Mỗi lần ngồi trò chuyện với nhà thơ Trần Quang Quý, tôi đều cảm nhận có một nỗi cô đơn sâu thẳm trong lòng, một nỗi buồn lặn dưới đáy những tâm tư mà anh không dễ dàng bày tỏ. Có thể những “ngây thơ” trong hành xử giữa đời sống của anh khiến nhiều người chưa thực sự hiểu hoặc hiểu sai về anh, nhưng khi đọc những câu thơ anh viết, có người đã thốt lên: “Thơ Trần Quang Quý hay hơn con người anh.”
Tâm hồn anh có lượng lưu trữ dồi dào với những trải nghiệm đời sống qua bao biến cố, thăng trầm của đất nước từ thời chiến tranh đến những năm tháng bao cấp đầy khó khăn, rồi sau này là giai đoạn mở cửa để nền kinh tế được giải phóng… Từ những vai trò khác nhau khi có mặt ở đời sống này: là người lính trong lực lượng Biên phòng (trước đây là Công an Nhân dân vũ trang) có mặt tại các điểm nóng của vùng biên thuộc các tỉnh: Nghệ An, An Giang, Kiên Giang; là cán bộ văn hóa thông tin tại tỉnh nhà Phú Thọ, là học viên trong những khóa học đầu tiên được đào tạo bài bản tại Trường Viết văn Nguyễn Du; là nhà báo, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, xuất bản… mà vai trò nào cũng khiến anh phải vất vả, trầy xước và ít nhiều tổn thương. Ở mỗi khúc quanh của cuộc đời, sau bao khốn khổ trầm luân, chỉ có những câu thơ ứa ra từ nước mắt, từ đánh đổi, từ chiêm nghiệm mới khiến anh thăng bằng trở lại.
Nếu không tận lực với thơ thì chỉ có thể thành thợ
Tập thơ đầu tiên của Trần Quang Quý có cái tên thật tình cảm “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” (1990), đó là tên một bài thơ được dành đặt cho cả tập. Lời tâm sự chân thật với người, với đời: Anh nghèo lắm có gì đâu ngoài sách/ Có gì đâu gia tài chẳng ngoài em/ Ô cửa hẹp mà trời thăm thẳm quá/ Một ngôi sao thả lỏng giữa xa mờ/ Anh bất chợt nhìn em bất chợt/ Ô cửa này rộng mở anh đi… Tập tiếp theo mang tên “Mắt thẳm” (1993), anh bộc lộ một cái nhìn sâu về cuộc sống, về con người. Nhưng phải đến “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2004) thì cái nhìn đó mới được tập trung và thể hiện đa diện hơn, đi vào thân phận những người yếm thế, những người ngoài lề, những người thua thiệt trong xã hội: Giấc mơ của bầy cá luôn ám ảnh bóng hình chiếc thớt/ Những mắt lưới gài bẫy trong veo/ Biển mỗi ngày vẫn sóng.
Hành trình thơ của Trần Quang Quý càng về sau càng có những bứt phá mạnh mẽ. Độc đáo và gây ấn tượng mạnh nhất với độc giả chính là tập “Siêu thị mặt” (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006), một lối thể hiện mới mẻ, sinh động về sự suy nghiệm trước những thân phận người bị thả trôi giữa dòng chảy cuồn cuộn khắc nghiệt của đời sống thị thành. Những con người trốn chính mình sau những chiếc mặt nạ, không dám bộ lộ gương mặt thật trước bao toan tính, tham vọng mỗi ngày lại khép chặt vòng vây với chính họ. Những tập thơ sau này như “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2004), “Màu tự do của đất” (2012), “Nguồn” (2019)… đã thực sự gây bất ngờ với bạn đọc.
Không chỉ dừng lại ở những đề tài, thể thức quen thuộc, cuộc chơi chữ nghĩa của Trần Quang Quý đã đặt một dấu ấn mới khi anh khởi xướng, thể nghiệm thể thơ 5 câu, sau này anh đặt tên là “Thơ namkau”. Bắt đầu từ những bản nháp ghi chép, những bài thơ dài còn dang dở, thích câu thích ý mà chưa hoàn thiện được, anh thử sửa thành những bài thơ ngắn, nhưng không muốn giống tứ tuyệt đã quá quen, đặc biệt là cấu trúc, niêm luật vần điệu khắt khe, ngẫu nhiên anh sửa thành những bài thơ năm câu và bỗng thấy nó ‘sáng ra’, bài thơ được nhất, theo cảm xúc, ý tưởng và chiêm nghiệm của mình. Thể thơ cũng được gợi ý từ quan niệm phương Đông về Ngũ hành và số 5, số sinh… Nó không quá ngắn để “vón cục”, thiếu đất cho những rung động được ngân lên. Cũng không quá dài để phù hợp với tốc độ xã hội công nghiệp và công nghệ phát triển, thời gian và các mối quan tâm bị chi phối bởi đa phức thông tin và giải trí đương đại. Và, nó hợp với khí thơ chiêm nghiệm, triết lý, diễn ngôn mà anh thường quan tâm lâu nay. “Cảm thức” là một trong những bài thơ namkau tiêu biểu của anh: Mùa thu giặt những đám mây trắng/ phơi lang thang bầu trời/ vắt ngang gió một lườn sông sóng sánh/ Trong rón rén bình minh chợt nhú/ ban mai vừa cởi cúc mùa thu.
