Nguyễn Thị Thu Huệ
Hôm nay, tôi và những người thân yêu cùng tiễn mẹ đi công tác.
Mẹ, từ thuở là cô gái Hà Nội quê làng Nghi Tàm Quảng Bá da trắng mắt nâu môi đỏ đã chọn nông thôn làm nơi lập nghiệp. Mẹ đặc biệt yêu thích đời sống nông thôn và người nông dân. Tốt nghiệp Sư phạm, cô giáo Ngọc Tú về sống và dạy học ở Sơn Tây. Tập đan rổ rá, ra ruộng cấy lúa trồng khoai, bình yên bên những người nông dân chân chất, giản dị. Ngày ấy, mỗi lần đan được mẻ rổ rá, chủ nhà bán giúp, lấy tiền mua dầu thắp khi đêm xuống để viết nhật ký, viết văn. Phẩm chất nhà văn khiến mẹ hạnh phúc khi sống ở những vùng đất lạ, ở với người lạ để rồi thân quen. Thôi dạy học ở Sơn Tây, về Hà Nội, rồi xuống Quảng Ninh. Mẹ cũng không ngờ chuyến đi Quảng Ninh sẽ gặp một người và gắn bó cuộc đời, đấy là nhà báo, cán bộ miền Nam tập kết Nguyễn Ngọc Chánh. Bố Chánh người Bến Tre, ngày ấy làm báo Vùng Mỏ, cùng các nhà văn nhà báo đón tiếp đoàn nhà văn Hà Nội đi thực tế sáng tác, và bị “sét đánh” khi gặp mẹ. Bố kể, tiễn đoàn công tác lên tàu về Hà Nội, bố ngồi bệt ở đường ray xe lửa nhìn mãi về hướng thủ đô. Các bác đồng nghiệp vừa trêu vừa lôi mãi mới thất thểu về. Chiến tranh liên miên và khoảng cách xa xôi không ngăn được tình yêu của cô gái Hà Nội với chàng trai Nam bộ. Bố được cả họ cũng như bạn bè bên mẹ yêu quý vì tính tình thẳng thắn, trung thực và đặc biệt tình cảm, lại rất đẹp trai. Năm 1965 hai người làm đám cưới, sau đó mẹ và bố sống tại Quảng Ninh và sinh tôi vào năm 1966. Sau này, gia đình mẹ coi bố như con đẻ. Bố mẹ nếu có xích mích, ai cũng nói đấy là lỗi của mẹ vì quá yêu quý chàng rể. Thời gian mang bầu tôi, bố mẹ vẫn sống ở Quảng Ninh. Những ngày mẹ sinh tôi, Mỹ điên cuồng dội bom vùng mỏ. Mẹ chịu đau đẻ ba ngày đêm thì sinh tôi ở Khe Hùm. Đấy là cái hang rộng, đỡ đẻ là bác cấp dưỡng và mấy người bạn bè bố. Sinh được tôi là nửa đêm về sáng, bom rơi ầm ầm. Bố liền quấn tôi vào cái chăn dạ chạy sang hang khác trú. Mẹ nằm lại bên này. Hết bom, bố giở chăn ra, không thấy tôi đâu. Các bác và bố soi đèn mò lại hang mẹ nằm, thấy tôi rơi ngay cửa hang.
Sau vài tháng, bác Phú – nhà văn Nguyễn Đỗ Phú xuống thăm gia đình tôi, thấy đời sống khó khăn thiếu thốn quá, bắt về Hà Nội sống. Thế là mẹ quay về Hà Nội cùng tôi.
Mẹ là người nghị lực, khác hẳn vẻ bề ngoài hiền lành, ít nói. Nghiệp văn ngấm vào máu và tinh thần làm việc chuyên nghiệp nên mẹ coi việc đi thực tế và viết là quan trọng hơn tất cả. Sau này, bố chuyển về Hà nội, công tác tại hội Liên hiệp, rồi ban Tuyên huấn trung ương, mẹ càng yên tâm đi công tác, và viết. Suốt những năm tháng tuổi thơ tôi sống chung với nhà bà ngoại, bác Phú, cậu Khôi, cô Thạch là những anh em ruột của mẹ tại ngõ chợ Khâm Thiên. Ngôi nhà có một ngõ đi chung dài từ mặt đường vào. Chiều chiều, từ khi hai – ba tuổi tôi hay ngồi bệt ở cửa ngõ, chống cằm nhìn hai bên đường cho đến tối mới vào nhà. Bác Phú hồi ấy ký họa nhiều hình ảnh đó của tôi, chú thích bên dưới “Ngóng U”.
