Thế Lữ, chân dung một “khách tình si”

     “Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể”. Thế Lữ (1907 – 1989) từng định nghĩa về bản thân như vậy trong bài “Cây đàn muôn điệu”.

     Có lẽ, trong số khá nhiều câu thơ tự định nghĩa, thì đây là câu thơ mà Thế Lữ nói “trúng” nhất về con người tinh thần, con người nghệ sỹ của mình: trọn đời, ông say mê với cái Đẹp trong nghệ thuật, nhưng niềm say mê ấy không chỉ bó hẹp ở một phương diện cụ thể, nó trải trên tất cả các phương diện của cái Đẹp nghệ thuật mà khả năng sáng tạo đa dạng của ông có thể chạm đến. Vì thế, cái tên Thế Lữ không gói gọn trong một danh xưng: ông là nhà thơ, nhưng ông còn là một nhà văn trinh thám, một tác giả của văn học ma – kinh dị, một nhà báo, một nhà phê bình nghệ thuật, một nhà hoạt động sân khấu.

Chân dung nhà thơ Thế Lữ.

     Trước hết, Thế Lữ là một “khách tình si” của thơ, với thơ. Năm 1933 ông đã có thơ đăng báo. Tất nhiên, đây là những bài thơ “mới”, những bài thơ tự nó đã có sức lan tỏa, kêu gọi những tâm hồn đồng điệu, thúc giục họ sáng tạo để làm nên cả một thời đại trong thi ca. Nói cách khác, Thế Lữ là một trong những người tiên phong của phong trào Thơ Mới. Ông xuất hiện giữa làng thơ, đột ngột như một tinh cầu chói sáng, mang sức hút mạnh của một cực cao áp nam châm. Chẳng thế mà trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã phải ghi nhận ảnh hưởng của Thế Lữ ở buổi đầu Thơ Mới: “Thơ Thế Lữ như một luồng gió lạ xúi người ta biết say sưa với cái xán lạn của cuộc đời thực tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết tình yêu. Thế Lữ là một vị giáo sư già dặn dạy khoa tình ái cho cả một thời đại”. Quả thực, khi tinh thần thời đại đã thay đổi và người đọc thì đã chán ngấy với những thứ thơ rập khuôn theo các bài thơ được ông Trần Trung Viên tuyển và ngự trị trong “Văn đàn bảo giám”, dễ hiểu tại sao ngay lúc vừa xuất hiện, thơ Thế Lữ đã được đón nhận nồng nhiệt. Ông quyến rũ người ta bằng một lối thơ tuôn trào ào ạt cảm xúc, không cần tiết chế, giống như những đợt sóng mạnh mẽ ngoài khơi. Ông tạo được sự bất ngờ bằng những thi ảnh rất tân kỳ, và bằng cả các kiểu câu thơ chưa từng được biết đến trong thơ Việt Nam từ xưa đến nay: câu thơ định nghĩa (Tôi chỉ là một khách tình si), câu thơ vắt dòng (Tôi muốn sống cuộc đời thi sỹ, để/ Dốc chén mơ màng, nhưng chỉ thấy chua cay)… Ông khai thác đến tận độ nhạc tính và khả năng biểu hiện của tiếng Việt trong thơ (hẳn nhiều người còn chưa quên bài “Tình hoài” của ông, một cuộc hí lộng với “thanh” trong tiếng Việt, mỗi câu thơ một thanh: Trời buồn làm gì trời rầu rầu/ Anh yêu em xong anh đi đâu/ Lắng tiếng gió suối thấy tiếng khóc/ Một bụng một dạ một nặng nhọc/ Ảo tưởng chỉ để tủi để khổ/ Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi/ Thương thay cho em căm thay anh/ Tình hoài càng ngày càng tày đình).  Thơ Mới có thể ca khúc khải hoàn trong thế tương tranh với thơ “cũ” chính là nhờ những thi phẩm xuất sắc của nó, như các bài thơ “Nhớ rừng” hay “Tiếng sáo Thiên Thai” để đời của Thế Lữ. Nhưng với Thế Lữ thì như vậy chưa đủ. Bằng bút danh Lê Ta, ông còn tham gia tranh luận rất sôi nổi về thơ trên báo chí. Ông nhiệt tình bảo vệ và cổ súy cho Thơ Mới, nhưng ông cũng nhiệt tình không kém trong việc phản đối, chế giễu thơ “cũ” đến điều. Tuy vậy, sau hai tập “Mấy vần thơ” (1935) và “Mấy vần thơ, tập mới” (1941), Thế Lữ hầu như không làm thơ nữa. Phải chăng ông tự thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh của người tiên phong trong Thơ Mới, và bây giờ nên nhường chỗ cho một lớp thi sỹ mới, giàu tài năng hơn (Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương…)? Hay phải chăng “khách tình si” đã đem khối tình si của mình rời bến thơ mà buông neo bến khác?

