Những dòng viết cuối cùng của Nguyễn Minh Châu

  1. Đôi khi tôi thường nghe anh em bạn bè trong nghề văn nói con người ta vẫn rất khó thay đổi. Nghiệm về mình tôi cũng thấy như thế, thậm chí tôi còn nghĩ một cách có phần bi quan: Con người từ khi lọt lòng đã được nhận một thứ mã số về tính cách và cũng như con dấu đóng vào từng số phận riêng tư, cứ thế mà mang lấy cho đến hết đời.

Từ lúc tôi còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng dút dát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui lọt được vào lỗ. Tôi rất sợ máy mi-crô. Một lần ở thư viện của một thành phố, người ta cứ nằng nặc bắt tôi nói trước máy để cả đám đông của hội trường có thể nghe. Vừa nói được vài câu qua máy, tôi đã mất bình tĩnh vì vừa nói tôi vừa nghe cái tiếng nói của mình và tự nhiên tôi phát hoảng: không còn là tiếng nói hàng ngày của mình nữa mà y như có gì đang nhại mình bằng một thứ giọng ma quỷ. Đấy là cái lần đau xót, tôi cạch cái máy mi-crô từ đó. Một lần khác người ta lôi tôi lên nói chuyện với học sinh ở một trường đại học hoặc cấp ba nào đó, nhìn xuống thấy 2/3 là nữ và họ cứ ào ào. Tôi nói đến nửa chừng thì biết là người ta không nghe mình. Lại một chuyện gãy khác. Tôi không có khả năng làm say mê hoặc chinh phục đám đông bằng sự lợi khẩu, nhưng ngồi dăm bảy anh em am tường về nghề thì tôi cũng biết ăn nói gãy gọn, thậm chí tôi còn giữ được chủ động trong khi trò chuyện.

  1. Thật tình tôi không nhiệt tình lôi kéo bất kỳ ai, thuyết phục bất kỳ ai về một vấn đề gì mà mình vốn hằng tin. Hãy để cho mọi người tự đi tìm lấy, lẽ phải trái cũng như chân lý và đức tin. Thật ra nói như thế thì cũng không phải hoàn toàn thật thà. Đứng về mặt nghề nghiệp, có một người viết văn nào, trong những điều viết ra lại không truyền đạt một cái gì? Nhưng sự truyền đạt đó chỉ như là giữa đám đông, ai thính tai, tinh ý thì nghe được, không thì thôi, chứ không phải một kẻ nhảy lên bục để diễn thuyết bằng những lời hùng hồn đầy vẻ dày đời. Nhưng dạy đời thì cũng được chứ có sao? Đời độ lượng với người cầm bút lắm. Miễn những điều anh đem ra dạy mới mẻ, mới lạ, là những sự thật bị khuất lấp, làm cho người ta như vừa nhìn thấy một chân trời mới lâu nay nằm khuất lấp sau sương mù mà người ta không nhìn thấy. Chỉ sợ nhất một điều: cái điều anh đem ra trình bày bằng giọng dạy đời lại cũ kỹ hoặc một sự lặp lại vô cùng vô duyên những điều anh đã nói đi nói lại nhiều lần mà anh lại tưởng nó là mới lạ.
  2. Nghề văn nó có cái cắc cớ thế đấy: Trên một trang viết bao giờ cũng thấy xảy ra đồng thời hai hướng trái ngược: là tác giả, anh vừa muốn giấu mình đi lại vừa muốn bộc lộ mình ra. Đây là nói những người viết truyện, còn những người viết tùy bút thì chỉ làm một công việc bộc bạch chứ có gì mà phải giấu mình. Nói trộm ở đây, với những người viết tùy bút, dù tài ba đến đâu, bao giờ tôi cũng thấy y như một kẻ mắc chứng ỉa té re. Tôi trọng cái tài của những nhà văn vấn đề gì rồi cũng tìm được cách khuôn vào một cái cốt truyện độc đáo, đến là gọn ghẽ, lại chặt chẽ mà lại rất tự nhiên như đời sống (nhất là lại bỏ vào đó được một vài nhân vật để thiên hạ đều nhớ càng hay). Nước ta có Vũ Trọng Phụng rất có cái tài này.

Tạo ra một cái cốt truyện thật đẹp, thật độc đáo nghĩa là có tài đóng một chiếc thuyền có thể chở khẳm mọi ý đồ của câu chuyện mà không cần thêm một lời thuyết ký, triết lý nào. Nhiều nhà văn có khả năng này một cách lạ lắm. Đấy là khả năng hội tụ tất cả những ấn tượng, những kinh nghiệm đã từng kinh lịch, chúng như những thanh củi khô nõ chỉ một phút đã đốt lên được ngọn lửa sáng tạo.

Có một thời gian rất lâu, cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ văn học là nghệ thuật của ngụy biện. Nhưng tôi tin vào lương tri của truyền thống văn học và lương tri của các nhà văn. Dù văn chương có ma lực đến thế nào cũng không thể biến sự trái thành lẽ phải và ngược lại.