Từ thời trẻ mẹ đi khắp nơi, không ngại khó hay nguy hiểm. Mẹ luôn sống và viết với thực tế đầy ắp của bao số phận bởi không sống với họ, ăn chung, vui buồn chung thì khó mà viết ra những truyện ngắn, tiểu thuyết về nông thôn, hay số phận những cô gái lao động bên Nga, công việc của bác sĩ… Sau này, khi tôi viết, có truyện viết xong cổ họng đau rát, toàn thân khô khốc, mới thấy khâm phục mẹ khi bà viết rất nhiều tác phẩm, phần lớn là tiểu thuyết, nhiều cuốn 500-700 trang. Xuất bản mười lăm tập tiểu thuyết và truyện ngắn đều gây tiếng vang như Huệ, Đất làng, Hạt mùa sau, Ngõ cây bàng, Giã từ mùa đông, Ảo ảnh trắng, Chỉ còn anh và em… Thời của mẹ cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn. Ngoài đi làm, thời gian dành cho đi thực tế và viết. Viết ở cơ quan, thư viện hay trong những chuyến đi thực tế. Chắc mẹ đã viết tay suốt ngày đêm nên mới có nhiều sách đến thế. Sau này, khi mẹ già, có lần đi dạo hồ về, nhìn tôi thở dài: “Chán quá, nhìn đâu cũng thấy chuyện để viết nhưng mệt quá, viết không như ý lại bỏ”. Tôi hay kể đủ thứ chuyện mỗi khi về nhà, mẹ bảo: “Huệ viết đi, toàn chuyện hay thế, nói ra mà không viết phí lắm. Nên mang theo người quyển sổ, nghĩ gì ghi luôn lại không quên thì phí. Những lúc ấy, tôi gật gù nghe nhưng cho qua. Giờ nhiều tuổi, một ngày trôi qua có quá nhiều chuyện và sức viết của mình không còn như trước, thấy mẹ đúng.
***
Lâu lắm rồi, hôm nay, mẹ lại đi công tác. Một chuyến đi dài nhất cuộc đời mẹ và tôi chỉ biết ngóng theo bởi biết sẽ không có sự đón đợi như bao lần.
Ngày xưa, mỗi khi mẹ lên đường, tôi thường theo bố tiễn mẹ ở cơ quan như báo Văn Nghệ, hội Nhà văn. Mẹ lên tàu lên xe đi cùng đồng nghiệp, bố con tôi quay về nhà, nấu ăn, nói chuyện và ngóng mẹ về và biết, mẹ sẽ lại có tác phẩm mới.
Tiễn lần này thì khác. Chỉ có tôi với hai đứa con, những người yêu quý mẹ. Còn bố sẽ là người đón. U Xuân Quỳnh, cô Dương thị Xuân Quý cũng đón mẹ. Mẹ sẽ rời ngôi nhà bao năm sống cùng con gái, hai cháu ngoại là Pích và Tý, để đi một chuyến thật dài. Dài hơn những năm tháng sống ở viện Nghiên cứu Nông nghiệp theo các nhà khoa học nghiên cứu giống lúa, theo nông dân xuống đồng cấy cày và chăm sóc lúa. Dài hơn lần mẹ đi Vĩnh Linh Quảng Bình năm 1973. Dài hơn lần lên Lạng Sơn ngày chiến tranh biên giới 1979… Mẹ sẽ đến một nơi không có sóng điện thoại, không internet, không còn những lo toan bởi cái ác, sự bất an của một đời sống đô thị đang phân hóa khốc liệt để thỏa chí của một nhà văn chuyên nghiệp, một đời đi và viết.