     Trên thực tế, song song với cái việc là một người làm thơ, Thế Lữ chính là một cây bút văn xuôi đặc sắc – cây bút đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại của một số thể loại như truyện trinh thám, truyện đường rừng (thực chất là truyện ma – kinh dị, nếu xét về phương diện thể loại). Với truyện trinh thám, Thế Lữ đã sáng tạo ra cặp nhân vật thám tử Lê Phong và Mai Hương – một chàng và một nàng – được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích. Họ là những người thông minh, có óc phán đoán và khả năng suy luận cao. Họ say mê nghề nghiệp, họ quyết liệt trong việc truy tìm cái ác để bảo vệ và đề cao cái thiện. Nhưng cũng cần phải nhìn ra rằng, cặp nhân vật Lê Phong và Mai Hương chính là hiện thân cho kiểu con người lãng mạn có tính lý tưởng của Tự Lực văn đoàn: trẻ trung, được giáo dục theo mô hình châu Âu, yêu tự do dân chủ, yêu khoa học và luôn hướng tới sự tiến bộ xã hội. Vì vậy có thể nói rằng, với truyện trinh thám, Thế Lữ vừa góp vào dòng chảy chung, mà lại vừa biệt hẳn ra thành một nhánh độc đáo trong sáng tác văn xuôi của các tác giả Tự Lực văn đoàn.

     Tuy nhiên, độc đáo hơn thế nữa trong văn xuôi Thế Lữ, phải là truyện ma – kinh dị, như “Vàng và máu” (1934), “Gió trăng ngàn” (1941), “Trại Bồ Tùng Linh” (1941). Khái Hưng viết trong Lời tựa của tập “Vàng và máu”: “Tôi mong mỏi sẽ có những nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn A Đông để gây được một lối văn viết theo lối khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu. Nhà văn đó ngày nay đã có: chính là Nguyễn Thế Lữ, thi sỹ trong Tự lực văn đoàn. Thực vậy, tác giả những truyện “Vàng và máu” và “Một đêm trăng” đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sỹ của Bồ Tùng Linh, hai nhà văn viết những truyện ghê gớm huyễn hoặc làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya”. Viết loại truyện này, Thế Lữ hầu như chỉ khai thác câu chuyện trong bối cảnh không gian ở các vùng rừng rậm núi cao (vì thế mà người ta quen gọi đó là truyện đường rừng). Một phần, bởi trong tâm thức của người Việt nói chung, “chốn sơn lâm”, “nơi rừng xanh núi đỏ”, “rừng thiêng nước độc” bao giờ cũng gợi lên cái gì đó bí hiểm, rờn rợn, một nỗi sợ. Phần nữa, là sự đeo đẳng của những ấn tượng tuổi thơ, khi ông sống ở Lạng Sơn và được người lớn kể cho nghe đủ thứ chuyện rùng rợn: chuyện để của, chuyện thổ phỉ, chuyện ma cà rồng, ma gà. Hai truyện ma – kinh dị khá tiêu biểu của Thế Lữ là “Vàng và máu” và “Một đêm trăng”. Truyện thứ nhất thực chất là truyện giấu vàng của người Tàu với một số mưu kế giăng bẫy hiểm hóc nhằm tiêu diệt những kẻ hám của. Trong truyện này, một mặt Thế Lữ tăng cường tính bí ẩn kỳ lạ của câu chuyện qua sự việc và cách dẫn chuyện, một mặt ông từng bước giải mã cái bí ẩn kỳ lạ ấy một cách khoa học, bằng kiến thức khoa học. Đọc hết truyện, ít ra thì người đọc cũng có được một sự thanh lọc cảm xúc (như trong kịch) và nhận thức được một điều: cái bí hiểm rùng rợn nhiều khi bắt rễ từ chính sự dốt nát của ta. Truyện thứ hai có cốt truyện rất đơn giản nhưng lại được triển khai một cách rùng rợn, với rất nhiều bất ngờ. Một cô gái người Thổ trả thù cho chồng, cô giết chết kẻ thù rồi đẩy xác hắn xuống vực, cái xác bị vướng vào cành cây, cô dụ dỗ chàng thanh niên người Kinh đẩy cái xác xuống vực hộ cô – đây mới là hành động của truyện – và cô cũng văng theo… Câu chuyện thì “không có gì”, nhưng không khí thì ma quái, liêu trai đủ khiến người ta phải rùng mình vì sợ. Được sợ, được sống trong cảm giác sợ, ấy chẳng phải là một trong những điều mà người đọc muốn có, muốn trải nghiệm khi đọc truyện ma  – kinh dị hay sao?

