(Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Quang Dũng, 1921 – 2021)
Vanvn- “Mây ở đầu ô/ Trời xanh lộng thế…”. Trong vòm xanh lộng gió kia, sẽ mãi còn những mùa xanh xưa Quang Dũng. Đó là những mùa xanh lộng lẫy và thanh cao, kết tinh niềm say mê tận hiến cho sự bất tử của Tổ quốc và vẻ đẹp của con người.
1. Giao thoa văn hóa và khí chất nghệ sĩ
Ngày 28/5/2008, với Nghị quyết 15 của Quốc hội, Hà Tây chính thức thuộc về Hà Nội, đánh dấu sự hợp nhất về địa lí hai vùng văn hóa lớn thuộc văn minh châu thổ sông Hồng là Tràng An và xứ Đoài. Xứ Đoài nằm chính Tây của kinh thành Thăng Long, cùng với dãy Tam Đảo tả ngạn sông Hồng tạo thành tay ngai vững chắc cho vùng đất đế đô ngàn năm văn hiến. Do sự gần gũi về khoảng cách, lại có chung nền tảng văn hóa tâm linh đẫm màu sắc Phật giáo nên giữa hai vùng văn hóa này luôn diễn ra hiện tượng giao lưu, ảnh xạ văn hóa. Nếu Thăng Long – Hà Nội nằm khu vực hạ lưu sông Hồng thì xứ Đoài thuộc vùng trung du, sơn thủy hữu tình, trời xanh mây trắng. Những yếu tố địa văn hóa này rồi ra sẽ ăn sâu vào tâm thức Quang Dũng, trở thành chất liệu sáng tạo đeo bám suốt đời ông:
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Kể cả trong những ngày xa quê, khi cái hiện thực vật lí mất hút tầm nhìn thì những bóng núi tầng mây kia vẫn nguyên vẹn trong tiềm thức nhà thơ như một ám thị. Trời xanh mây trắng thì nhiều nơi có, nhưng với xứ Đoài và riêng Quang Dũng, nó trở nên đặc biệt bởi gắn liền với chiều sâu văn hóa tâm linh. Đặt trong bối cảnh địa lí nhân văn này, dễ nhận thấy Quang Dũng cũng như nhiều kẻ tài hoa xứ Đoài đều ít nhiều được thừa hưởng sự kết hợp/ giao thoa giữa hai nguồn phong khí. Xứ Đoài lưng tựa Ba Vì – Tản Viên, lại gần điểm hội tụ của ba dòng sông lớn, thật đúng là: Dáng hình sừng sững ngang trời rộng/ Hạo khí mênh mang vạn thuở còn. Ở thế đất cao, hùng vĩ, xứ Đoài, trong tương quan với Thăng Long, là vùng đất phát khí, thuộc dương. Đất Kẻ Chợ với thế “rồng cuộn hổ chầu” là đất tụ khí, phì nhiêu màu mỡ, trên bến dưới thuyền, thuộc âm. Là nơi được Lý Thái Tổ chọn làm đất “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, văn hóa Thăng Long có khả năng tạo kết tinh cao độ, vì thế, con người hào hoa, thanh lịch. Là đất “tối cổ”, cũng từng phát vương (Phùng Hưng, Ngô Quyền) nên xứ Đoài bên cạnh sự tinh tế vẫn bảo lưu được sự chân chất, bộc trực, khẳng khái, không màng tranh đua danh lợi. Tuy nhiên, đó là nhìn tổng thể. Còn nếu cần đến một sự phân xuất chi li thì với Quang Dũng, văn hóa xứ Đoài là căn cốt, văn hóa Thăng Long là bổ trợ, bồi đắp. Dĩ nhiên, đó không phải là sự bồi đắp theo kiểu cộng gộp mà là một thẩm thấu để làm đầy đặn và giàu có thêm tài năng của ông. Mà đâu riêng gì Quang Dũng, trước ông đã có Tản Đà: Nước rợn sông Đà con cá nhảy/ Mây trùm non Tản cái diều bay. Cậu ấm Hiếu nổi tiếng thần đồng, sau vài lần thi hỏng, liền dấn thân, ngất ngưởng Giang hồ mê chơi quên quê hương, trở thành mẫu hình nghệ sĩ hiện đại đầu tiên của văn học Việt ở buổi giao thời. Lứa sau Quang Dũng có Nguyễn Lương Ngọc, hình tướng có phần độc dị: Ngắm mặt sông mà tỏ lòng sông/ Vuốt tóc lòng tay gặp vầng trán/ Ấm mát một phần mùa đông, mắt rực sáng quyết liệt đến mức muốn Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Những quy tắc lên men). Xa hơn phía men vùng sông Đáy thuộc đất Hà Tây cũ là kẻ “lạc nhịp” Nguyễn Quang Thiều, dám vượt qua