Tháng 8 mùa thu tưởng nhớ về nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh

        Tôi may mắn được vào tham quan căn phòng lưu niệm 6m2 của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh ở địa chỉ 96A Phố Huế, Hà Nội. Dù đã được xem trên phim ảnh nhưng khi được đứng giữa căn phòng, chạm tay vào từng trang bản thảo, quyển sách, đồ dùng của 2 nhà thơ để lại, tôi thật sự xúc động. Chị Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ) kể : “Gia đình chị đã có ba thế hệ từng sống ở đây, căn phòng đã gắn liền với nhiều câu chuyện ký ức của từng người thân trong gia đình. Nơi này lưu dấu nhiều kỷ niệm về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh. Chính tại đây, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã sáng tác hàng chục vở kịch nổi tiếng như: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Khoảnh khắc vô tận”, “Ông không phải bố tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Tin ở hoa hồng”, “Nàng Sita” …Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng xuất bản những tác phẩm xuất sắc như: “Lời ru mặt đất”, “Sân ga chiều em đi”, “Tự hát”, “Bầu trời trong quả trứng”…
Thư nhà thơ Xuân Quỳnh gửi nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ năm 1987, khi bà đi học ở trường Mooxin Gooky, Liên Xô
       Căn phòng phòng vẫn còn giữ nguyên những kỷ vật xưa cũ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh. Hai bên là những giá đầy sách cao đến sát trần. Một chiếc gác xép với chiếc thang gỗ cũ. Chiếc bàn làm việc con với những trang sách dang dở. Những bức ảnh đen trắng, bình gốm nhỏ, bức họa. Những trang bản thảo và sách đã bị ố vàng phai mực, phủ lớp màu rêu phong. Lật giở từng trang bản thảo và những cuốn sách, tôi thấy cả quá trình sáng tác miệt mài và những thành tựu văn nghệ xuất sắc của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh đang diễn ra trong căn phòng 6m2. Với mong muốn có một khu trưng bày về 2 nhà thơ tài năng ở Bảo tàng Văn học Việt Nam để công chúng yêu thơ, yêu kịch có thể đến tham quan, nghiên cứu, học tập và trực tiếp nhìn thấy những kỷ vật từng gắn bó với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. Đại diện gia đình đã rất ủng hộ và hiến tặng hàng trăm hiện vật của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Túi của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
        Từ những Di sản của hai nhà thơ để lại, Bảo tàng Văn học Việt nam đã xây dựng một gian trưng bày trang trọng, hấp dẫn về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. Những hiện vật được trao tặng từ căn phòng 6m2 như: đồ dùng sinh hoạt, bản thảo, tác phẩm, thư từ. Mỗi một hiện vật đều mang dấu ấn cuộc đời người nghệ sỹ tài hoa Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh. Trong số đó có những hiện vật chưa một lần công chúng được biết đến như: Bộ bàn ghế nhỏ chỉ kê đủ một cuốn sách mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thường ngồi làm việc. Tủ đựng đồ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tự đóng từ những thùng gỗ mang hàng từ nước ngoài gửi về. Bản thảo tác phẩm “Hoa xuyến chi” và “Hai giọt máu”, những bức thư nhà thơ Xuân Quỳnh viết gửi nhà viết kịch Lưu Quang Vũ năm 1987 khi ở Liên Xô. Cùng các đồ dùng cá nhân bút, kính, đồng hồ, túi sách….
        Một mùa Thu nữa lại chạm cửa thời gian, nhưng 2021 chúng ta sẽ không có những đêm thơ, đêm nhạc, triển lãm, tuần chiếu phim tập trung đông người. Nhưng những ai yêu thơ, yêu kịch sẽ chọn cho mình cách riêng để tri ân tới nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh. Để rồi “Cuối trời mây trắng bay …chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại …” vẫn mãi là biểu tượng cho tình yêu đầy lãng mạn và sống mãi trong lòng biết bao thế hệ bạn đọc.
Đồng hồ, bút, sáo của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
                                                                                                                                                                                          Chu Hòa