Trong ba năm có đại dịch, nhà lý luận phê bình đáng kính này cũng có dính với “cô” một lần (Covid), nhưng điều đáng nói, là ông đã đánh dấu mốc tuổi 80 của mình với bốn tập sách dày tròm trèm nửa ngàn trang. Tổng cộng là gần 2.000 trang sách. Chỉ riêng con số trang sách ấy, mà lại thuộc thể loại tư liệu, lý luận phê bình, thì cũng khiến tôi dựng tóc gáy! Cuốn sách ra sau cùng trong bộ tứ đại tư liệu – sử liệu của Ngô Thảo là cuốn “Văn hóa trong phát triển – Văn hóa của phát triển (từ thực tiễn hoạt động sân khấu)”. Ngay nhan đề đã khiến giới trí thức háo hức nhặt sách lên nếu thấy nó ở bất kỳ đâu. Điều này gợi tôi nhớ lại việc khi tác giả Nguyễn Trần Bạt ra cuốn sách “Văn hóa và phát triển”, tôi đã lùng tìm bằng được sách đó và coi như một cuốn gối đầu giường. Vậy nên, khi đến dự sự kiện “Những trang sách của Ngô Thảo tri ân Văn nghệ quân đội” được tổ chức tại tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội ngày 29.11.2022, tôi đã cầm cuốn “Văn hóa trong phát triển – Văn hóa của phát triển (từ thực tiễn hoạt động sân khấu)” của Ngô Thảo lên đầu tiên trong số các cuốn sách được trưng bày. Tuy nhiên, để nói về cuốn sách nặng ký cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này, tôi sẽ có một bài viết khác sau khi đọc xong sách. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn viết về con người Ngô Thảo trong mắt bạn văn, và cái tình của ông đối với đồng nghiệp.
Hóa ra, việc Ngô Thảo in liền bốn cuốn sách trong ba năm có đại dịch là có ẩn ý của ông. Điều này thể hiện sự vượt lên trên tất cả của một cây bút đường trường, cho dù đó là chiến tranh, đại dịch, nghịch cảnh, hay bất trắc lòng người. Sự kiện tri ân Văn nghệ quân đội của ông với bốn cuốn sách, cũng được tổ chức ở “Nhà số 4” nổi tiếng (tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội) mà ông và đồng nghiệp thường rỉ tai nhau rằng ngôi nhà có số “tử” (số 4). Nhưng ám ảnh về con số 4 cửa tử đó, cũng được ông vượt qua nốt bằng việc tổ chức sự kiện với con số bốn cuốn sách! Đó là các cuốn sách: Nghiêng trong bóng chiều, Lặng lẽ những đời văn, Bốn nhà văn nhà số 4, “Văn hóa trong phát triển – Văn hóa của phát triển (từ thực tiễn hoạt động sân khấu)”. Ngay trong sự kiện tri ân tại “Nhà số 4”, Ngô Thảo cũng đùa rằng đây là cuộc “chia tay trước” của ông với người thân, bạn hữu, đồng nghiệp,… bởi nay ông đã 82 tuổi rồi, có thể ra đi bất cứ lúc nào, không báo trước.
Có một điều về Ngô Thảo, có lẽ ít người biết, đó là năm 2020, khi Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam muốn đề cử ông cho Giải thưởng văn học Asean, thì ông từ chối, với lý do ông đã quá già rồi, có nhận thêm giải thưởng quốc tế nữa thì cũng không mang lại thay đổi gì trong tư thế của ông. Nên đề cử một tác giả trẻ hơn, con đường còn dài hơn, để động viên họ dấn bước nhiệt tình hơn trên đường văn nhọc nhằn. Thật hiếm người như nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, từ chối một vinh dự lớn như vậy, để nhường cơ hội cho người trẻ hơn mình, giúp nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo của thế hệ sau mình.
Để hiểu lý do vì sao ông có phông văn hóa dày dặn như thế, thì cần nhìn lại gia thế và quá trình lớn lên, trưởng thành của cây bút lý luận phê bình lỗi lạc này. Ngô Thảo sinh ra ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với ông thân sinh là nhà cách mạng, bà mẹ thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Nhưng năm lên 6 tuổi, Ngô Thảo đã mồ côi cả cha và mẹ. Vượt qua những khó khăn đó, ông tốt nghiệp trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An và học Tổng hợp Văn Hà Nội. Khi tốt nghiệp Đại học, mới đi làm tại Viện Văn Hà Nội, thì Ngô Thảo xung phong ra trận. Qua thời chiến đấu, ông được nhà văn Nhị Ca mời về làm việc tại tạp chí Văn Nghệ quân đội, Ban Lý luận phê bình. Ông cống hiến ở đây 15 năm, tạo dựng tên tuổi một nhà lý luận phê bình uy tín, sắc sảo, có những “lập ngôn” gây xôn xao dư luận như “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ. Nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật!” (thực ra đây là một câu ngạn ngữ phương Tây mà ông trích dẫn). Có lẽ quãng thời gian 15 năm ở Văn Nghệ quân đội là quãng đời đẹp nhất của cây bút Ngô Thảo, khi ông vừa phát triển được sự nghiệp, lại có thể thu thập tư liệu, dựng nên những chân dung nhà văn trọn vẹn nhất như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyễn Thi,… và cũng khiến ông được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nói về nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội cho rằng, Ngô Thảo thuộc thế hệ đàn anh, xây dựng thương hiệu, uy tín lớn cho Văn nghệ quân đội. Ông và thế hệ ông không chỉ là đồng nghiệp, đồng chí, là người đi trước, mà còn là những bậc thầy về đạo đức, khí tiết, tài năng,… cũng là nguồn động viên vô tận cho những người làm Văn nghệ quân đội hôm nay. Mỗi khi chúng tôi có những vướng mắc, thiếu thốn, lúng túng, thì ông luôn xuất hiện hỗ trợ. Chúng tôi không thể thiếu bậc đàn anh như Ngô Thảo. Ông đã cho chúng tôi bài học quý về tình nghĩa đồng nghiệp, tình nghĩa của những người lính với nhau.
