Những câu chuyện nhỏ về một nhà văn lớn Nguyên Hồng

Nhiều năm được sống và làm việc cùng nhà văn Nguyên Hồng ở Hội Văn nghệ Hà Bắc, tôi tận thấy cuộc sống đời thường mộc mạc, chân tình, giản dị; sự lao động nghệ thuật sáng tạo không ngừng nghỉ của ông. Xin ghi lại những câu chuyện nhỏ về một nhà văn lớn.

Kem trang điểm ở… sau vườn

Cuối năm 1972, bố mẹ tôi ở Bắc Ninh, qua nhà văn Đỗ Chu, có mời nhà văn Nguyên Hồng, lúc đó đang thăm người con dâu dạy học ở trường cấp III Hàn Thuyên đến dự bữa cơm thân mật với gia đình. Tính ông vốn ngại những cuộc tiếp xúc như thế, nhất là những gia đình ông ít có quan hệ, nhưng nể anh Đỗ Chu, ông đành nhận lời. Không hiểu sao câu chuyện trong bữa cơm lại hướng sang chuyện trang điểm của phụ nữ. Nhà văn Nguyên Hồng có kể về “kem bôi mặt” qua kinh nghiệm dân gian: “Các cụ bà ngày xưa lúc xuân sắc cũng hay làm “đỏm” lắm nhé! Cách làm đỏm có khác bây giờ”.

Kem bôi mặt chỉ có mịn và “tôn” màu da lên thôi, chứ không như thứ kem chế bằng hóa chất, bôi nhiều làm da mặt sạm đi. Ông trầm ngâm một lúc rồi chỉ ra phía sau vườn: “Đơn giản thế này thôi! Các cụ bà giã nhỏ củ đậu ra rồi hòa với lòng trắng trứng gà dùng làm kem bôi mặt. Thật tuyệt! kem vừa giữ cho da mặt được mịn, vừa xoá đi cảm giác không thật của kem hóa chất”. Chỉ một “chi tiết” ấy, tôi ngẫm thấy nhà văn Nguyên Hồng phải sống đằm với đời sống dân dã như thế nào mới có được những nhận xét tinh tế như thế.

Nhà văn Nguyên Hồng. (1918–1982)

Suýt oan vì quả mít!

Bà hàng xóm đang băm rau, thấy có tiếng gọi te tái chạy sang vườn nhà văn Nguyên Hồng. Con lợn thở hộc lên rồi im bặt, máu me đầm đìa. “Thôi chết tôi rồi, Cả nhà có con lợn, vốn liếng trông cả vào nó. Cái ông nhà văn lầm lì, thế mà thâm. Phen này thì…”.

Bà hàng xóm rẽ sang phía chái nhà, băn khoăn: “Sao lại im ắng thế này. Nghe rõ cả tiếng thở đều của giấc ngủ trưa, không có ai thức cả…”.

Bực quá, bà hàng xóm lại chạy ra chỗ con lợn, băn khoăn: “Ờ sao lại có quả mít nằm lăn lóc ở góc vườn. Thế này có hại tôi không, quả mít bị tụt nõ rơi trúng con lợn xấu số kia. Oái oăm thế. Cái cuống còn lủng lẳng trên cành cao, nhựa rỏ xuống ròng ròng. Suýt nữa thì oan cho ông già nhà văn tốt bụng ngồi viết suốt ngày.

Bà hàng xóm lặng lẽ rút về nhà và sai con sang khiêng con lợn về.

“Gần mũi xa mồm”

Có một lần nhà văn Nguyên Hồng và tôi đi qua chợ Bắc Ninh. Giữa tiếng chí chát chặt thịt của dao thớt, giữa mùi thơm xào nấu thức ăn ngào ngạt của mấy quán ăn hàng chợ, chợt nghe thấy có tiếng cất lên the thé của một bà ngồi ở quầy hàng vải: “Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào xào nấu món gì thơm thế! Gần mũi xa mồm thế này chỉ làm khổ cái dạ dày và làm ruột gan rối tinh rối mù lên thôi”. Đang đi, mắt nhà văn Nguyên Hồng chợt sáng lên. Ông vội ngồi thụp xuống bên hè phố, lấy cuốn sổ tay nhỏ sờn cả mép giấy ghi vội ghi vàng như sợ nó biến mất.

Sau đó lúc đi dọc đường, Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cho tôi cái “thần” của câu nói đó: “Cái con mẹ ấy khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ được ngửi, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không thể có cách nói nào hơn được đâu!”.

Thế mới biết, mỗi chi tiết trong đời sống dù nhỏ đến đâu đối với người viết đều là những hạt vàng quý giá.