Còn nhớ, tháng 10 năm 1984, sau một thời gian chống chọi với bệnh phổi, bố Chánh đột ngột bỏ đi. Dù mẹ và tôi đã làm hết cách chữa bệnh cho bố nhưng bố vẫn không qua khỏi năm bốn mươi chín tuổi. Người bị K luôn tỉnh táo đến phút cuối cùng. Bố thương hai mẹ con, luôn lạc quan để không ai phải lo lắng quá. Bố nằm viện, tôi ngồi bên, hàng ngày bố kể chuyện ngày xưa bố lớn lên thế nào, họ hàng trong Nam có ai. Bà nội ông nội và các cô chú, phong tục tập quán và những ước mơ. Bố hay giơ hai bàn tay hồng đỏ lên, nói hai mẹ con yên tâm, bố sẽ khỏe lại, cả nhà mình sẽ về Bến Tre lần nữa. Nhưng rồi chiều ấy, bố đang nói chuyện thì mắt mở to, nói nhanh: “Nó lên đấy”. Nó là những cơn dâng dịch trong phổi. Mỗi lần dịch dâng lên là bác sĩ phải hút nhanh để bố dễ thở. Chiều ấy, đúng lúc bác sĩ y tá đi đâu hết, mẹ cuống lên đi gọi, còn tôi thì vuốt ngực cho bố. Mãi sau, gọi được bác sĩ đến thì quá chậm. Dịch tràn ra trắng như bọt xà phòng. Bố hai mắt mở to nhìn tôi và mẹ, rồi đi.
Hai mẹ con tiễn bố trong tối lạnh, rồi về. Nhà hoang vắng, khô khốc nghèo. Hàng xóm nào tử tế thì chia buồn vì nhà đã vắng, giờ vắng hơn. Cũng hàng xóm nhưng không tử tế thì dọa nạt những chuyện mà khi bố còn sống ở nhà họ rất hèn không bao giờ nói. Bố ốm nằm viện lâu không về nhưng nhà vẫn có người đàn ông. Bố mất, nhà còn hai mẹ con, mọi chuyện thoắt thay đổi. Ví dụ: Này, nghe nói ông Chánh có khẩu súng săn, bắn có thể chết người, mang nộp ngay ra công an phường không là tù đấy. Người xấu luôn biết tìm kẽ hở để hại người yếu thế hơn vì họ là đàn bà con gái. Đúng là bố tôi có khẩu súng săn, do cháu ruột của bố ở Cà Mau tặng năm 1981 làm kỷ niệm. Súng bắn chim, sóc hoặc chuột đồng ở Nam bộ, ổ đạn có sáu viên, nhưng đạn thì còn bốn.
Năm 1984 mùa đông buốt lạnh thấu xương. Lạnh do thiếu áo ấm. Do thời bao cấp không bữa ăn nào ăn đủ chất. Bố tôi vừa ra đi được vài giờ đồng hồ, nghe dọa, nửa đêm hai mẹ con chở nhau với khẩu súng cũ gỉ hoen, bốn viên đạn cũng gỉ, có cho bắn cũng không nổ vì nó chỉ còn giá trị kỷ niệm. Mẹ vừa tức giận, lại cay đắng khi biết hai mẹ con đã rẽ sang một con đường mới, con đường không còn bố tôi bên cạnh. Mẹ mở to mắt, quyết đoán: “Phải thủ tiêu. Bố đi rồi, không ai bảo vệ mẹ con mình. Mẹ không quen vướng vào những chuyện không thể giải thích. Mà có giải thích cũng chẳng ai nghe. Họ tâm địa xấu đã nghĩ gì, có nghĩa là họ đúng”. Bàn rất nhiều phương án, cuối cùng là ném xuống hồ. Hồ ngày ấy cái nào cũng rộng và sâu. Hồ này khẩu súng, hồ kia viên đạn. Khoảng một giờ sáng thì về.