  1. Những câu chuyện tôi viết phần nhiều được nghĩ ra trên yên xe đạp. Mà tôi hay đạp xe lòng vòng, lắm lúc chẳng biết đang đi ở đâu, phố nào – ở Hà Nội lâu nhưng tôi vẫn chưa thuộc hết các phố. Sống hàng chục năm tôi vẫn xa lạ với Hà Nội. Có một hồi tôi đã định viết một bài bút ký về các phố Hà Nội với cái tên Lạc giữa người. Viết, nói chung tôi hay bịa nhưng cam đam không có điều gì tôi đã dối trá với người đọc, Mà dối trá thế nào được? Vả chăng trong khi viết tôi rất nhất nghĩ đến người đọc mà chỉ nghĩ đến một điều gần như duy nhất: Sự toàn bích của một đoạn, một chương. Tôi đuổi theo trong lặng lẽ, mình biết với mình, một cái thích thú: viết cho hay. Tôi trộm nghĩ: nếu không có cái ý hướng này trong khi viết với tất cả sự thích thú đầy âm thầm thì anh có thể là cái gì chứ không phải nhà văn. Vì thế một tác phẩm văn học hay bao giờ cũng có một cái phần nào đó như là bí ẩn, anh chỉ cảm thấy nó hay mà không thể giải thích nổi.

Cũng như mỗi nhà văn có tài bao giờ cũng có cái gì như một lão phù thủy, có khả năng cứ  vài ba câu lại có một chữ dùng được phù phép, y như có một con ma nằm trong cái chữ ấy. Đấy là tài dùng chữ mà nhà văn đích thực nào dù ít dù nhiều đều có.

Nhà văn theo đuổi cái toàn bích, nhưng bao giờ đạt được tới đó? Cho nên anh cứ đuổi theo, đuổi theo trong vô vọng mãi mãi, tác phẩm này viết xong lại đến tác phẩm khác, anh sẽ luôn luôn thất vọng, cuốn sách này thất vọng nhiều, cuốn sách kia thất vọng ít. Không bao giờ anh đi được đến cái đích là sự toàn bích, sự toàn vẹn của nghệ thuật. Thế mà anh vẫn không nản, suốt đời không nản. Người ta nói: đời viết văn là đời một kẻ lữ hành đầy nhọc nhẫn, suốt đời theo đuổi ảo ảnh, một phần là có nghĩa như thế chăng?

Trong tư chất của người nghệ sĩ có cái chất thật chả khác nào trong quả sấu có chất chua chát, như một điều thiên phú. Có nhà văn viết hàng mấy chục quyển sách, người ta đọc thấy nó giả, cuốn nào cũng vậy, mặc dầu có thể ở ngoài đời họ sống tốt hơn các nhà nghệ sĩ, thậm chí thật thà hơn các nhà nghệ sĩ.

Cái chất thật của những điều người nghệ sĩ viết ra, nó chính là cái thiết yếu, cái cốt lõi của lòng người cùng sự đời – hoặc nếu được phép nói nôm na: nó là cái củ tỷ của đời sống, mà chỉ những nghệ sĩ đích thực mới nắm bắt được.

Tôi không bao giờ nghĩ những điều tôi nghĩ ngợi về văn học là đúng hết cả. Thực thế, từ đã lâu tôi mang quan niệm rằng từ khi có loài người thì từ trong cuộc sống của xã hội loài người đã có tình yêu thương cũng như sự ghen ghét hằn thù, hãm hại, chém giết lẫn nhau v.v. Và từ đó đã xuất hiện những luật sống hay luật đời giữa  người và người. Cái luật đời ấy vừa mang tính người vừa chứa đựng tính sinh vật và cả những cái gì chung nhất của vũ trụ mà chúng ta chưa hiểu biết hết.

Cho nên nhà văn thời nào cũng vậy, chẳng qua là những tài năng thấu hiểu được các luật sống muôn thuở và bất biến của nhân loại nhưng anh khéo léo đem câu chuyện của đương thời mà thể hiện ra, mà chứng minh cho cái luật đời muôn thuở.

Lịch sử loài người đi đúng một bước thì đi sai hai bước.  Loài người như một thứ sâu đo bị chọc mù hai mắt và cố bò quệnh quạng. Nói rằng quần chúng làm ra lịch sử, thực tế quần chúng chỉ là cái đám hằng hà người đông như kiến cùng ngồi trên một đoàn tàu hỏa và đang cùng nhau vỗ tay hát vang, còn con tàu thì đã có đường sắt nằm dưới đang hướng dẫn, chỉ có người bẽ, lái tàu là hiểu được đoàn tàu đang chạy yên lành hay một tai họa đang đón chờ nó phía trước mặt? Cũng chính vì thế mà nhà văn rất cần thiết phải có mặt ở trên đời, để làm công việc cảnh tỉnh nhân loại và báo hiệu trước những tai họa.

Và lại cuộc sống trên trái đất này thời nào và ở đâu cũng đầy rẫy oan khiên, oan khuất, cái ác bao giờ cũng mạnh mẽ và lẫm liệt, đầy mưu ma chước quỷ, còn cái thiện thì ngu ngơ và ngây thơ, lại thường cả tin.

Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại trên đời để bênh vực cho những con người không còn ai để bênh vực.

Cho nên sợ nhất ở một nhà văn là cái chất máu cá, cái thái độ lãnh đạm, dửng dưng trước mọi việc. Tôi thấy trong nhật ký của tôi có ghi một câu:

Là những nhà văn hiền lành vô sự, chỉ biết ca ngợi, cả đời chúng ta không làm hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái tội lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp đảm trước cái xấu và cái ác, nhất là khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực. Và lâu dần, dường như chúng ta coi như không có nó – cuộc đời không có cái xấu và cái  ác đang chi phối sinh mạng con người…

16-11-1988

Ngô Thảo

Đầu đề do báo Văn nghệ đặt

Tạp chí Văn nghệ quân đội số 4- 1989 in lại sau khi tác giả mất đặt tên:

Ngồi buồn viết mà chơi. Nhà văn gửi tôi giữ bản gốc.