Nhà văn Nguyên Hồng với việc học của con

Nhà văn Nguyên Hồng rất chú trọng đến việc học hành của các con. Ông chẳng nề hà bất cứ việc gì, cốt để dành nhiều thì giờ cho các con ông làm bài, ôn bài đầy đủ trước khi đến lớp. Có một lần, nhà có khách. Khách lấy làm ái ngại khi thấy ông nhễ nhại mồ hôi chạy ra chạy vào khuân củi vào bếp, mặt mũi đỏ bừng, quần áo dính đầy bồ hóng… Trong khi ấy, mấy đứa con ông mỗi đứa một góc chăm chú đọc sách, như không hề thấy cảnh ông tất bật gần đấy. Khi nghe khách nhắc ông về việc này. Nguyên Hồng chỉ tủm tủm cười, vuốt nhẹ mấy sợi râu lưa thưa: “Chả giấu gì bác, hồi nhỏ tôi học hành cũng chịu nhiều thiệt thòi. Bây giờ, mình cứ cố được việc gì quý việc ấy. Rảnh ra cho các cháu nó học. Đừng để phân tán việc học hành của bọn trẻ, sau này mình hối cũng không kịp nữa đâu”.

Và có lẽ chẳng thiếu lần nào của các kỳ thi cuối cấp hoặc thi vào đại học, nhà văn Nguyên Hồng cũng đưa bằng được các con lên tận nơi dự thi.

Ông ấy là… nhà văn ư?

Mấy hôm nay, thầy giáo Mai có bạn dạy học ở trường Đại học Sư phạm Việt Bắc về chơi. Hai người đang ngồi nói chuyện thì thấy có một người dáng thấp bé cởi trần, râu lưa thưa, quần ống cao ống thấp đang đi ngoài sân. Thấy trong nhà có khách, ông già vội rẽ sang phía dốc rồi về nhà mình. Thầy Mai nói với bạn: “Nhà văn Nguyên Hồng về ở và sáng tác ở ấp này đó!”. Ông khách cãi lại: “Anh trông nhầm thế nào ấy chứ. Tôi đã đọc văn Nguyên Hồng nhiều rồi. Tôi hình dung nhà văn khác cơ. Người viết văn sao lại ăn mặc quá tuềnh toàng vậy. Chắc lại có một lão nông xuống mượn anh cái gì đó thôi”. Biết không thể thuyết phục được bạn, thầy Mai đành im lặng.

Một lát sau, nhà văn Nguyên Hồng tươm tất trong bộ quần áo nâu bạc đi xuống nhà. Thầy Mai lại giới thiệu với ông bạn: “Nhà văn Nguyên Hồng, bạn hàng xóm của tôi đấy! Nguyên Hồng xin lỗi khách và trao đổi với thầy Mai vài việc riêng. Xong ông đứng dậy, chắp tay trước ngực nói: “Xin phép hai thầy, vì mắc chút việc, tôi về…”.

Ông khách thực sự ngạc nhiên. Một nhà văn lớn như vậy sao lại giản dị đến không thể tưởng tượng nổi.

Tình huống khó xử

Hôm ấy, Nguyên Hồng xách nước đi từ dưới suối lên. Bỗng ông nghe ngoài ngõ xôn xao tiếng người cười nói. Chiếc xe Com-măng-ca đỗ xịch dưới chân đồi. Mấy người khách da trắng cao lớn, ngực đeo máy ảnh bước vào. Thì ra khách nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam từ Hà Nội lên thăm.

Mấy ngày nay, vợ ông xuống huyện chăm sóc cô con dâu vừa ở cữ. Chợ xa, khách lại lên đột xuất. Thật bí, ông bảo cô con gái út làm thịt con ngan đang ấp và “ốp lết” một chục quả trứng gà để tiếp khách. Đồng chí phiên dịch can ông: “- Bác không lo, chúng tôi đã mang đồ nguội lên”. Khách bày thức ăn chật chiếc chiếu trải giữa nhà. Suốt buổi, chủ khách hàn huyên đủ chuyện. Tuy vậy, Nguyên Hồng vẫn đứng ngồi không yên. Nhìn dáng điệu lúng túng của ông, ai tinh ý sẽ nhận ra tình thế khó xử của ông. Khách đã gỡ cho ông thế bí khi lên thăm nhà, riêng ông vẫn băn khoăn vì chưa chuẩn bị được chu đáo để đáp lại sự thịnh tình của khách từ xa lại.

Nói thế nào cũng không chịu nghe

Hồi chống Mỹ cứu nước, trước mỗi lần đi công tác nước ngoài, Nguyên Hồng được chuẩn bị cho một bộ com-lê và vài thứ đồ dùng cá nhân khác. Một lần, nhà văn sau khi hoàn thành chuyến đi công tác Liên Xô về, các đồng chí bên Bộ Tài chính có nhã ý biếu ông bộ com-lê để ông thỉnh thoảng tiếp khách nước ngoài lên thăm nhà. Nguyên Hồng nói “thẳng thừng” với các đồng chí ấy một cách chân tình: “Tôi xin gửi lại bộ com-lê này để các đồng chí đi công tác nước ngoài những đợt sau còn dùng. Tôi ở vùng đất đỏ trung du bụi lầm, ít có dịp mặc. Vả lại, các cháu tôi suốt ngày quấn quýt ông. Nó bẩn, nó rách thì phí đi”.

Nói đoạn, nhà văn Nguyên Hồng vào thay bộ quần áo nâu bạc xuềnh xoàng, xếp gọn ghẽ bộ com-lê, trao lại, rồi đòi về ấp Cầu Đen – Tân Yên (Hà Bắc – nay là tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang), mặc dù các đồng chí ấy nói thế nào ông cũng không chịu nghe.