những lối mòn ru vỗ để cất lên thứ giọng điệu đầy gây hấn trong Sự mất ngủ của lửa. Nói thế để thấy về bản chất, Quang Dũng cùng “tông” với kiểu nghệ sĩ tài hoa lãng tử đến mức “lệch chuẩn”. Hầu như suốt cuộc đời Quang Dũng là những chuyến đi. Giang hồ lãng tử đến tận đất Vân Nam gặp gỡ một số đảng viên Quốc dân đảng rồi thất vọng quay về. Chuyện nên vợ thành chồng cũng bắt đầu từ một lần ngao du lên tận xứ mưa Yên Bái. Cái “lệch chuẩn” của những kẻ tài hoa này cần được hiểu như một hình thức khẳng định cá tính, dám vẫy vùng để tìm kiếm những thực đơn tinh thần mới nhằm chống lại các thói quen. Đó là sự giao thoa văn hóa góp phần hun đúc khí chất và tố chất nghệ sĩ của Quang Dũng nhìn ở chiều rộng. Ở không gian hẹp, cái làng Phượng Trì, Đan Phượng, Hà Đông cũ, nơi sinh ra Quang Dũng, cũng là điểm nối giữa Sơn Tây – Hà Nội, ngoài phố trong làng, chân chất có đủ mà khéo léo cũng có thừa1. Nhiều người đã nói về chất Sơn Tây trong văn – thơ – nhạc – họa Quang Dũng. Điều ấy hoàn toàn có lí. Thơ và văn xuôi Quang Dũng có nhiều địa danh, nhưng những địa danh gắn với xứ Đoài bao giờ cũng có sắc thái riêng. Tất cả đều trong ngần, đượm tình và mịn màng như những bức tranh lụa:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Đây là những câu thơ được Quang Dũng viết từ năm 1949 trong bài Mắt người Sơn Tây. Mấy chục năm sau, những địa danh này lại tái xuất trong Nhớ một bóng núi:
Mãi mãi xanh tươi nguồn suối chậm
Ngô khoai dâu mía dệt đôi bờ
Quê hương trường cửu cùng Non Nước
Ba chục năm trời trọn ý thơ.
Thế mới thấy Quang Dũng chung tình với nơi chôn rau cắt rốn thế nào và xứ Đoài sâu thẳm ra sao trong cõi tiềm thức của ông. Vì được dệt nên từ cõi nhớ nên cảnh trí, tình người rất giàu sức gợi. Song nếu chỉ nói dấu ấn văn hóa xứ Đoài trong sáng tác Quang Dũng, e rằng chưa đủ; cần phải thấy sự tài hoa trong ngòi bút Quang Dũng được đẩy đến mức cao hơn bởi ông ngấm sâu sự lịch lãm Hà thành. Tiểu sử Quang Dũng cho biết, thuở nhỏ, Quang Dũng học trường làng, nhưng đến 7 tuổi, ông được gia đình gửi về Hà Nội ăn học. Đây là lứa tuổi bắt đầu hình thành cá tính, sở thích, thị hiếu. Chính những ngày sống ở Thăng Long, cũng giống như những cô cậu đất kinh kì, ông say mê Thơ mới, văn Thạch Lam, truyện đường rừng,… nghĩa là toàn những vẻ đẹp lãng mạn bình dị, phóng khoáng và lạ lẫm. Những mê say từ thuở thiếu thời này chắc hẳn có mối liên quan đến sự nhạy cảm, tài hoa sẵn có trong cậu bé Bùi Đình Diệm (Dậu) để kết thành tố chất nghệ sĩ. Nó góp phần tạo nên sự mềm mại và sự lắng sâu của lõi trầm văn hóa. Ở phía khác, Quang Dũng không cưỡng nổi sức hút của những vẻ đẹp tự do, khí phách, hào hùng. Ông yêu những nhân vật kiểu Thủy hử, những người Cozac phóng khoáng trên thảo nguyên trong Tarat Bunba của Gogol. Lại nữa, khi theo học lớp bổ túc quân sự, ông bắt gặp một hình mẫu uy phong thời chiến là vị giáo sư người Nhật có tên Việt Nam là Đại tá Lâm Sơn [1, tr.11-12]. Trong thời chiến, người lính bao giờ cũng hiện lên trong tư thế người hùng. Trai anh hùng, gái thuyền quyên, đó là mẫu hình của những ngày đánh giặc. Những trầm tích văn hóa này luôn bổ sung cho nhau tạo thành một sóng đôi đẹp đẽ; từ đó, hình thành khí chất và tố chất nghệ sĩ độc đáo. Đó là sự hòa quyện giữa chất tài hoa, lãng mạn và sự cứng cỏi, kiên cường. Đây cũng là những nhân tố cơ bản làm nên phong cách nghệ thuật của Quang Dũng về sau.
