Trong chiến tranh tôi viết về sự hi sinh, hòa bình tôi viết vì hi vọng

Từng là một kĩ sư thông tin phục vụ trong quân đội nhưng đam mê nghệ thuật đã khiến Nguyễn Thụy Kha trở thành một người cầm bút chuyên nghiệp. Ông được biết đến là tác giả của nhiều tập thơ, ca khúc nổi tiếng. Gần đây nhất, ông còn mở rộng biên độ sáng tác khi bất ngờ ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Hương, in năm 2022. Dù viết ở thể loại nào thì ông cũng chọn đi trên một mạch riêng khi hướng những sáng tác của mình về người lính. Ông cũng vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

* Xin chào nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, cảm ơn ông đã nhận lời tham gia buổi trò chuyện với Văn nghệ Quân đội. Trước tiên, xin được chúc mừng ông với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho những nghiên cứu về lĩnh vực âm nhạc. Nếu tôi không nhầm thì ông là nhà thơ thứ hai được trao giải thưởng Nhà nước về… âm nhạc, mặc dù ông vẫn được biết đến với tư cách là một nhà thơ nhiều hơn?

– Cảm ơn bạn đã có những quan sát trong hành trình nghệ thuật của tôi và cả phát hiện thú vị này nữa. Trước tôi, người thầy lớn, người bạn vong niên của tôi là nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao đã được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Nhưng tôi cũng phải nói ngay với bạn rằng, tôi là một nhà thơ làm nhạc, viết văn, viết báo… Tôi làm mọi việc đều theo nghĩa một nhà thơ làm.

* Trong chiến tranh, ông là một người lính thông tin nhưng đã sớm bộc lộ tố chất của thi sĩ. Điều gì đã thôi thúc ông viết? Ông có nghĩ mình là một nhà-thơ-người-lính?

– Câu hỏi này gợi tôi nhớ về rất nhiều chuyện cũ. Tôi từng là một kĩ sư thông tin yêu văn nghệ, yêu âm nhạc. Năm 1966, tôi thi vào trường Âm nhạc Việt Nam nhưng vì là con nhà tiểu tư sản nên không được chấp nhận, tôi lại thi vào Đại học Tổng hợp cũng không được chấp nhận. Câu trả lời lúc đó tôi nhận được là, những người ở thành phần này cho đi học kĩ thuật thì được. Vì thế nên tôi trở thành kĩ sư thông tin. Ngày 6.9.1971 tôi được gọi nhập ngũ. Mặt trận đầu tiên chúng tôi vào là mặt trận Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa 1972. Chứng kiến sự khốc liệt chết chóc đó tôi đã tự phân vân với mình là có nên đơn thuần làm một kĩ sư thông tin để sống, để chiến đấu hay không, hay trở thành một người viết về người lính, về những dâng hiến, hi sinh của họ. Sự hi sinh của dân tộc Việt Nam quá lớn lao, số người phản ánh về sự hi sinh này còn quá hạn chế. Vì vậy tôi nghĩ, mình có khả năng viết thì mình nên làm điều đó còn hơn là làm kĩ sư, một công việc mà ai cũng có thể làm được.

Lúc đó tôi đang làm nhiệm vụ được giao là thiết kế đường dây xuyên Trường Sơn để đánh Buôn Mê Thuột (từ 1973 đến mùa xuân 1975). Đường dây đã nối vào sở chỉ huy của Chiến dịch Tây Nguyên. Trên đường đi làm đường dây đó, tôi vừa sáng tác nhạc, vừa sáng tác thơ. Có một bài thơ được nhà thơ Nguyễn Duy phụ trách văn nghệ của Báo Bản tin Thông tin lúc đó chọn in là bài Bản nhạc viết bằng hoa bưởi. Tôi viết bài đó khi vào đến sông A Vương của Quảng Nam, ngủ trong một rừng bưởi, hoa trắng rụng xuống gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Số đó cũng in bài hát Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên của tôi nữa.

Giữa người lính và người làm thơ rất gần nhau. Tôi đã viết một bài thơ về trận đánh ở Thượng Đức năm 1974, đó là bài thơ mà tôi vừa tham gia chiến dịch vừa viết. Tôi là người tổ chức thông tin trận ấy. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in trên báo Văn nghệ. Cuộc chiến tranh nhân dân mang đến một tinh thần khác cho dân tộc, mỗi người dân là một chiến sĩ, cho nên trong mỗi người dân đều có một người lính, trong mỗi người lính đều có một nghệ sĩ. Và tôi thấy mình ở đó. Có lẽ vậy mà tôi đã trở thành một nhà-thơ-người-lính như bạn nói.