     Nhưng trong một thời gian dài, khi nói đến Thế Lữ, mảng sáng tác văn xuôi trinh thám và ma – kinh dị hầu như bị “lờ” đi. Chúng đơn thuần chỉ là giải trí, không giúp gì cho độc giả trong việc làm đầy và nâng cao nhận thức, để từ đó xây dựng cuộc sống mới con người mới chăng? Và vì thế, cũng chẳng giúp gì hơn cho sự tôn vinh tên tuổi tác giả chăng? Xin miễn có đáp án cho câu hỏi này. Chỉ biết rằng sau Thế Lữ, mảng văn chương này về cơ bản có thể xem là đã bị bỏ trống trong văn học Việt Nam hiện đại. (Một vài nhà văn có viết những truyện ngắn mang yếu tố kỳ ảo, ma quái, nhưng theo kiểu tiện, vui thì ghé qua, không thành một dòng và chưa thành một nền). Vì vậy, nhận định của nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Kỵ tuy cũ nhưng vẫn đúng: “Cho đến nay trong văn học Việt Nam không thấy có tên tuổi nào đáng được xếp bên cạnh Thế Lữ trong loại sáng tác khá độc đáo này”.

     Khối “tình si” của Thế Lữ, neo bám muộn nhất nhưng lâu bền nhất, đến hết đời, là với nghệ thuật kịch. Từ năm 1937 ông đã bắt đầu tham gia hoạt động sân khấu, và hoạt động với tất cả các vai: tác giả, đạo diễn, diễn viên, ông bầu. Năm 1942, với sự cộng tác của Vi Huyền Đắc, ông viết kịch thơ năm hồi “Dương Quý Phi”. Nhưng rồi, những mộng mơ lịch sử về chiến trường và tình ái trên đất nước Trung Hoa xưa đã bị ông bỏ qua để trở về với thực tại Việt Nam. Ông viết “Cụ đạo sư ông” (1946), “Đoàn biệt động” (1947), “Đợi chờ” (1949), “Tin chiến thắng Nghĩa Lộ” (1952)…, đề cập kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống kháng chiến của đất nước. Tuy nhiên, như đã nói, Thế Lữ hoạt động sân khấu trong nhiều vai. Ông là tác giả, nhưng đồng thời ông còn là đạo diễn và diễn viên trong những vở kịch của ông, cũng như trong nhiều vở của nhiều tác giả khác. Rất nhiều kinh nghiệm về nghề đạo diễn và diễn xuất đã được ông đúc rút từ quá trình lăn lộn với thực tế, rồi trao truyền cho các thế hệ nghệ sỹ lớp hậu bối, cho đến nay vẫn được xem như là những chỉ dẫn nghệ thuật quý giá. Rồi ông còn là người dịch tác phẩm của các kịch tác gia nước ngoài danh tiếng như Shakespeare, Goethe, Schiller, Pogodin… Có thể nói, nếu trên phương diện kịch bản, Vũ Đình Long là người đặt những viên gạch đầu tiên cho kịch nói Việt Nam, thì những đóng góp nhiều mặt của Thế Lữ có ý nghĩa rộng hơn: nó mở đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam thời kỳ hiện đại, từ chỗ còn là một hoạt động nghiệp dư trở thành một hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Năm 1957, khi Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam thành lập, ông – vị trưởng lão đáng kính của giới sân khấu – đã trở thành vị Chủ tịch Hội đầu tiên.

     Thế Lữ, đó là khởi điểm, là người tiên phong dẫn đạo trên không chỉ một lĩnh vực. Ông khai phá, ông sáng tạo, thành tựu đến một chừng mực nào đó ông lại chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Một con người thấu triệt lẽ “chỉ, túc” (biết đủ, biết dừng lại) ở đời chăng? Một Don Juan của sự sáng tạo nghệ thuật chăng? Tốt hơn cả, chúng ta hãy hình dung về ông bằng chính cách ông tự hình dung về mình: “Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể”. Đã ba mươi năm rồi (1989 – 2019) đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam vắng bóng người khách tình si ấy…

Hoài Nam