2. Tây Tiến: điểm hội tụ và kết tinh
Đúng là mọi thành bại trong đời sống và nghệ thuật, ngoài tài năng và tố chất của chủ thể cần phải có cơ duyên. Nói khác đi, tài năng Quang Dũng sẽ khó đạt tới độ xuất thần nếu không gặp chữ Thời. Đó là sự gặp gỡ giữa tích tụ và khoảnh khắc. Nhìn đường thơ của Quang Dũng thì rõ. Mặc dù cầm bút từ trước 1945 nhưng những bài thơ đầu tay của ông vẫn còn bị cớm bóng bởi hào quang Thơ mới. Chiêu Quân (1937) hay Cố quận (1940) vẫn chưa thoát mạch sầu thương trước đó. Tuy nhiên, trong những thi phẩm này bắt đầu hé lộ một phẩm chất quan trọng, đó là sự nhạy cảm của nhà thơ trước những vẻ đẹp thanh tao, trắc ẩn và nhuốm màu cổ điển:
Tuyết lạnh che mờ trời Hán quốc
Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương
Tang tình năm ngón sầu dâng lệ
Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang!
Nhưng để kích hoạt tối đa tiềm năng sáng tạo, Quang Dũng cần đến một cú hích mạnh, một bối cảnh dữ dội và rộng lớn hơn nhiều. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại và Quang Dũng trở thành lính trận, rồi Đại đội trưởng đoàn Võ trang và Trưởng ban Tuyên truyền Trung đoàn 52. Những ngày đông năm 1946 ấy thật kì lạ, dường như chẳng mấy ai thấy sợ hãi trước kẻ thù. Âm hưởng hào hùng của cuộc chiến vang lên trong nhạc Phan Huỳnh Điểu: Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui. Sự ngạo nghễ, ngang tàng cất lên trong “tam tuyệt thi” của Trần Huyền Trân, Trần Mai Ninh, Hữu Loan trước và ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Trong đời sống văn học, đang diễn ra một thay đổi cơ bản, một “nhận đường” quyết liệt, tất cả vì cuộc kháng chiến. Không chỉ những cây bút vang danh thời tiền chiến thay đổi mà những cây bút bắt đầu viết lách cũng thay đổi. Nhìn vào Chính Hữu là thấy rõ sự thay đổi này: từ Ngày về đến Đồng chí là cả một “đoạn tuyệt”. Tâm thế dứt khoát từ giã cái quen, cũ cũng được biểu đạt hết sức tinh tế trong thơ Nguyễn Đình Thi: Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Còn Quang Dũng? Ông nhập cuộc ngay từ sớm, trong Những làng đi qua năm 1947:
Thôi nhé Miền xuôi! Thôi tạm biệt
Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời
Ta đi
Ngõ Gạch – tường đang đục
Gạn từng giọt nước, đánh, cầm hơi.