Tôi ngày ấy mười tám tuổi. Vừa hoang trống cảm giác sẽ không hàng ngày bên bố, nói chuyện và chăm sóc bố với niềm tin bố sắp được về nhà. Giờ thì bố mãi không về, còn mình thì đi phi tang kỷ niệm. Thế là mất thêm lần nữa. Ném kỷ niệm của bố, của em mình ở miền Nam mà không bị ai phát hiện, hai mẹ con chở nhau về trong đêm mang theo trong lòng sự đau xót pha lẫn căm phẫn vì cái ác, sự đê tiện và cảm giác bắt đầu bị bắt nạt. Lấy cái cốc, xúc chút gạo, tìm nơi cao nhất trong nhà là cái nóc tủ gỗ hai ngăn cũ, tôi thắp lên ba nén hương, khấn: “Con yêu bố. Từ giờ bố không về nhà với hai mẹ con con nữa. Con xin bố cho con sức mạnh để bảo vệ mẹ, bảo vệ gia đình mình, để không ai bắt nạt được mẹ con con nữa”.
Bố mất, mẹ như người khác. Vốn là người ít nói, mẹ càng khép kín hơn với xung quanh. Lao vào làm việc. Mẹ đi công tác nhiều và viết, ngoài công việc làm báo và tạp chí. Với tôi, mẹ luôn mong tôi mỗi ngày hôm nay phải hơn hôm qua. Tôi hay viết nhật ký. Ban đầu chỉ ghi lại những cảm xúc trong ngày, trước việc này việc kia. Sau tôi viết truyện ngắn và giấu mẹ. Mẹ biết, và đọc, không góp ý phải sửa hay thêm bớt. Rồi tôi in những truyện đầu tiên, mẹ cũng không có ý kiến gì. Giống tôi. Tôi thường đánh máy bản thảo cho mẹ, đọc rất kỹ nhưng không bao giờ tham gia. Nếu nhìn sinh hoạt hàng ngày, không ai nghĩ hai mẹ con cùng viết văn. Mẹ không giỏi nội trợ. Không bao giờ mất thời gian vào bếp. Tất cả các món ăn tôi nấu được đều do bố dạy. Mẹ vốn ăn uống đơn giản, thanh đạm. Rất nhiều con vật mẹ không biết ăn như bò, dê, cá, lươn, chạch… Bố dân Nam bộ, thích ăn cá. Nhà luôn có hai món cho bố và mẹ, tôi thì xuê xoa ăn gì cũng được. Khi còn hai mẹ con, tôi nấu ăn theo món mẹ hợp. Thường thịt lợn luộc hoặc kho, bát canh rau là xong. Cuộc sống cứ thế trôi đi, đến khi tôi lấy chồng và chuẩn bị có con. Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ ánh mắt mẹ ngày ấy. Đấy là ngày mẹ đi Nga về. Biết mẹ sắp về, tôi bỏ một ngày ra dọn nhà. Căn hộ 15m vuông bé tẹo, đồ đạc đơn giản. Quanh tường chất kín sách. Lau chùi, mua hoa cắm và hớn hở đón mẹ đầu khu tập thể. Bụng tôi lúc ấy khá to vì mang thai con đầu bảy tháng. Mãi cũng thấy xe chở mẹ về. Xuống xe, người mẹ thơm ngát mùi Tây – ngày ấy tôi hay gọi những đồ được gửi từ nước ngoài về thơm mùi Tây. Da mẹ trắng, tóc dày nâu nâu. Mẹ sững mặt nhìn tôi, thoắt buồn không giấu được. Tôi không hiểu sao mẹ con lâu ngày mới gặp mẹ lại không vui. Vào nhà, mẹ nhăn nhó và thở dài. Nhưng không nói gì.