* Những năm tháng chiến trường đã cho ông rất nhiều cảm hứng sáng tác cả thơ và nhạc. Phải chăng chính đời lính đã đưa ông đến với nghệ thuật chuyên nghiệp?

– Khi tôi thiết kế xong đường dây xuyên Trường Sơn thì đơn vị biết tôi là người đam mê văn nghệ nên cử tôi làm đội trưởng đội Tuyên văn gồm tập hợp những người lính có năng khiếu văn nghệ để biểu diễn sau ngày thống nhất. Lúc đó chúng tôi đã hát bài Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên, do tôi sáng tác. Nghệ sĩ Quý Dương cũng đã thu thanh bài này trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là lần đầu tiên bài hát của tôi được một nghệ sĩ chuyên nghiệp hát. Sau giải phóng Tây Nguyên thì đoàn Tuyên văn của tôi đã đi hát khắp Tây Nguyên.

Mùa thu năm 1975, tốp ca nam hát bài đó được mời ra dự hội diễn của Bộ Tư lệnh Thông tin. Lúc đó chúng tôi mang đến Hà Nội sự bất ngờ bởi không khí của núi rừng Tây Nguyên và thực tế đau thương của chiến tranh cũng đã được thể hiện trong tiết mục đó. Sau hội diễn, đoàn Thông tin Lam Sơn chuẩn bị đón danh hiệu anh hùng vào năm 1976, họ yêu cầu tôi tiếp tục giữ đội văn nghệ để hát chào mừng ngày được đón nhận danh hiệu. Hết năm 1976, tôi lại trở về làm đường dây thông tin. Lúc ấy đường dây đã hạ sơn, đang ở trên núi được đưa xuống đồng bằng. Trong năm 1977, chúng tôi nối được đường dây đến trạm Phú Bài. Năm 1978, tôi được Bộ Tư lệnh Thông tin cho đi học lớp chuyên tu âm nhạc ở Hà Nội. Học hai năm, sau đó tôi lại được cho học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I từ 1979 đến 1982. Như một cái duyên đưa dẫn, sau khi tốt nghiệp Viết văn Nguyễn Du tôi quyết định rời bỏ kĩ thuật để làm nghệ thuật đến cùng, với mục đích chính là để viết về những người lính đã khuất, đã dâng hiến.

* Sáng tác về người lính của ông tràn đầy vẻ đẹp lãng mạn. Giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, những người lính như ông khi ấy có thực sự cảm nhận được vẻ đẹp và sự lãng mạn của tuổi trẻ không, hay thơ ca chỉ là sự thi vị hóa?

– Sự lãng mạn của người lính khi ấy là có thực bởi họ có lí tưởng. Và bạn biết không, Trường Sơn thì quá đẹp, vậy người lính tại sao không có quyền lãng mạn? Phạm Tiến Duật đã viết câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm là rất đúng. Đi vào chỗ chết người ta vẫn có quyền lãng mạn. Tôi là người đã đi xuyên Trường Sơn bằng đôi chân của mình, tôi khẳng định là Trường Sơn rất đẹp và người lính ngày ấy thực sự lãng mạn. Cái đẹp của thiên nhiên vẫn luôn rung động chúng ta mà chúng tôi lúc đó thì đang rất trẻ… Còn việc hi sinh hay không thì lại là câu chuyện khác, chúng ta không nên gắn nó lại làm một.

Sự lãng mạn ấy còn đến từ những chia sẻ của người lính với nhau. Tiểu đội của tôi toàn là nông dân, chỉ có tôi là có ít vốn chữ nghĩa. Tôi được họ dạy cách hái rau rừng ra sao, mắc võng thế nào, hành quân thế nào cho đỡ mệt. Còn họ luôn háo hức nghe tôi kể về đời sống, văn hóa, đặc biệt là tình yêu… Chính điều đó làm cho họ ham sống. Bên cạnh lí tưởng thì họ cũng là con người với những khát khao thầm kín riêng. Chúng tôi bổ sung cho nhau, yêu quý nhau. Đó là những năm tháng quý báu, đẹp đẽ mà tôi ghi khắc.

Không có chiến tranh ở đâu dai dẳng như ở Việt Nam. Có những người bạc đầu vẫn là lính, họ đã trải qua những cuộc chiến tranh ghê gớm, từ chống Pháp, chống Mĩ đến chiến tranh biên giới. Lòng yêu nước của người lính Việt Nam là tham số đứng đầu trong bảng giá trị của người lính, nhờ đó mà họ vượt qua được tất cả.

