Phạm Huy Thông – Nhà trí thức lớn tài danh

“Bên cạnh sự thông tuệ của một nhà khoa học với những kiến thức liên ngành thấu đáo, bên cạnh tầm nhìn xa của một nhà quản lý, Phạm Huy Thông còn là hiện thân của chất nhân văn, sự lịch lãm được kết tinh giữa Hà Nội với Paris hoa lệ” – (Giáo sư sử học Phan Huy Lê).

GS Phạm Huy Thông tiếp khách Mỹ năm 1984. (Ảnh tư liệu của Viện Khảo cổ học)

Phạm Huy Thông sinh ngày 22/11/1916 trong một gia đình tư sản ở Hà Nội. Quê gốc ở làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên – vùng đất nổi tiếng với truyền thuyết dân gian và những chiếu chèo sân đình rộn rã. Ông cũng là hậu duệ thứ 24 của Phạm Ngũ Lão.

Truyền thống quê hương và nề nếp gia đình đã sớm tạo ra cho Phạm Huy Thông một nền tảng căn bản và vững chắc. Năm 17 tuổi ông đỗ tú tài, 20 tuổi đỗ cử nhân Luật. Từ năm 1937 đến năm 1945 ông du học ở Pháp. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ Luật khoa, ông làm tiếp luận án thạc sĩ Sử học và học thêm một số ngoại ngữ như Trung văn, Nhật, Đức… Khi trở về nước, giáo sư (GS) Phạm Huy Thông đã có nhiều đóng góp lớn cho nền khoa học Việt Nam.

Nhà thơ ghi dấu ấn vào “Thời đại mới trong thi ca Việt Nam”

Ở tuổi 16, Phạm Huy Thông gia nhập phong trào Thơ Mới với một “tâm hồn kỳ dị”, mang tới một không khí khác thường trong mơ ước:

Tôi muốn hoá một con chim
Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng
Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng
Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng
Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng
Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi! 

Hồn thơ Phạm Huy Thông ngay từ buổi đầu của tuổi thanh niên, đã mang tính hoành tráng, bi hùng và dữ dội. Ông được đánh giá là một trong những người mở đầu cho sự phát triển của thể loại kịch thơ ở nước ta. Tên tuổi của ông gắn liền với những vở kịch thơ như Anh Nga, Tần Hồng Châu, Kinh Kha… là những vở theo khuynh hướng lãng mạn, lấy cảm hứng từ các truyền thuyết, các truyện lịch sử, dã sử của Trung Quốc. Đặc biệt hơn cả là bản anh hùng ca “Tiếng địch sông Ô” với tính cách mạnh mẽ của một nhân vật phi thường được thể hiện qua hình ảnh người anh hùng Hạng Tịch.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét về đoạn trích này trong tác phẩm của Huy Thông bằng những lời ca ngợi nồng nhiệt: “Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền hành và xinh trai ấy… Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái uỷ mị của những linh hồn đương chờ sa ngã, thơ Huy Thông ồ ạt đến như một luồng gió mạnh…”.

Về căn bản, sự nghiệp thơ của Phạm Huy Thông tập trung chủ yếu trong khoảng 6 năm đầu của tuổi thanh niên. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã cho ra đời bốn tập thơ Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc (1937), ngoài ra còn in trên báo các tác phẩm khác như: Con voi già (viết về Phan Bội Châu), Hận chiến sỹ, Tần Hồng Châu, Lòng hối hận, Kinh Kha, Huyền Trân công chúa, Tây Thi…

Phạm Huy Thông còn là một dịch giả giỏi, người đã chuyển ngữ rất thành công tập “Truyện ký Nguyễn Ái Quốc” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bản dịch của ông đã phản ánh trung thành những ý tưởng sâu sắc và các hình thức thể hiện rất đa dạng trong văn xuôi của Nguyễn Ái Quốc.

Ở lứa tuổi ngoài 20, Phạm Huy Thông đã rẽ sang con đường tập trung nghiên cứu khoa học, nhưng ông vẫn không nguôi nhớ đến thơ. Trong buổi gặp mặt các nhà thơ sáng tác từ trước Cách mạng, ông tâm sự: “Làm thơ từ những năm 1932 – 1937, ở tuổi 15-20, tôi mơ màng và đắm đuối những tình cảm lãng mạn. Tôi sớm ngây vì tình, si mê vì tình, đau khổ vì tình, như những nhà thơ khác những năm ấy… Tôi không tiếc đã phải hy sinh, dù là hy sinh thơ để đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tôi tự hào đã có phần cống hiến khoa học vào sự hiểu biết về lịch sử của dân tộc, tiếng thơm của dân tộc. Nhưng tôi không nguôi nhớ thơ, luyến tiếc một sự nghiệp thơ dang dở…”.