Những người thân gần với anh đều thấu hiểu rằng: đổi lấy những câu thơ viết như rút hết tâm can phơi ra giữa đời đó, là rất nhiều thăng trầm bản thân anh phải tự mình đi qua. Những tai họa bất ngờ xảy đến, đôi khi cũng chỉ vì bản tính hồn nhiên, không lường trước tính sau của một nghệ sĩ. Đứng lên sau hoạn nạn, anh có sự bàng hoàng của người nhìn công lao, tài sản mình gây dựng bỗng một ngày trôi tuột hết theo dòng lũ lớn, nhưng cũng có cả sự bình thản, điềm tĩnh của người nhận ra được chân lý cuộc đời, để nhẫn nại gây dựng tất cả từ thứ vốn liếng sâu xa nhất: là thơ ca. Dường như không có điều gì trên đời này tận diệt được mầm sống mãnh liệt đó trong tâm hồn Trần Quang Quý. Mỗi lần đi qua biến cố đời thường là một lần thơ anh được thổi vào đó một màu sắc khác, một sức sống khác, tươi tắn và vững vàng, ngạo nghễ hơn.
Với văn chương, Trần Quang Quý luôn tâm niệm sâu sắc: “Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó ở trong lòng bạn đọc. Con đường văn chương cực gian nan, dễ huyễn hoặc và phụ thuộc vào tài năng, sức lao động… mà nếu không thức ngộ được thì có khi cả cuộc đời chỉ là bản nháp. Tôi cho rằng, dù làm bất cứ gì, nếu không tận tâm, tận lực với nó thì chỉ có thể thành thợ. Văn chương lại khó khăn hơn nhiều. Nó đòi hỏi sự ký thác máu thịt, một thái độ văn hóa, một sự đồng cảm, cảm thông lớn. Tôi tự bảo, hãy đào sâu và đẩy tới tận cùng nội lực của mình, may ra có được cái gì đấy”.
Hồn nhiên như đất
Đồng nghiệp đã từng làm việc cùng với nhà thơ Trần Quang Quý ở nhiều cơ quan khác nhau mỗi khi nhắc đến anh, đều có một câu chuyện, một kỷ niệm nào đó “không giống ai” về tính cách hồn nhiên của anh. Vẻ bề ngoài vạm vỡ, nước da ngăm đen cũng với đôi mắt lúc nào cũng như đang đăm đắm suy tư khiến người mới gặp ngỡ anh kỹ tính, khó tính, khó gần. Thực tế thì ngược lại, khi nghe ai nói chuyện gì, câu đầu tiên anh thốt lên: “Thế á?” đầy ngạc nhiên khiến người định trêu chọc anh lại phá lên cười trước. Hay trước một vấn đề tự anh thấy “nghiêm trọng” như ký văn bản kỷ luật cấp dưới theo thủ tục hành chính, sau một hồi đắn đo, bần thần, rồi tự mình lại thấy những thủ tục này thật chẳng có giá trị gì đối với một con người, anh bỏ tờ giấy sang một bên và bật lên tiếng cười ha hả như vừa mở được cái chốt cửa nhốt mình một cách ngớ ngẩn.