Giãi bày về công việc của mình, về lý do chọn việc viết tôn vinh những cây viết đại thụ của nền văn học chiến tranh Việt Nam, nhà lý luận phê bình Ngô Thảo nói: Thời gian là cỗ máy vô tình, với những cái tên, những giá trị văn học dù cao lớn đến đâu rồi cũng bị lãng quên. Do vậy, tôi đã tìm mọi cách để có tư liệu về các nhà văn cầm súng, dựng lên chân dung họ trọn vẹn nhất có thể. Ban ngày cần làm việc hành chính để có lương, tôi chuyên thức đêm để hệ thống tư liệu cuộc đời các nhà văn ấy. Tác phẩm của họ ghi dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đất nước thật hào hùng. Nhưng cuộc đời họ, điển hình là Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyễn Thi,… lại chính là bi kịch lớn, đáng để viết ra, đọc lại, chiêm nghiệm cho mai sau. Nay họ đã về với thiên cổ, nhưng bài học cuộc đời họ để lại thì còn mãi. Bởi tôi luôn nghĩ, bên cạnh thơ văn, chính tiểu sử của họ cũng là một tác phẩm mang rất rõ dấu ấn của một giai đoạn lịch sử không dễ có. Cuộc đời nhiều người trong họ lại có nhiều – như câu thơ Thu Bồn – Niềm đau này xin giấu dưới thịt da.
Ngô Thảo đã hệ thống được nhiều tư liệu về cuộc đời các nhà văn trong kháng chiến chống Pháp, về các nhà văn khối Văn nghệ Quân đội nhưng ông cũng ưu ái để mắt tới thế hệ sau và từng viết về các tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn, Y Ban, Thiên Sơn, Kiều Bích Hậu, Bình Nguyên Trang, Hoàng Thiên Nga, Nguyễn Thanh Tâm…
Ngô Thảo cũng thiết tha làm nhiều cuốn sách về các nhà văn, ông tìm kiếm vận động nguồn tài chính, hoặc tự bỏ tiền túi ra in tuyển tập và toàn tập cho Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Thi (4 tập sách),… Từ Bích Hoàng, Thu Bồn, Nhị Ca,… Ông cũng đang vận động lập Không gian văn hóa Thu Bồn, Thư viện cho giới trẻ ở quê ông với sách và tư liệu về 10 tác giả danh tiếng sinh ra ở nơi này… Tự thân ông đi vận động kinh phí trong và ngoài nước để thực hiện những công trình này. Quả là người có trái tim dũng cảm, có tầm nhìn và tấm lòng yêu thương lớn lao với đồng nghiệp đàn anh thì mới có thể dấn thân làm cả những việc như thể ở tuổi ngoài 80. Có lẽ, đó là cách mà ông tạo nên một “phi thuyền xuyên không” giúp bạn trẻ có thể tiếp cận với thế hệ đi trước, để nhận trao truyền nội lực sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù, mọi khó khăn trở ngại.
Cả một đời Ngô Thảo theo đuổi công việc không hề sinh lợi kinh tế. Ông biết ơn người vợ tào khang đã thông cảm, yêu thương tạo mọi điều kiện để ông được rong ruổi bốn phương cùng bạn viết, cùng công việc. Thế nhưng, người đọc nói chung và làng văn nói riêng đều biết ơn Ngô Thảo, một người viết đầy trách nhiệm, không chỉ giúp cho nhiều nhà văn hệ thống lại được sự nghiệp, mà còn để lại ảnh hưởng về một tấm lòng thơm thảo với bạn văn, khiến thế hệ sau nhìn vào đó mà sửa mình. Đúng như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã chốt lại hai chữ Tâm và Tình tặng cho ông Ngô Thảo.
KIỀU BÍCH HẬU
Theo nguồn: https://amp.laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tam-va-tinh-cua-ngo-thao-1132485.ldo?fbclid=IwAR0_e6x5666AwQH4pyyfpE-SJEAu4LML8AQDRMY4RHhwV3GRGy5PGBWrVhM