Mấy hôm sau, mẹ nói: “Nhìn thấy con ra đón mà buồn quá. Mẹ mong con lấy chồng, đẻ con lắm. Nhưng ra nước ngoài, thấy thanh niên bằng tuổi con phơi phới đi đây đi kia, về thấy con gái ục ịch sắp đẻ, buồn quá. Nhà thì chật chội, rồi khó khăn lắm đấy, chả bay nhảy được nữa”. Tôi ngớ ra. Mẹ mong và gần như hối thúc tôi lấy chồng và sinh con, sao giờ buồn. Sau này, tôi hiểu, mẹ luôn muốn tôi cố gắng hơn, mạnh mẽ hơn. Không bao giờ mẹ muốn tôi hài lòng với hiện tại. Đấy là trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng mẹ lại không quan tâm đến vật chất, không cần thay đổi nơi ở dù mẹ có tiền mua nhà khác. Còn nhớ, năm 1975, mẹ vào Sài Gòn công tác. Số tiền mang theo có thể mua một hai căn nhà mặt phố Hàng Bông do nhuận bút sách ngày ấy cao, số lượng sách mỗi lần in vài vạn bản. Bác Phú chở mẹ đi xem nhà, nói cô mua một cái mà ở. Mẹ nể bác Phú cũng đi xem nhưng không mua. Rồi bác mang về một chiếc Mô bi lét màu xanh, dạy mẹ đi cho sướng, đỡ đạp xe đạp. Mẹ tập xong, đi thạo, đèo tôi một vòng công viên Thống Nhất xong mang trả bác Phú. Bảo đi xe máy căng thẳng, cứ phải nhìn đường. Đi xe đạp túc tắc còn nhìn ngắm được xung quanh. Bác Phú thì muốn mẹ con tôi sống sung sướng đầy đủ hơn, nhưng mẹ không cần điều đó. Mẹ vác tiền mua sách. Và bị tiêu hủy gần hết do quan điểm quản lý văn hóa thời bấy giờ. Mẹ không tiếc tiền, chỉ tiếc sách. Sau này, tất cả những cuốn sách mẹ bằng mọi cách giữ lại được ngày ấy, tôi hay mang ra ba quyển Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Bia mộ đen, Chuông nguyện hồn ai, nói với mẹ: Đây là cái nhà Hàng Bông ba trăm cây vàng thời điểm này. Lại lấy bốn cuốn khác, đặt ra, nói: Đây là hai trăm cây, nhà mặt phố Hàng Gai. Mẹ thấy thế nào? Mẹ hơi cười và im lặng. Mấy thùng sách bị tiêu hủy đó tương đương vài căn nhà phố lớn và nhiều tài sản quý khác thời bấy giờ. Sau này, những cuốn sách bị cấm ngày ấy được dịch và tái bản liên tục, mẹ sung sướng mua về đọc lại, không mảy may tiếc số tiền đã mất ngày xưa.
Cũng lần vào Sài Gòn năm 1975 đó, mẹ sung sướng mua ra chiếc cassette nhỏ, vừa nghe được đài, và băng. Giấu rất kỹ, mẹ mang về mấy cái băng nhạc Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Còn nhớ, bố hoảng hốt thế nào khi lúc ấy, nghe nhạc của Trịnh bị coi là phản động. Mẹ giấu chiếc cassette vào tủ quần áo. Hằng đêm, ngó thấy hàng xóm xung quanh ngủ kỹ, mẹ cùng tôi, và bố gạt quần áo treo trong tủ ra, chui đầu vào toát mồ hôi chìm đắm trong Một cõi đi về, Hạ trắng…
Cửa ra vào luôn đóng, nhạc bật đủ nghe, lại đêm khuya, thế quái nào ông hàng xóm cách đấy một căn biết được. Ông này có tật nói bóng gió, nửa đùa nửa thật tung ra thông tin, trúng thì trúng không trúng thì trượt: “E hèm, nghe Trịnh Công Sơn công an biết được là bắt đấy. Phản động. Phản động”. Mẹ lỳ mặt, lạnh tanh dắt xe qua vì nhà tôi ở bên trong, mỗi lần đi đâu phải qua cửa nhà ông ấy. E hèm mấy lần, bóng gió mãi không tác dụng, ông ta nói với bác tổ trưởng. Bác tổ trưởng gọi bố tôi ra hỏi, người ta phản ảnh thế đúng không, nhà anh chị đảng viên hết, cần nêu gương ở khu dân cư. Nếu trót nghe thì thôi đi, đừng để bị phản ảnh nữa, khó cho tôi. Bố im lặng, về nói mẹ thôi, giờ nghe đài, không họ bắt được phiền lắm. Mẹ cay đắng ngồi thừ mặt nhìn qua khuôn cửa sổ hẹp. Sau đấy, trưa nào mẹ về ăn cơm, xác định hàng xóm không có ai, hai mẹ con lại “Gọi nắng, trên vai em gầy, đường xa áo bay…” cho đến lúc mẹ đi làm, tôi đi học.