* Nhưng sự khốc liệt, đau thương của chiến tranh là có thật, là điều mà những người lính trong từng phút giây phải đối diện. Bi kịch của chiến tranh chắc chắn là điều không tránh khỏi. Thơ ông cũng đã phản ánh những nỗi đau ấy…

– Đúng vậy! Điều đó thì chắc chắn rồi. Bi kịch lại là một câu chuyện khác. Bi kịch giai cấp là điều đáng nói với chúng tôi lúc đó. Và trên hết là bi kịch do chiến tranh. Nghe tin tôi hi sinh thì người yêu đã đi lấy chồng. Tuy nhiên, lúc đó tôi có rất nhiều lí tưởng nên đã vượt qua được. Nhưng sau ngày Sài Gòn giải phóng tôi cũng đã phải chứng kiến những người tôi yêu quý, tin cậy đi vơ vét, tư lợi… Năm 2000, Văn nghệ Quân đội đã in bài thơ Cơn sốt Sài Gòn của tôi viết về điều này. Khi vừa giải phóng đã có những người đội lốt lí tưởng. Chính khi đất nước liền một dải thì trong lòng nhiều người lại có những rạn vỡ. Điều đó càng thôi thúc trong tôi ý định phải viết về những người lính đã hi sinh: các anh trong veo như mưa đã nhập ngay về đất/ khi người lính tự nguyện chết, họ đâu biết ai còn sống hôm nay/ họ đâu biết cái thời nụ cười không dành cho niềm vui…

* Cảm ơn nhà thơ đã có những chia sẻ hết sức ý nghĩa về chặng đường là người lính của mình. Vậy khi ông chính thức bước vào con đường nghệ thuật, thì diện mạo thơ ca Việt Nam lúc ấy như thế nào, thưa ông?

– Năm 1982, tôi được giải Nhì cuộc thi Thơ của Báo Văn nghệ với bài thơ Những giọt mưa đồng hành. Đó cũng là bài thơ đầu tiên tôi viết bằng thi pháp đồng hiện. Lúc đó, nhà thơ Xuân Diệu là chánh chủ khảo cuộc thi đã nói: “Tôi rất nể đồng hiện nhưng tôi không làm được”. Khi tôi học Trường Viết văn Nguyễn Du, năm 1980, dịch giả Nguyễn Trung Đức đã đến nói chuyện, dạy chúng tôi về Octavio Paz(1). Những bài giảng đã mang đến cho chúng tôi một thi pháp mới, đó là đồng hiện. Nguyễn Trung Đức không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà ảnh hưởng đến nhiều người viết tên tuổi lúc bấy giờ với đồng hiện và hiện thực huyền ảo mà trước đó văn học Việt Nam chưa hề có.

Thơ Việt Nam quãng ấy đã có những quẫy cựa để tìm ra một lối đi mới phản ánh về chiến tranh và người lính đích thực hơn. Nhưng thi pháp vẫn bị cũ. Những cái mới lúc đó cũng bắt đầu được đưa vào như ấn tượng, siêu thực, lập thể… và tôi chọn đồng hiện để đi cho đến bây giờ.

* Hương là cuốn sách mới nhất của ông, ra mắt bạn đọc cuối năm 2022 và ghi danh thêm thể loại tiểu thuyết vào những sáng tác của ông. Cuốn sách đã được hình thành trong bối cảnh nào, và vì sao ông lại chọn thể loại tiểu thuyết?

– Tôi luôn muốn viết một cuốn sách về Quảng Trị những năm 1972. Bởi Quảng Trị xứng đáng để chúng ta viết nhiều hơn nữa. Và chỉ có tiểu thuyết mới nói hết được cái lớn lao ấy, không gian rộng lớn ấy. Tôi cũng luôn muốn viết về trí thức trong chiến tranh. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi đại diện cho những người lính trí thức thời đó. Họ có tình yêu, khát vọng, cuộc sống riêng nhưng phải từ bỏ vì chiến tranh. Tôi muốn mọi người biết thêm về những khốc liệt của thời chiến để trân quý hơn ngày hôm nay.

* Đọc Hương tôi nghĩ, nếu ông không phải một nhà thơ có lẽ sẽ không viết được những trang văn giàu chất thơ đến vậy. Đặc biệt, tôi thấy được sự thăng hoa trong những trang ông viết về mối tình của Lĩnh – Hương – Bao. Tôi nghĩ đó không đơn thuần là một câu chuyện tình yêu?