Hơi thơ mạnh mẽ, tung hoành, dứt khoát. Người lính ra đi là để mong được trở về trong chiến thắng vinh quang, đem lại bình yên cho quê hương xứ sở. Cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì; bởi thế, tinh thần lạc quan luôn được coi trọng, quần chúng nhân dân là nhân vật chính trên sân khấu văn học, chủ trương “đại chúng hóa” được đề cao. Cũng như nhiều thi sĩ cùng thời, Quang Dũng vui “tình chiến dịch”, tếu táo, tràn đầy niềm tin:
Khuya khoắt bờ sông vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính mấy chàng phanh ngực
Hát nhẹ lên bài ca.
(Lính râu ria)
Trong bối cảnh lịch sử sôi động ấy, nhất là khi trực tiếp bước vào cuộc kháng chiến sinh tử với kẻ thù, tinh lực cũng như phẩm chất lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng mới được phát huy tới cực đại. Những năm 1948-1950 là quãng thời gian thăng hoa sáng tạo của Quang Dũng, trong đó Tây Tiến trở thành của tin lớn nhất mà ông đã gửi lại cho văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã dựng lên một tượng đài bất tử, sừng sững trong văn học Việt Nam hiện đại về người anh hùng vệ quốc. Nhà thơ đã kết hợp rất nhuần nhuyễn ba yếu tố cơ bản trong nghệ thuật khắc chạm tượng đài: chất cổ điển, chất lãng mạn và sự kiêu hùng. Chất cổ điển đem đến sự trang nghiêm, lẫm liệt. Chất lãng mạn đem đến sự bay bổng và phóng khoáng. Sự kiêu hùng đem đến tâm thế mĩ học ngưỡng vọng cái cao cả. Tất cả sự kết hợp toàn bích này được đặt trên nền cảnh biên viễn trùng điệp đầy gian khổ, hi sinh. Từ trong mạch cảm hứng dài rộng đến “chơi vơi”, Quang Dũng đã tạo nên sự hòa quyện tuyệt đẹp giữa thơ – nhạc – họa. Một chuỗi tương quan vô cùng hợp lí được triển khai theo chiều tăng tiến: hiện thực và lãng mạn, hào hùng và hào hoa, cứng cỏi và mềm mại, bi và tráng,… Tính tạo hình và biểu cảm gắn chặt với tính kịch đã tạo nên độ căng thẩm mĩ để bật lên vọng âm dữ dội cuối bài: Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Tây Tiến trước hết là sáng tạo của Quang Dũng, nhưng đó là sự sáng tạo mang tính tổng hợp. Nó có cái mạnh, gắt của thể hành mà Thâm Tâm đã từng sử dụng. Nhưng giọng thơ Tây Tiến khác với chất giọng bi phẫn của Tống biệt hành, nó gần hơn với tiềng gầm nghẹn trong thơ Thế Lữ. Song, Nhớ rừng của Thế Lữ là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn thời đầu, còn Tây Tiến đích thị là lãng mạn cách mạng. Quang Dũng đã nối kết thành công các chiều kích: cá nhân với cộng đồng, riêng với chung, khoảnh khắc và vĩnh cửu trên nền tảng âm hưởng hào hùng. Chính nhờ đôi cánh lãng mạn mà hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh được che phủ, nâng đỡ và tô đậm sự bay bổng của hình tượng [2]. Nó không đẩy cái bi trượt sang phía lụy mà kết hợp với tráng để thành bi tráng. Lõi cốt làm nên giọng điệu cơ bản xuyên suốt toàn bài là thái độ sống cao đẹp, là tâm thế sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Đây là tâm thế sống và cũng là hào khí của cả một dân tộc vừa thực hiện cuộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trước đó chưa lâu. Nhưng đúng như nhiều người nhận thấy, nếu chân dung người lính