Cũng lần vào Sài Gòn năm 1975, mẹ khuân quà cho cả họ và bạn bè. Đồ nhựa lúc ấy rất hiếm và quý. Nhà bác Phú có làn nhựa, chậu nhựa. Cậu Khôi đôi giày, các cháu ai cũng có quà vì lúc ấy mẹ có nhiều tiền. Tôi thì có quần bò, ba lô đi học. Mẹ cũng mặc quần bò, áo thun bó. Lần ấy, hai mẹ con lên bác Phú chơi. Một lúc sau, có bà lớn tuổi thập thò gọi bác Phú ra, mặt rất nghiêm trọng nói nhỏ và lâu. Một hồi, bác Phú vào bảo cô Tú đừng cáu nhé, tôi nói để biết thôi. Mẹ im lặng nghe, mọi người đang cười đùa, im bặt. Bác Phú mặt khổ sở, ái ngại nói loanh quanh, đại ý bà tổ phó khu phố góp ý mẹ tôi và tôi dân văn nghệ sĩ, ăn mặc không đứng đắn. Đàn bà con gái lại mặc quần bò của đế quốc, mông lộ hết cả ra, như thế là không được. Sau về đây không nên mặc như vậy ảnh hưởng đến văn hóa khu vực. Mẹ cười nhạt, không nói gì. Sau này, mỗi lần lên bác, mẹ và tôi vẫn mặc quần bò, nhưng không thấy bà tổ phó sang góp ý nữa.
Nhà có hai người. Sau này, nhà có thêm Pích và Tý, chúng tôi là bốn người mạnh mẽ. Sức mạnh đó luôn đến từ mẹ tôi, người đàn bà nuôi con một mình từ năm bốn mươi ba tuổi, làm sự nghiệp giữa một đời sống mà đàn bà bao giờ cũng phải làm nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn để có kết quả ít hơn chưa kể bị thị phi, chèn ép bởi xã hội dù có phát triển thì tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn ở khắp nơi.
***
Hôm nay, mẹ cũng đi như bố ngày ấy. Tôi biết là tôi sẽ nhớ mẹ. Hai thằng Pích – Tý sẽ nhớ bà. Nhớ ngày xưa, mỗi lần mẹ đi công tác, Pích nhớ bà, không ăn, không ngủ, ngồi ngóng ra cửa vì nghĩ làm như thế, thời gian hôm nay trôi nhanh, ngày mai nhanh tới để bà sớm về. Gần năm mươi năm, bốn mẹ con bà cháu dính một chùm với nhau. Các cụ nói không sai, có con mới hiểu lòng cha mẹ. Tôi nuôi dạy hai con, thấm thía những gì bố mẹ dành cho mình. Dù có khi mẹ con mâu thuẫn vì bà hay chiều cháu.
Càng xa nhau, người ta càng nhớ những điều không bao giờ mình nghĩ nó in đậm trong lòng mình đến thế. Tôi không muốn mẹ đi như thế này, nhưng rồi lại nghĩ, bố sẽ đón mẹ, đưa mẹ về Bến Tre, Cà Mau, thăm họ hàng nội ngoại bên chồng và đi khắp thế giới như bản tính thích đi của bà.
Tôi biết, mỗi ngày mình sẽ nhớ mẹ một kiểu, yêu thương theo một cách mỗi khi đối mặt với một chuyện gì đó xảy ra trong đời. Lúc đó, tôi sẽ tự nhủ, nếu là mẹ, gặp chuyện này, mẹ sẽ làm thế này, sẽ không nóng nảy kiểu máu Nam bộ như mình, mà nhẹ nhàng theo cách con gái Hà Nội.
Tiễn mẹ hôm nay, nhớ mẹ ngày càng nhiều, hiểu mẹ ngày càng sâu và biết rằng, mẹ đã cho tôi không phải chỉ cuộc đời này, mà còn dìu tôi đi hết những tháng năm dài trước mặt, dù mẹ lại đi công tác xa.
Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2013…
Hiện nay, các hiện vật của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng văn học Việt Nam.