Hôm nay (13/10) là 33 năm ngày mất nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988). Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 100 năm sinh của người thơ “xứ Đoài mây trắng lắm”. Tôi nhớ lại mười năm trước Hội Nhà Văn Hà Nội đã có một hội thảo nhân 90 năm sinh Quang Dũng mà tôi chọn tiêu đề là “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” và chọn tổ chức vào ngày 11/11/2011 tại 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Hai năm sau (2013) chị Bùi Phương Thảo con gái nhà thơ lại đề nghị Hội phối hợp với gia đình tổ chức cuộc kỷ niệm 65 năm bài thơ “Tây Tiến” (1948) và 25 năm mất Quang Dũng (1988). Tôi nhận lời. Lần này địa điểm tổ chức là tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu nằm trên phố Tây Tiến ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Và thời gian là tháng 10/2013.
Buổi lễ kỷ niệm tưởng nhớ ấy đã diễn ra xúc động. Đặc biệt khi nói về Tây Tiến và Quang Dũng trong không khí Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa mới qua đời nên càng xúc động. Các cựu chiến binh Tây Tiến có mặt đã ôn lại những kỷ niệm về trung đoàn của mình, về người đồng đội của mình đã làm bất tử Tây Tiến bằng bài thơ hào hùng hào hoa. Xong cuộc mọi người đã quây quần bên nhau ăn bữa cơm trưa dân tộc trên ngôi nhà sàn Mường có tuổi đời một thế kỷ. Đáng tiếc (và đáng giận) một thời gian sau cái nhà sàn đó đã bị một đôi trai gái vô ý thức làm cháy khiến một bảo vật văn hóa Mường vĩnh viễn bị mất đi.
Tại buổi lễ, lúc đầu tôi cũng chỉ định là mình với tư cách Chủ tịch HNVHN đứng ra chủ trì, điều khiển cuộc lễ đó, phát biểu miệng chứ không viết bài để đọc, vì trong chương trình đã có sẵn các bài và ý kiến của một số người. Nhưng trước hôm lên Hòa Bình vài ngày tự nhiên tôi có cảm xúc thôi thúc phải viết một bài đọc trong buổi lễ đó. Thế là bài “Những mùa xanh Quang Dũng” được viết ra khá nhanh. Và đó cũng là tên buổi lễ. Hai chữ “mùa xanh” là của nhà thơ trong câu thơ “Ta mãi là mùa xanh xưa”. Tôi muốn nói đến một khía cạnh khác trong tâm hồn thi nhân của Quang Dũng, ngoài cảm hứng chiến trận. Nhưng trong một dịp đặc biệt có một không hai là kỷ niệm ngày ra đời của một bài thơ thì cố nhiên “Tây Tiến” thơ phải được vinh danh. Và đây là đoạn tôi viết về bài thơ “Tây Tiến” trong bài đọc của mình hôm đó, xin đưa lại hôm nay tưởng nhớ nhà thơ Quang Dũng.)
*
“Từ đó đột khởi một đỉnh núi Tây Tiến trong thơ hiện đại Việt Nam mà mỗi câu chữ, mỗi dòng thơ vừa hằn vết chân hành quân vừa vút tiếng ca quân hành. Tây Tiến là một trung đoàn quân đội. Tây Tiến là một hướng đi quân sự. Tây Tiến là một tượng đài thi ca. Đúng cả. Nhưng trên hết và trước hết Tây Tiến là lịch sử. Lịch sử của một đoàn quân. Lịch sử của một cuộc chiến tranh. Lịch sử của một thế hệ. Lịch sử của một dân tộc. Và lịch sử của một con người, một nhà thơ. Không có Quang Dũng, Tây Tiến chỉ là Tây Tiến đơn thuần của một sự kiện lịch sử quân sự. Có Quang Dũng và bài thơ mang tên này của ông, Tây Tiến trở thành lịch sử của tâm hồn, của văn hóa, của tinh thần một giống nòi. Tây Tiến thơ đã cấp sức sống cho địa dư sông núi chiến trận, đã biến Tây Tiến đoàn quân thành bất tử.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…
Thơ ca có một sức mạnh thiêng liêng kỳ lạ như thế: hữu danh hóa cái vô danh, vĩnh cửu hóa cái nhất thời. May mắn lắm mới có được nhà thơ chạm tới sức mạnh ấy. Quang Dũng đã có được may mắn đó. Và chúng ta may mắn có được Quang Dũng và Tây Tiến, cả ngoài đời và trong thơ.”
Hà Nội 13.10.2021
Phạm Xuân Nguyên