Tây Tiến chỉ có phần hào hùng mà thiếu đi chất hào hoa chắc chắn sẽ khó lòng được yêu thích đến thế. Cái hào hoa này đã được Quang Dũng tái hiện rất chính xác bởi về bản chất, ra đi từ đất kinh kì, lính Tây Tiến mang trong mình phẩm chất nghệ sĩ. Và viết về đồng đội, thực ra là Quang Dũng viết về mình. Đúng là thoạt đầu, Quang Dũng định đặt tên đứa con tinh thần vô giá này là Nhớ Tây Tiến, sau đó ông bỏ từ “nhớ”, chỉ để lại Tây Tiến. Đây là lựa chọn hợp lí bởi toàn bộ bài thơ tự nó đã là cả một nỗi nhớ sâu sắc về một thời trận mạc. Hệ quả, nhờ sự gọt bỏ này mà Tây Tiến không dừng lại ở tên gọi một địa danh thông thường, mà nó là dấu ấn lịch sử, là hào khí của một thời, có khả năng tự phát nghĩa để sống mãi muôn thời. Là nghệ sĩ, dĩ nhiên lính trẻ Tây Tiến rất nhạy cảm trước chất thơ của núi rừng: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, nhận ra sự ấm áp bình yên: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi… Không chỉ “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” tiến về phía trước, họ còn mang theo những giấc mộng đa tình: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Đây là sự mơ mộng mang bản chất của “lực sống” (eros), có khả năng giúp con người vượt lên sự khô cằn của “lực chết” (thanatos). Nó cũng là bản thể của tuổi trẻ – những kẻ hay mơ mộng nhưng sẵn sàng “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Vậy mà đã có không ít băn khoăn thiển cận về chi tiết “dáng kiều thơm” này khi bài thơ xuất hiện. Thực tế, sự tương phản giữa “mắt trừng gửi mộng” và “đêm mơ Hà Nội” hàm chứa sự hô ứng nội tại bên trong, biểu đạt mối tương quan giữa lí trí và tình cảm, giữa mộng sa trường và khoảnh khắc riêng tư. Giấc mơ kia vì thế không phải là sản phẩm của sự yếu lòng mà soi tỏ về một miền nghĩa lí nằm sâu trong tâm khảm họ. Lẽ ra phải coi đó là một vẻ đẹp hiếm, nhất là trong bối cảnh tình hậu phương trong thơ kháng chiến chống Pháp chủ yếu dành cho các thôn nữ “khúc khích” cuối nương dâu hay sau lũy tre làng. Nhưng chính vì “mộng rớt”, “buồn rớt” tiểu tư sản ấy mà Quang Dũng trở thành “lạc điệu”. Đó là chưa nói đến cách miêu tả chân thực “đoàn binh không mọc tóc” cũng bị coi là vướng mộng “yêng hùng”! Những quan niệm chật hẹp đến ấu trĩ của một thời đã cấm cửa những cách nói “xa lạ” với đại chúng này. Không chỉ Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi cũng phải dằn lòng gạt đi những thoáng riêng tư Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em (Đêm mít tinh) hay những câu thơ khó hiểu, trúc trắc không vần. Hữu Loan vừa mới “hùng tâm tráng khí” trong Đèo Cả cũng rơi vào bi kịch vì Màu tím hoa sim bị coi là quá ủy mị, bi thương. Thực chất, đây là sự xung khắc giữa sáng tạo mang tính cá nhân và tiếp nhận từ thẩm mĩ đại chúng lúc bấy giờ. Giữa sự xung khắc ấy, cái cần phải hi sinh là nghệ thuật, cái cần được ưu tiên là tuyên truyền2. Trong logic ấy, Nguyễn Đình Thi đành lỡ dở một cách tân; Quang Dũng, Hữu Loan bắt đầu gặp trắc trở. Đó là câu chuyện liên quan đến tiếp nhận văn học một thời, khi cái chung hoàn toàn áp chế cái riêng, khi nỗi buồn bị coi là tối kị.