– Bạn đã cảm nhận rất gần về cuốn sách của tôi. Tiểu thuyết là giao hưởng, là đa thanh, các nhân vật hòa vào nhau để tạo nên một bản giao hưởng với mọi cung bậc. Tư tưởng của Hương là dù chiến tranh, dù đau khổ đến mấy thì tình yêu vẫn ở trên, tình yêu giúp chúng ta hòa hợp. Lĩnh và Bao dù ở hai chiến tuyến nhưng họ đều là những trí thức biết tôn trọng nhân mạng. Tôi cho rằng chỉ có trí thức đích thực mới vượt lên được mọi rào cản. Họ chia sẻ với nhau một mối tình với Hương, nhưng rộng ra đó là tình yêu đất nước, Hương là một hình ảnh thu nhỏ của đất nước, vẻ đẹp của đất nước, sự đau khổ của đất nước. Tôi nghĩ về điều này suốt mấy chục năm mới cầm bút viết. Theo tôi, chúng ta đang rất cần hòa hợp dân tộc, tiểu thuyết này hướng đến điều đó. Viết xong tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, những người lính đã cho mình cuộc sống nên mình phải viết về họ đẹp đẽ, sang trọng. Viết xong cuốn sách tôi thấy mình không quá tệ.

* Đã có rất nhiều nhà văn thế hệ trước ông, cùng ông, sau ông, viết tiểu thuyết về chiến tranh khá thành công. Vì sao ở thời điểm này ông mới viết, ông cần một độ lùi nhất định hay ông hi vọng điều gì?

– Độ lùi của thời gian là quan trọng nhưng phải lùi đúng độ, lùi quá sẽ bị trượt đi. Tôi giữ lại được toàn bộ cảm xúc của cuộc chiến mà tôi đã tham gia. Thật may là tôi không bị tê dại xúc cảm khi viết về kí ức. Tôi cũng nghiên cứu thêm rất nhiều tài liệu cho cuốn tiểu thuyết. Những năm này đọc về chiến tranh, rất khó, nhưng tôi viết bằng lòng thành nên tôi tin nó sẽ được đón nhận. Đời tôi chỉ có thể viết về chiến tranh, đời lính, đó là phần tôi đã từng trải, từng dấn thân, và đó là món nợ đối với những người đã khuất, cho nên tôi nghĩ mình trả được bao nhiêu thì trả. Trả bằng khả năng, trả bằng thành tâm, được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu, còn hơn là không viết.

Ở thời điểm này, tôi nghĩ mình viết để hướng đến sự hi vọng. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói với tôi: “Cháu là một người lính chiến trường, cháu không thể làm gì được nếu trước những rối loạn của xã hội, cháu phải nâng cao dân trí chứ không thể đối diện, đối diện là đập đầu vào đá…”. Và qua những trang viết này tôi đã gặp những bạn đọc. Họ đọc mình, họ nhớ, họ chia sẻ… nên tôi hi vọng những điều tôi viết có thể có ích gì. Trong chiến tranh tôi viết về sự hi sinh, hòa bình tôi viết vì hi vọng.

* Viết vì hi vọng… đó là một động lực tuyệt vời với người cầm bút. Nhưng thời nay nhiều lúc giá trị của văn chương cũng bị hoài nghi?

– Thời nào văn chương cũng có vương miện của nó, không ai có thể tháo vương miện của văn chương đi được. Chẳng qua trong thời nay có một sự kích động nào đó của vật chất khiến nhiều người quên đi rằng, văn học nghệ thuật vẫn luôn luôn là một món ăn tinh thần, nếu anh không ăn nó, anh sẽ sống không hết cuộc đời của anh. Tôi nghĩ, càng là những nhà lãnh đạo càng nên đọc văn chương, nếu không đọc, đó là nguy cơ… Trong một cuốn sách, nhà văn Nguyên Ngọc từng kể, cuốn sách gối đầu giường của Đại tướng Chu Huy Mân là Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy. Đại tướng sử dụng cuốn sách đó để lãnh đạo chiến đấu. Những nhà lãnh đạo tài ba đã chọn văn chương, yêu văn chương như thế.

* Ở lĩnh vực âm nhạc, cái tên Nguyễn Thuỵ Kha cũng thường xuyên được nhắc đến, đặc biệt là các công trình nghiên cứu, khảo cứu về những tên tuổi của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Dường như đó là lối riêng của ông trong âm nhạc, vì sao ông chọn con đường này?

– Âm nhạc cách mạng sừng sững và bất hủ. Chúng ta không nhớ về âm nhạc cách mạng thì chúng ta bị vong bản và vô ơn. Tôi yêu âm nhạc từ bé, luôn nhập tâm nghe và nghe rồi thì muốn tìm hiểu về tác giả tác phẩm, muốn được gặp gỡ những tên tuổi ấy. Tôi quá yêu âm nhạc đất nước này nên tôi đã dấn thân, tìm hiểu để xem âm nhạc Việt Nam có gì khác biệt.

