Hơn tuần trươc, ngày 4/7/2023, tại căn nhà nhỏ của mình ở Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Thanh Thu tổ chức ngày giỗ thứ 20 của chồng, nhà thơ Thu Bồn, người có nhiều tác phẩm văn học đóng góp cho nền văn học Việt Nam, và đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Tôi vẫn còn nhớ, hôm kỷ niệm mười năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn. Hôm ấy tôi đến trễ. Lúc đến, tôi thấy bà Đỗ Thị Thanh Thu, người vợ đầu của nhà thơ đang xúc động khi nói về tình yêu mà bà dành cho người chồng, ngay cả khi ông đã thành người thiên thu. Bà Thu như đã không còn chút hờn giận nào đối với người chồng đã không chung tình với mình, mà còn biện minh cho ông và kéo “cái lỗi” về phía mình. Bà nói bởi: “Tôi đã có gan lấy một nhà thơ làm chồng”.
Cũng “có gan” như bà Thanh Thu, tức cũng lấy một nhà thơ, mà lại là một nhà thơ lao đao lận đận cả đời làm chồng, nhưng bà Vũ Thị Bội Trâm, vợ nhà thơ Phùng Quán, lại thấy mình trọn vẹn hạnh phúc. Cũng như bà Thanh Thu và như bất kỳ người đàn bà nào đã có gan lấy thi sĩ làm bạn đời, bà Bội Trâm chắc cũng đã từng phải khổ sở trước những “nàng thơ” không ngừng “mê muội” chồng, rồi có những lúc nàng không thỏa cái phận nàng thơ, không chịu e ấp sau tấm rèm chữ nghĩa mà còn lẻn giấc mộng của nhà thơ. Tuy vậy, bà Bội Trâm vẫn luôn thấy mình hạnh phúc, thứ hạnh phúc kiêu hãnh và trọn vẹn; bởi, có lẽ, lúc nào, ở đâu (kể cả những lúc nhà thơ Phùng Quán phải ở nơi cách xa vợ hàng trăm cây số) bà vẫn luôn tìm thấy cái cảm giác gần gũi thân thiết với chồng, được hiểu tận tâm can ông, và được cùng ông chia sẻ mọi vui buồn, lúc oan khuất, lúc thiếu đói, lúc bệnh tật, lúc le lói niềm tin, lúc “đơn độc giữa biển người”…
Tôi nhớ, mùa thu năm 2007, trong buổi giới thiệu cùng một lúc bốn quyển sách của nhà thơ Phùng Quán (Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, Trăng hoàng cung, Ba phút sự thật và Phùng Quán còn đây!) đồng thời còn là buổi tưởng nhớ nhà thơ Phùng Quán (NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Hội sách do Bộ Văn hóa tổ chức), trong lời phát biểu của mình, bà Bội Trâm nói: “Nếu được sống thêm một cuộc đời, tôi vẫn muốn được làm vợ anh Phùng Quán, tôi vẫn sẽ sống như chúng tôi từng đã sống!”. Rồi bà xin đọc lại một đoạn thơ trong bài thơ Lời mẹ dặn của chồng. Giọng bà rắn rỏi mà ngân nga: “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”. Rồi sau đó, những người có mặt trong buổi tưởng nhớ Phùng Quán lại được nghe lại giọng đọc thơ của chính nhà thơ Phùng Quán qua dĩa ghi âm. Bài thơ nào giọng đọc ngâm của nhà thơ nghe cũng da diết và tràn lệ. Khi đọc đến bài Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, giọng nhà thơ nhiều lúc nghẹn lại, rồi lại trào dâng, cả nụ cười, cả nước mắt: “Đừng buồn nữa em ơi/ Chuyện ngàn năm… ngàn năm…”. Tôi nhớ, lúc nhìn sang bà Bội Trâm, tôi thấy từ khóe mắt bà, dòng lệ lăn dài.