Riêng với Quang Dũng, bên cạnh một Tây Tiến đỉnh cao, phần thẳm sâu trong tâm hồn ông là lãng mạn đầy nhân văn. Bởi thế, thơ ông dù tiết chế, vẫn man mác một nỗi buồn thương ẩn giấu. Trên những nẻo đường xê dịch, ông vẫn nghe thấy “một chiếc linh hồn nhỏ – đi về chân núi xanh”, xót những người tản cư, bâng khuâng tình cô lữ, thương những người mẹ, người em, người vợ hậu phương: Em đắp chăn dày, tóc em trĩu nặng/ Tôi, mồ hôi ra ngực áo chan chan/ Đường tản cư bao suối lạ sông ngàn/ Em mê sảng, sốt hồng lên má đỏ (Quán nước). Tuy nhiên, gương mặt xuất hiện nhiều nhất vẫn là một “bóng hồng” nào đó trong những lần gặp ngắn. Nó đưa hơi thơ Quang Dũng ngả sang miền diệu vợi với rất nhiều băn khoăn: Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai? (Đôi bờ); Chiều ấy em về thương nhớ ai? (Trắc ẩn), Em đã bao ngày em nhớ thương? (Mắt người Sơn Tây),… Thậm chí, có lúc ông như đang phân thân tự hỏi, tự nói chuyện với mình: Tôi viết chiều nay, chiều tưởng tượng/ Làm thơ mình lại tặng riêng mình/ Sông trôi luống gợi dòng vô hạn/ Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh (Trắc ẩn). Tuy nhiên, điều đáng nói là phía sau những nhớ thương này, bao giờ cũng hòa lẫn một màu quê hương:
Cữ nay đào bưởi đang chín cây
Mía đỏ vườn hoang mang bóng ngày
Bướm nhẹ cánh vàng mơ lá cải
Trời thu không rượu cúc mà say.
Trạng thái phảng phất nỗi buồn thương có thể coi là nét riêng của thơ Quang Dũng giữa thời binh lửa: Từ độ thu về hoang bóng giặc/ Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn?/ Đất đá ong khô nhiều suối lệ/ Em đã bao ngày lệ chứa chan? (Mắt người Sơn Tây). Đó là những hợp âm mang tính khu biệt của Quang Dũng so với số đông đại chúng cùng thời. Từ cái nhìn mang màu hướng nội, thơ ông tuyệt hay bởi những cảm xúc thanh khiết, tinh khôi. Trong số những tình khúc nổi tiếng của Quang Dũng, Mắt người Sơn Tây được coi là thi phẩm xuất sắc hơn cả. Một thi phẩm da diết, hài hòa về tình ý, khắc khoải nhớ thương và hi vọng. Chiến tranh, gặp gỡ thường ngắn ngủi, ai dám nói đến những giấc mơ dài đoàn tụ. Thế là thành nhớ thương: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm? Em đã bao ngày em nhớ thương? Thế là thành mong ngóng: Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc màu chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta? Thực ra, khi đọc Mắt người Sơn Tây, người đọc nhớ đến Đôi bờ bởi giữa hai bài có sự gần gũi về cảm xúc và giọng điệu: Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai?/ Sóng xa từng lớp lớp mưa dài/ Mắt kia em có sầu cô quạnh/ Khi chớm heo về một sớm mai. Dễ nhận thấy, khác với Chiêu Quân, Cố quận được viết trước Cách mạng tháng Tám, trong Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây, Trắc ẩn, Thu,… Quang Dũng đã bước ra khỏi mạch trữ tình lãng mạn kiểu Thơ mới. Tâm thế chủ thể trữ tình không còn là tâm thế của li khách tìm kiếm “phương xa” mà là tâm thế nhập cuộc “tôi từ chinh chiến cũng ra đi”. Quang Dũng, một mặt bị cuốn theo hào khí của thời đại; mặt khác, bị níu lại bởi xót thương. Từ cái nhìn trắc ẩn, ông cảm nhận rõ sự vỡ vụn của không gian, của sự biệt li, đau khổ: Giáo đường chuông rời rạc/ Tan vỡ nhiều thanh âm. Thiết nghĩ, những nỗi buồn này, với tất cả sự thanh sạch và nhân bản của nó, có ý nghĩa như một phương diện cốt yếu tạo thành bản mệnh nghệ sĩ Quang Dũng. Chính từ những áng mơ hoa “nào ai biết được niềm u ẩn” của Quang Dũng, cùng với Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm,… đã giúp cho thơ kháng chiến không rơi vào đơn điệu, trái lại, trở nên phong phú sắc màu. Đó là đóng góp không nhỏ của Quang Dũng đối với thơ Việt Nam thời kì chống Pháp.
