Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông được coi là nhà thơ tiêu biểu nhất của Nam Bộ thời phong kiến. Mặc dù bị mù mắt, nhưng sức sáng tạo của Nguyễn Đình Chiểu khiến hậu thế phải nể phục.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), hay được gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn sinh vào cuối thế kỷ XIX, lúc này đất nước đã có người Pháp can thiệp ít nhiều, cuộc sống nhân dân vì thế mà rơi cảnh không ổn định, nhiều phong trào đấu tranh nổi dậy, trong đó có một số nơi ở các tỉnh Nam Bộ.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước, lại mang tư tưởng Nho giáo, nên trong văn thơ của ông luôn đề cao tinh thần yêu nước và chí nam nhi. Có thể nói, đến hôm nay, thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn làm nhiều người ngạc nhiên, và dường như, chúng ta vẫn chưa hiểu hết thâm ý của ông.
Sức sáng tạo của Nguyễn Đình Chiểu có thể nói là làm chúng ta phải nể phục. Khi mới ngoài đôi mươi, đang đợi thi ở Huế thì nghe tin mẹ mất, do quá thương yêu mẹ, nên ông đã bỏ thi và cùng em trai trở về Gia Định chịu tang.
Do quãng đường xa, thời tiết thất thường, lại khóc nhiều, nên khi đến Quảng Nam thì ông ốm nặng phải dừng chân điều trị. Trong thời gian này, ông học được nghề thuốc, nhưng chẳng may mắt lại bị mù. Chẳng còn gì đau đớn hơn, khi thi cử chưa dự, tương lai còn tươi sáng thì mắt lại bị mù.
Việc mù mắt đã khiến hôn thê từ bỏ ông. Cô gái này đính ước khi ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, lúc ông 21 tuổi. Từ khi mắt mù, gia cảnh ông cũng khốn khó hơn. Được biết, Nguyễn Đình Chiểu là con đầu của bà vợ lẽ. Cha ông làm quan, nhưng vào thời buổi loạn lạc, cũng không mấy bình yên.
Sau khi mẹ mất, Nguyễn Đình Chiểu làm nghề bốc thuốc, dạy học, và được sự cảm mến, kính trọng của một học trò, người này đã bàn với gia đình gả em gái cho ông. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu dường như đã đổi thay khi ông bị mù mắt. Không chấp nhận trước nghịch cảnh trớ trêu, ông trở thành một thầy thuốc, một nhà giáo có tiếng, được nhân dân kính trọng.
Được biết, trong quãng thời gian sau khi mù mắt, ông đã viết nên Lục Vân Tiên, một truyện thơ Lục bát bằng chữ Nôm nổi tiếng. Truyện có 2082 câu thơ lục bát, kết cấu theo lối chương hồi. Truyện được in nhiều lần, được truyền khẩu, nên có nhiều dị bản. Truyện cũng được dịch ra tiếng Pháp lúc bấy giờ. Lục Vân Tiên được Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889.
Câu chuyện được Nguyễn Đình Chiểu sử dụng nhuần nhuyễn thể lục bát dân tộc, sử dụng nhiều điểu tích điển cố, để viết ra. Truyện khuyên con người sống có đạo đức, giữ cương thường đạo lý, đặc biệt là mối quan hệ giữa người với người. Nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã trở nên bất hủ cùng dòng chảy văn học Việt Nam.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: “Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa”. Và đến hôm nay, nhiều câu thơ trong Lục Vân Tiên đã đi sâu vào ký ức người đọc, như ca dao, tục ngữ, châm ngôn.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Đã từng có người có coi Lục Vân Tiên sánh ngang với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở Nam Kỳ, về thể thơ lục bát, đến nay thật khó ai đứng ngang hàng cùng với Nguyễn Đình Chiểu.
Không những có sức viết đáng nể về Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiều còn khiến hậu thế ngạc nhiên với các tác phẩm dài hơi: Dương Từ – Hà Mậu (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1854), gồm 3.456 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen thơ luật Đường (33 bài) và các thể khác.
Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (Ngư tiều y thuật vấn đáp, 1867?), gồm 3.642 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen 21 bài thơ và một số bài thơ ca, phú… Nguyễn Đình Chiểu cũng được nhiều người biết đến qua thể loại văn tế, hịch: Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (tức Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, 1861), Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác)…
Lúc bấy giờ, uy tín và sức ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu đến nhân dân Nam Kỳ rất lớn. Có tài liệu viết: “Thực dân Pháp cho Tôn Thọ Tường là bạn của Đồ Chiểu đến dụ dỗ ông. Đến mấy lần, nhưng lần nào đều bị Đồ Chiểu tìm cớ lánh mặt, sau Tường gửi tặng hủ mắm cá lóc, mà Tường nói rõ trong thư là chính tay của vợ mình làm, để biếu bạn xưa.
Sau khi ăn gần hết, Đồ Chiểu mới phát hiện ở dưới đáy hũ có mấy nén vàng, ông vô cùng tức giận, viết thư trách Tôn Thọ Tường và sai người trả lại vàng. Michel Ponchon, tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre cũng đã mấy lần thân hành đến nhà Đồ Chiểu. Có lần lấy cớ nhờ nhuận sắc bản Lục Vân Tiên, nhưng ông giả vờ điếc đặc. Có lần viên quan này thông báo việc trả lại ruộng đất ở Tân Thới (Gia Định) cho Đồ Chiểu nhưng nhận được câu trả lời: “Đất vua còn phải bỏ, thì đất tôi sá gì!”.
Lần khác, M. Ponchon đặt ra vấn đề cấp dưỡng, Đồ Chiểu nói: “Tôi đây đang sống đầy đủ trong sự tôn kính của các môn đệ và sự quý mến của đồng bào. Điều đó đã làm tôi thỏa mãn lắm rồi”…
Duy nhất có một lần, M. Ponchon hỏi Đồ Chiểu về một ước nguyện. Đồ Chiểu nói chỉ mong ước chính phủ Pháp cho ông tổ chức một buổi lễ tế vong hồn những người dân đã chết trận, và đã được viên quan này đồng ý. Hôm đó, tại chợ Đập (nay là chợ Ba Tri), nghe Đồ Chiểu đọc bài văn tế thảm thiết, đông đảo mọi người đến dự đều không cầm được nước mắt…”.
Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là một nhà thơ lớn của dân tộc. Sức vóc về thi ca của ông có lẽ đến nay chúng ta còn chưa đánh giá được hết. Về tài thơ và sức nặng trong những câu thơ của ông về đạo lý, về cương thường, về nhân sinh thì không phải ai cũng làm được. Nguyễn Đình Chiểu đã được đặt tên ở nhiều đường phố, trường học. Nguyễn Đình Chiểu có hai người con cũng rất nổi tiếng trong giới văn học là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái, thứ tư), Nguyễn Đình Chiêm (con trai, thứ năm).
VŨ ĐOÀN
Theo nguồn: https://vanvn.vn/tai-nang-xuat-chung-va-nghi-luc-phi-thuong-cua-nguyen-dinh-chieu/