Sau buổi tưởng niệm nhà thơ Phùng Quán nhân dịp ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, và giới thiệu sách của ông, bà Bội Trâm mời anh Nguyễn Đức Bình, lúc đó là Giám đốc NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, và tôi đến căn nhà bà ở chung cư Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội. Lần đầu được trò chuyện, tuy không lâu, nhưng bà Bội Trâm lại khiến tôi nhớ mãi cái ấn tượng về một người vợ hết mực yêu thương và trân quý chồng.
Bà Bội Trâm cất giữ kỹ càng nhiều kỷ niệm của chồng với bạn bè. Bà còn nâng niu cả những kỷ vật của bè bạn tặng cho chồng, dù đó chỉ là những dòng chữ nghệch ngoạc trên vách, trên tường hay trên những tờ giấy đã ố vàng. Còn đối với các tác phẩm của chồng, bà gìn giữ như một kho báu. Bà cho biết bà đang đọc lại một số bản thảo chép tay của ông để đánh máy. Lúc đó, khi nhìn những chồng bản thảo của Phùng Quán được xếp ngay ngắn trên trên giá sách, tôi ngỏ ý với bà muốn xem vài trang bản thảo của ông. Và khi được nhìn những trang viết có nhiều đường gạch xóa, tôi như được nhìn thấy nhà thơ đang gò lưng trên từng dòng chữ, còn bà Bội Trâm thì tất tả việc trong việc ngoài, miễn sao để chồng mình, bằng ngòi bút, được “đi trọn đời trên con đường chân thật”, như ông hằng tâm nguyện.
Trước khi tiễn khách ra về, bà Bội Trâm tặng khách, mỗi người một tập Thơ Phùng Quán. Bà nắn nót viết vào trang sách, bên dưới dòng chữ Thơ Phùng Quán, câu thơ của chồng: “Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi” và “… Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác”.
Mỗi lần ngắm nhìn dòng chữ và chữ ký tên của bà Bội Trâm trên trang sách Thơ Phùng Quán, tôi như thấy lại gương mặt hiền từ hạnh phúc của bà, lúc bà đang ngồi trên ghế sa lon trong căn nhà số 204 của mình, nơi nhìn quanh, đâu đâu bà cũng thấy hình ảnh chồng, kỷ vật của chồng; rồi tôi lại hình dung bà đang ngồi tẩn mẩn trước chồng bản thảo của Phùng Quán trong căn nhà đầy ắp tình yêu và ký ức về ông.
Còn giờ thì, có lẽ bà Bội Trâm đang được kề cận bên chồng. Biết đâu, hai người còn được… nghe Đỗ Phủ đọc thơ.
Trở lại chuyện bà Đỗ Thị Thanh Thu. Bà Thu vốn là một bác sĩ quân y, tuy nghỉ hưu nhiều năm, bà vẫn tiếp tục hành nghề giúp người, cứu người. Ngoài đảm đang việc gia đình, chăm sóc người con trai duy nhất còn lại của bà cùng nhà thơ Thu Bồn, người con trai út, anh Hà Băng Ngàn, cũng bị ảnh hưởng chất độc màu da cam như người anh cả đã mất lúc 16 tuổi, nên thường đau yếu, bà còn tham gia công tác xã hội tại địa phương. Lần giỗ lần thứ 20 nhà thơ Thu Bồn, ngoài mời gia đình họ hàng cùng những bạn văn thân thiết của chồng, bà Thu còn mời những người thân quen ở cùng khu phố để bà được từ biệt trước khi bà rời chỗ cư ngụ quen thuộc suốt mấy chục năm qua, để trở về sinh sống phần đời còn lại nơi quê nhà.
Làm vợ nhà thơ như bà Thanh Thu, bà Bội Trâm, dù chịu biết bao nhọc nhằn, cả nỗi khổ vì… những nàng thơ ngoài đời, nhưng không một ai hối tiếc vì đã chọn nhà thơ làm chồng, những nhà thơ “đi trọn đời trên con đường chân thật”.
Bích Ngân
Nguồn Văn nghệ số 29/2023