3. Sự trở về của những huyền thoại
Lịch sử không có chữ “nếu” và không bao giờ là một đường thẳng. Cũng bởi thế, sự thăng trầm trong tiếp nhận các giá trị văn học cũng là chuyện hết sức bình thường, kể cả những kiệt tác mang tầm nhân loại. Số phận của Tây Tiến và Mắt người Sơn Tây đều liên quan đến đời sống tiếp nhận văn học ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là chưa nói đến chuyện Quang Dũng ít lưu lại thơ mình, và ông cũng không quá bận tâm về xuất bản. Mãi đến năm 1988, Quang Dũng mới cho in tập thơ đầu tay và cũng là duy nhất khi ông còn sống.
Con đường “u uẩn chiều lưu lạc” ra phía ngoại vi của thơ Quang Dũng có thể hiểu được trong bối cảnh văn hóa thời chiến và kéo dài mãi đến đầu thập niên 80 thế kỉ trước. Đó là thời điểm tính giai cấp được nhấn mạnh, cái chung được đề cao, những sáng tạo cá nhân và những tình cảm riêng tư bị xem nhẹ. Bởi thế, Quang Dũng hay Văn Cao, Hữu Loan,… về sau đều sống trong lặng lẽ. Trong bối cảnh ấy, Quang Dũng chuyển về Hà Nội, sống trong sự an phận của một viên chức bình thường. Ông vẫn làm thơ nhưng ít hẳn. Độ anh hoa cũng không còn phát lộ như xưa. Quang Dũng viết văn xuôi nhiều hơn. Chất thơ trong văn chương Thạch Lam mà ông yêu thích thời trẻ nay được Quang Dũng tiếp nối trong những cụm hoa văn xuôi xinh xắn của ông. Tại đó, người đọc nhận thấy một Quang Dũng đôn hậu trong bút kí, ân tình trong chia sẻ và chiêm nghiệm trong truyện ngắn. Nhưng với người đọc yêu thơ, phần tinh hoa nhất của ông thì chừng ấy là chưa đủ. Họ muốn được thưởng ngoạn những vần thơ tuyệt đẹp của Quang Dũng thời xanh, nhất là khi Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây đều bặt tiếng trong văn học chính thống miền Bắc. Nhưng bên lề đời sống văn học, những giai thoại về đời và thơ Quang Dũng vẫn luôn tồn tại. Vẻ đẹp u hoài Mắt em dìu dịu buồn Tây phương qua cái nhìn của một lãng tử tài hoa, đẹp trai như Quang Dũng tất sẽ khiến người đọc tò mò. Nó cũng là chuyện thường tình khi quan sát mô hình tài tử – giai nhân trong văn học cổ kim. Bởi thế, việc truy tìm sự thật về một người đẹp có tên Akimi hay “cô gái vườn ổi” nào đó bằng xương bằng thịt xem ra không quá quan trọng. Quan trọng hơn là từ đó, Quang Dũng đã góp cho văn học những tình khúc trong sáng, phảng phất nỗi buồn và niềm trắc ẩn. Khác với miền Bắc 1954-1975, ở miền Nam Việt Nam, vào những năm đầu thập kỉ 70, khi Mắt người Sơn Tây được Phạm Đình Chương phổ nhạc và bắt đầu vang lên trong các phòng trà Sài Gòn qua giọng ca vàng Thái Thanh thì “cơn sốt” Quang Dũng trở lại3. Tạp chí Văn học do Phan Kim Thịnh làm chủ bút đã nhanh chóng dành hai số về ông, trong đó, số 140 ra ngày 15/11/1971 như là sự đính chính về những nhầm lẫn của số 125 ra ngày 1/4/1971. Thực ra, sự minh định này trên Tạp chí Văn học ở Sài Gòn cũng chưa luận giải được gì nhiều về Quang Dũng. Nhưng ít nhất, nó đã khuấy lên ý thức cần nhìn lại lịch sử một cách thấu đáo hơn. Tuy nhiên, phải đợi đến sau 1986, cùng với Đổi mới, khi đời sống tiếp nhận trở nên cởi mở thì những giá trị văn học một thời bị rơi vào quên lãng mới được tái xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng nghệ thuật. Tự lực văn đoàn, Thơ mới đã trở lại. Nhiều số phận oan khuất hay bị đánh giá chưa thỏa đáng trong quá khứ đã được soát xét lại trên cơ sở tinh thần nhân văn hiện đại. Trong đời sống tiếp nhận một thời đã qua, hóa ra, có những