* Ông cũng thường xuất hiện với vai trò là nhà phê bình âm nhạc. Như ông chia sẻ thì ông là một nhà thơ làm nhạc, không qua trường lớp. Vậy ông phê bình âm nhạc bằng điều gì?

– Tôi phê bình âm nhạc bằng tất cả những hiểu biết của tôi về âm nhạc thế giới và hiểu biết về âm nhạc Việt Nam. Để làm được nhạc Việt Nam, hiểu được nhạc Việt Nam thì chúng ta phải hiểu âm nhạc thế giới để biết âm nhạc Việt Nam đang đứng ở đâu. Tôi tự học những điều này mà không trường lớp nào dạy cả. Trước đây tôi không biết chèo hay quan họ, hát văn là gì cả, vì tôi ở thành phố. Tôi vốn chỉ nghe giao hưởng của nước ngoài, tất cả mọi thứ tôi đều hướng ra nước ngoài. Nhưng khi vào chiến trường, gặp những cô thanh niên xung phong tôi mới hiểu thế nào là chèo, quan họ, hát văn và tôi thấy cha ông ta quá vĩ đại về âm nhạc, tôi chìm đắm trong đó.

Tôi phê bình âm nhạc đương đại cũng bằng cái gốc của âm nhạc truyền thống. Trong nhật kí của tôi, tôi ghi từng điệu chèo, chầu văn… Khi thành lập đội tuyên truyền văn hoá của đơn vị, tôi đã viết hẳn một ca cảnh chèo, quan họ… cho anh em biểu diễn. Âm nhạc ấy đã thuyết phục được những người lính mà họ vốn không có hiểu biết gì về âm nhạc. Điều đó bởi vì trong họ có sẵn chèo, có sẵn chầu văn, có sẵn quan họ, họ sung sướng vì âm điệu của quê hương họ được vang lên…

* Được biết ông có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với hai người vừa là nhà thơ vừa là nhạc sĩ, đó là Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo. Ở cạnh họ, ông có chịu ảnh hưởng gì không?

– Tôi học Văn Cao sự trí tuệ, học Nguyễn Trọng Tạo sự dân dã, mộc mạc. Tôi học cả hai người sự hết mình vì nghệ thuật.

Khi nói chuyện với bạn xoay quanh câu chuyện về người lính, tôi chợt nhớ lại câu chuyện với nhạc sĩ Văn Cao. Năm 1985 tôi tình cờ đọc được bản nhạc bài hát Mùa xuân đầu tiên bằng tiếng Nga. Một bài hát tuyệt hay được Văn Cao sáng tác sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng vì lí do gì đó mà cho đến khi tôi đọc được bản nhạc thì nó vẫn chưa được phát hành ở Việt Nam. Văn Cao chia sẻ rằng, ông đã “xui” những người lính ra đi bằng bài hát Tiến quân ca, nên ông đã viết Mùa xuân đầu tiên đưa những người lính trở về… Tôi đã khóc vì bài hát ấy và vì những bộc bạch chân thành của ông. Tôi đã đi qua đời lính, nhưng có những con đường hành quân vẫn chưa ngưng nghỉ trong thâm tâm mình. Nhiều người thắc mắc, sao tôi viết nhiều về người lính như vậy, tôi chỉ cười nhưng trong lòng đã sẵn câu trả lời, viết về đồng đội, về người lính thì biết bao nhiêu cho đủ. Bởi vậy, trong cả văn chương và âm nhạc, tôi đều hướng về những người lính, bởi trong tôi luôn có một người lính…

* Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ ý nghĩa và xúc động này!

Bìa tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha sinh năm 1949 tại Hải Phòng, hiện sống tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Thông tin năm 1971; nhập ngũ tháng 9 năm 1971; tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1982. Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản như: Thời máu xanh (Thơ, 1999), Năm tháng và chiều cao (Trường ca, 2000), Gió Tây Nguyên (Trường ca, 2000), Thuở binh nhì (Thơ, 2011), Trường ca ngắn – kịch thơ (2014), Nửa thế kỉ Tân nhạc Việt Nam (1998), Những gương mặt âm nhạc thế kỉ (2000), Thế kỉ âm nhạc Việt Nam: Một thời đạn bom – Thế kỉ âm nhạc Việt Nam: Một thời hòa bình (2017)…

Giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ năm 1981 – 1982, Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2004, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014, Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam liên tục từ 1996 đến 2022…

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG (thực hiện)

Theo Văn nghệ Quân đội