Tuy nhiên với những gì đã có, đã làm được trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Phạm Huy Thông đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong buổi đầu Thơ Mới – thời kỳ đã tạo nên “một thời đại trong thi ca” của Việt Nam.

Nhà khoa học uyên bác và tài hoa

Cả cuộc đời mình, Phạm Huy Thông không ngừng học hỏi để bổ sung kiến thức cho bản thân. Ở tuổi 21, Phạm Huy Thông tốt nghiệp cử nhân Luật và sang Pháp du học; 26 tuổi, đỗ tiến sĩ Luật học và 28 tuổi thêm bằng thạc sỹ Sử, Địa; 31 tuổi, ông được phong là giáo sư, giữ chức Ủy viên Hội đồng Giáo dục tối cao của Pháp. Nhìn vào con đường học vấn, có thể nhận thấy sự uyên bác của Phạm Huy Thông có gốc gác từ hồi còn trẻ.

Bên cạnh sự nghiệp khoa học ngày càng mở rộng, Phạm Huy Thông còn tham gia hoạt động chính trị theo yêu cầu của đất nước thời kỳ đó. Từ năm 1940 đến 1945, ông tham gia tổ chức Ái Hữu của Việt kiều tại Pháp. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn chính phủ ta sang Pháp dự hội nghị Fontaineblau, ông được chọn làm thư ký cho Bác và thư ký hội nghị. Việc tiếp xúc với Hồ Chủ tịch đã nâng sự hiểu biết và nhận thức của nhà khoa học Phạm Huy Thông lên một tầm cao mới. Chính từ những ngày được gần gũi Hồ Chí Minh, ông đã chọn cho mình con đường mà Hồ Chí Minh đang đi. Sau khi Hồ Chí Minh về nước, ông vẫn được tiếp tục giao trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ khác. Sau 3 năm hoạt động ở Pháp rồi bị quản thúc ở Hải Phòng, ông trở lại Việt Nam và “dấn thân vào cuộc đời rộng rãi” (một câu thơ của ông).

Hơn 40 năm hoạt động, GS. Phạm Huy Thông đã giữ nhiều trọng trách như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội Du lịch Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III. Uy tín đến từ chính con người ông, kiến thức uyên bác, sự nghiêm cẩn, tinh thần chịu trách nhiệm của người làm khoa học và thao lược của một nhà quản lý.

Trong nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam bây giờ, khảo cổ học có lẽ là lĩnh vực có nhiều thành tựu hơn cả, và GS Phạm Huy Thông là người khởi xướng ngành khoa học này. Là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khảo cổ học Việt Nam, trên cương vị của mình, ông đã thể hiện là một người đặc biệt có tài về tổ chức và kinh nghiệm lãnh đạo. Ông lãnh đạo nghiên cứu thành công in dấu đậm nét 3 lĩnh vực lớn của khảo cổ học Việt Nam với các đề tài: “Thời đại các Vua Hùng dựng nước”, “Khảo cổ học 10 thế kỷ sau công nguyên”, “Khảo cổ học với văn minh thời Trần”…, góp phần làm cho đất nước ta trở thành một quốc gia có nền khảo cổ học mạnh nhất Đông Nam Á.

Không chỉ tham gia hoạt động và có uy tín trong nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội ở Việt Nam, GS. Phạm Huy Thông còn là người được bạn bè quốc tế quý trọng. Ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức, là sáng lập viên của tổ chức quốc tế về giáo dục và Ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới trong nhiều năm.

Phan Huy Lê đã phác họa như sau về tinh thần Phạm Huy Thông: Ông là một nhà trí thức uyên bác và tài hoa trên nhiều lĩnh vực, từ thi ca đến luật học, sử học, khảo cổ học, nhưng hình như niềm đam mê suốt đời của ông là lịch sử và chất sử thấm vào ông trên tất cả các sáng tác, nghiên cứu và hoạt động xã hội.

Để ghi nhận những đóng góp của GS. Phạm Huy Thông, Nhà nước ta đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác.

Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về một số công trình nghiên cứu thuộc chuyên ngành khoa học xã hội, trong đó có công trình nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương dựng nước – đề tài mà ông dành khá nhiều tâm huyết.

Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông mất ngày 21/6/1988. Tên của ông đã được đặt cho một đường phố ở Hà Nội gần hồ Ngọc Khánh. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã dựng tượng của ông tại Trung tâm Thông tin thư viện của trường. Tại Hưng Yên, tên của ông cũng được đặt cho một đường phố ở thành phố Hưng Yên và một trường học ở huyện Ân Thi.

Thanh Hà (tổng hợp)

Theo nguồn: http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/pham-huy-thong–nha-tri-thuc-lon-tai-danh-20151201153841648.htm