thời điểm chúng ta đã quá đề cao duy lí, nói biện chứng mà phi biện chứng. Chúng ta chỉ thừa nhận phần ý thức mà quên lãng phần vô thức như một phương diện quan trọng của con người toàn nguyên. Nằm trong mạch quan niệm ấy, cái nhìn xã hội học nặng tính giai cấp đã từ chối nhìn nỗi buồn như một phạm trù mĩ học có giá trị thanh tẩy nếu đó là những nỗi buồn nhân bản, nhân văn. Những anh hoa một thuở như Hữu Loan, Hoàng Cầm cũng trở lại sau một thời gian dài vắng bóng. Những chiếc “lá diêu bông” đã vượt qua số phận của cái gọi là “biểu tượng hai mặt”, những “màu tím hoa sim” trong “chiều hoang biền biệt” kia không làm ai gục ngã như có người đã tưởng tượng. Trong bối cảnh chung ấy, Mây đầu ô xuất hiện, phóng khoáng, thênh thang vượt qua những ô cửa chật hẹp trong ngưỡng tiếp nhận một thời:
Mây ở đầu ô
Trời xanh lộng thế…
Trong vòm xanh lộng gió kia, sẽ mãi còn những mùa xanh xưa Quang Dũng4. Đó là những mùa xanh lộng lẫy và thanh cao, kết tinh niềm say mê tận hiến cho sự bất tử của Tổ quốc và vẻ đẹp của con người.
Hà Nội những ngày cuối thu 2021
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP
Tài liệu tham khảo:
[1] Quang Dũng (2017), “Kể chuyện Tây Tiến”, in trong: Nhà thơ Quang Dũng, từ Tây Tiến đến Tây Nguyên, Trần Ngọc Trác – Bùi Phương Thảo (Sưu tầm và biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. [2] Nguyễn Đăng Điệp (2003), Nghệ thuật tổ chức ngôn từ trong Tây Tiến của Quang Dũng, in trong: Vọng từ con chữ, Nxb. Văn học, Hà Nội. [3] Sưu tập Văn Nghệ 1948-1954 (1999), Tập 2, Năm 1949, Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. [4] Trần Lê Văn (Tuyển chọn và giới thiệu, 2000), Tuyển tập Quang Dũng, Nxb. Văn học, Hà Nội._______________________________
1Trong Lời giới thiệu Tuyển tập Quang Dũng (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000), nhà thơ Trần Lê Văn, bạn thân của Quang Dũng có dẫn hai câu ca dao cổ: Đại Phùng nói khoác hơn người/ Phượng Trì khổ nỗi ăn chơi đủ vành để lí giải sâu hơn về cội nguồn văn hóa quê hương ảnh hưởng đến bạn mình. Ông cho biết Quang Dũng như giếng nước thơi, bề ngoài tưởng tuềnh toàng “ruột để ngoài da” nhưng bên trong lại chất chứa nhiều “u uẩn”.
2 Đây cũng là nội dung tranh luận giữa Tô Ngọc Vân, Đặng Thai Mai và sau đó là Trường Chinh tại Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. Xem thêm [3].
3 Bản nhạc này có tên là Đôi mắt người Sơn Tây. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã sử dụng mấy câu đầu của bài Đôi bờ mở đầu cho nhạc phẩm.
4 Sau 1986, thơ văn Quang Dũng được sưu tầm và lần lượt xuất bản. Nhiều tọa đàm khoa học, kỉ niệm về ông đã được tổ chức. Sự trở lại của Quang Dũng đặc biệt ấn tượng khi Tây Tiến được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 và chính thức giảng dạy từ năm 1992. Hàng triệu thầy cô giáo, học sinh và công chúng yêu thơ đã đón chào nồng nhiệt sự trở lại của thi phẩm này. Năm 2011, Quang Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, tên tuổi ông vẫn chưa xuất hiện trong Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, 2004. Đây là điều đáng tiếc vì Tây Tiến và Mắt người Sơn Tây xứng đáng là những thi phẩm hàng đầu của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp nói riêng và của văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
Nguồn: https://vanvn.vn/quang-dung-dep-mai-nhung-mua-xanh-xua-tieu-luan-nguyen-dang-diep/