhặt cái đẹp cho đời”.
Vì thế, những gì ông viết không chỉ tôn vinh cuộc sống, con người, nền văn học nghệ thuật Quảng Bình, chứng minh được tiềm năng, sức sống của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh nở những tài năng lớn, như: Dương Văn An, Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh… mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học dân tộc. Với những đóng góp, cống hiến ấy, ông xứng đáng được tôn vinh là danh nhân văn hóa của dân tộc.
HOÀNG THỤY ANH
Theo nguồn: https://vanvn.vn/vi-tri-dac-biet-quan-trong-cua-luu-trong-lu-trong-tien-trinh-phat-trien-van-hoc-viet-nam/