Khi còn làm Tổng biên tập ở tờ Gia đình và Xã hội, anh chọn đăng một truyện ngắn của nhà văn Tạ Duy Anh vào số báo tết, ngay sau đó có dư luận ồn lên là tác phẩm ám chỉ một lãnh đạo cao cấp, vậy là Trần Quang Quý hủy cả chuyến đi Mỹ để ở lại chạy lên chạy xuống giải trình với cơ quan cấp trên, rồi mọi việc cũng trôi đi. Hồi đó, để có được một chuyến đi Mỹ là cả một may mắn lớn, nhưng anh không hề tiếc nuối hay “trách móc” nhà văn gây khó cho mình. Thế rồi tờ báo anh góp nhiều công sức gây dựng cũng không phải đất lành, chuyến “thiên di” bất đắc dĩ ra khỏi nơi mình từng gắn bó như một đòn đau, hằn lại trong lòng anh những vết thương cay đắng. Nhưng trong họa có phúc, rời báo Gia đình và Xã hội, Trần Quang Quý về làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Bến đỗ này không phải “bờ xôi ruộng mật” theo cách so sánh về quyền lợi vật chất, nhưng lại là vùng đất tốt để những hạt mầm lành mạnh có thể phát triển tự do. Anh tham gia Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời lại công tác ở cơ quan xuất bản, vì thế hầu như những người làm thơ trong nước mà anh từng đọc, từng biết luôn được động viên, khích lệ sáng tác, công bố tác phẩm. Đối với những bạn viết ở xa thủ đô, nếu có dịp đến tỉnh thành đó, anh đều tìm cách liên hệ, gặp gỡ để trao đổi, trò chuyện về thơ ca. Hoàn toàn chỉ là những cuộc trò chuyện của người viết với người viết, chứ không cao đàm khoát luận hay lên giọng dạy dỗ, điều này khiến anh được nhiều người trong và ngoài giới văn chương quý trọng. Họ coi Trần Quang Quý là người bạn, người anh, người chia sẻ nhiều hơn là sự ngưỡng vọng xa xôi đối với một nhà thơ nổi tiếng từng 3 lần được trao giải thường của Hội Nhà văn Việt Nam và được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Có lần Phó Giám đốc Trần Quang Quý dẫn cán bộ, nhân viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn sang Lào du lịch. Trước hôm khởi hành, anh không may bị zona thần kinh khá nặng, chân rất đau, nhưng vì nhận thấy trách nhiệm “linh hồn” của chuyến đi nên anh nén cơn đau, vừa làm trưởng đoàn, vừa làm hướng dẫn viên, vừa lo công tác hậu cần để mọi người có chuyến đi thoải mái nhất. Sang đất Lào, nhờ tài ngoại giao của nhà thơ, cả đoàn được một người bạn là “đại gia” ngành gỗ tiếp đón rất trọng thể. Cảm kích trước nhiệt tình đó, anh viết một bài báo về tài trí và tài sản của bạn, trong đó có chi tiết “Đêm nào hai vợ chồng ông cũng đếm tiền đến sáng…”. Báo in ra, anh cẩn thận đóng gói gửi sang cho bạn hơn chục tờ, đọc xong, “đại gia” tá hỏa gọi điện về, hốt hoảng bảo: “Ông viết thế này thì chết. Có khác nào nhử cướp đến nhà tôi.” Tranh luận qua lại một hồi, hai người quay ra giận nhau. Có lẽ đến lúc này, người bạn hào phóng kia cũng đã nhìn ra sự hồn nhiên, thật thà như đất của nhà thơ mà cười xòa trong thương nhớ.
Về ôm dòng sông tuổi thơ
Trong gần 70 năm cuộc đời, nhà thơ Trần Quang Quý thì hơn một nửa là gắn bó với một người phụ nữ đặc biệt, chính là Tiến sĩ Đào Thị Mùi, tức nhà văn Y Mùi – vợ anh. Tình cảm đối với vợ luôn được anh coi trọng nhất, nhưng người ngoài thường thấy anh có vẻ khắt khe quá mức. Ngay cả khi đang đi chơi cùng cơ quan, anh cũng sẵn sàng lớn tiếng nhắc nhở chuyện nọ chuyện kia. Hoặc khi chị muốn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực văn chương bằng việc đi học lớp bồi dưỡng viết văn và làm đơn vào các Hội Nhà văn, anh đều tỏ thái độ “hằm hè” theo ý: “Viết lách thì chết với tôi.” Hiểu tính chồng, vợ nhà thơ không bao giờ lấy đó làm điều, chị vẫn nhanh nhẹn đối đáp lại những câu anh nói to một cách hài hước, vẫn âm thầm tạo dựng sự nghiệp sáng tác riêng của mình. Cho đến những ngày cuối cùng anh lâm trọng bệnh, người vợ tào khang ấy không một bước rời giường bệnh, mặc dù bản thân chị cũng không khỏe sau quãng thời gian dài chỉ một tay chăm chồng.
Ngày hôm nay, người bạn đời của anh nhẹ lòng đưa anh về bên dòng sông tuổi thơ, để anh nằm bên mẹ, nằm ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện, như những câu thơ anh viết trong “Sông Đà”: Sông Đà dâng lên những quả đồi đất đỏ trung du/ tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện/ gác lên sông những lườn cong nhớ/môi phù sa khép bóng hoàng hôn/mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền.
Phạm Thị Phong Lan