Về một vế đối

Nhà văn Nguyên Hồng đang ngồi dự họp ở Ty Văn hóa Vĩnh Phú thì có người đến đưa cho ông một mảnh giấy. Ông giở ra đọc. Thì ra, anh cán bộ văn hóa nọ biết nhà văn đang viết bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế liền ra một vế đối: “Buổi sáng lên núi Sáng, trông hoa vàng lại nhớ Hoàng Hoa”.

Vế đối này khá hóc hiểm, vừa gợi thời gian và không gian Buổi sáng – núi Sáng vừa gợi tên hoa, tên người hoa vàng – hoàng hoa, lại mở ra địa danh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế hoạt động ở vùng núi Sáng (Vĩnh Phú, nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) trong nỗi hoài vọng mênh mang. Người ra vế đối đã khó, nhưng đối lại càng khó hơn. Xong buổi họp, Nguyên Hồng đến xin khất một dịp khác đối lại.

Sau đó, tình cờ một buổi chiều muộn, ông đạp xe qua Phồn Xương, bốn phía sương giăng mông lung. Tâm trí ông rưng rưng trước cảnh sắc núi rừng. Vế đối nảy ra trong óc. Nhà văn Nguyên Hồng vội về viết thư ngay cho anh cán bộ văn hóa nọ trong đó có vế đối: “Đêm xương đến Phồn Xương, ngẫm sự thế càng yêu Yên Thế”.

Vế đối này rất chỉnh về đối ý, khá chỉnh về đối lời nhưng quan trọng hơn là đã ký thác được nỗi niềm tâm sự của ông đối với con người và mảnh đất Yên Thế.

“Lộc” của nhà văn

Những ngày sửa bản đánh máy cuốn tiểu thuyết “Thù nhà nợ nước” ở cơ quan Hội Văn nghệ Hà Bắc, nhà văn Nguyên Hồng sống rất chan hòa với anh em (thứ giản dị đã trở thành cố hữu của ông). Một vài anh em làm văn, viết thơ trẻ chúng tôi đang ngồi trong phòng uống nước suông thì nhà văn Nguyên Hồng ùa vào kéo chúng tôi đi. Tôi cũng không kịp định thần thì ông nói hổn hển: – Hôm nay, bố có tiền, ta sẽ khao các cậu một chầu bánh mì pa-tê “thả phanh”. Cái ông Nguyễn Tuân có hồi mệnh danh cho bố là “Quái kiệt” Nguyên Hồng. Bây giờ về Hà Bắc lại có thêm các “Tiểu yêu”. “Quái kiệt” Nguyên Hồng xin mời các “Tiểu yêu” thẳng ra… chợ Thương.

Hôm đó, chúng tôi được ông khao một chầu bánh thật no và kháo nhau đó là “lộc” của nhà văn Nguyên Hồng.

Tìm đâu cũng không thấy nữa

Nhà văn Nguyên Hồng rất yêu hoạt động, trong các môn thể thao, ông rất mê môn bóng đá. Hồi trẻ, ông đã từng giữ chân cầu thủ trong nhiều năm. Cậu con trai nhà văn có kể lại một chuyện về người cha thân yêu của mình – Hồi sinh thời, Nguyên Hồng có đưa cậu đi xem trận bóng đá ở sân Hàng Đẫy, Hà Nội. Hình như là đội Cảng Hải Phòng gặp đội Công an Hà Nội. Suốt buổi xem ông cổ động rất hăng hái, hò hét, tay chân vung lên, thậm chí nói cười… đến chảy nước mắt. Có điều, ông rất ít chú trọng đến kỹ thuật bóng đá, mà thiên về nhận xét tính cách của cầu thủ: “Thằng hậu vệ này “hỗn” quá, cản bóng không được, cứ giò người ta mà nện. Đến nước ấy chỉ có thể tống cổ ra khỏi bãi mới yên được”. Một pha bắt bóng của thủ thành ở cạnh “góc chết” khi chịu quả phạt đền, ông reo lên như con trẻ: “Chà, một pha tuyệt đẹp. Nghệ thuật cũng chỉ đến thế là cùng!”

Xong buổi bóng đá, Nguyên Hồng kéo cậu con trai xuống bãi, bắt tay từng cầu thủ. Riêng thủ thành, không những ông bắt tay mà còn ôm hôn hồi lâu cảm động. “Tuyệt quá! Hay quá! Thỏa quá!… Đội này hôm nay thua trắng rốn rồi còn gì”. Mọi người còn đang ngơ ngác vì một cổ động viên quá nhiệt tình và hơi kỳ quặc như vậy. Khi hỏi ra biết ông là nhà văn Nguyên Hồng, định kéo ông chụp ảnh chung kỷ niệm với đội thì ông và cậu con trai đã đi tự hồi nào, tìm đâu cũng không thấy nữa.

Câu đùa của tác giả “Bỉ vỏ”

Nhà văn Nguyên Hồng rất hay đùa, khiến bất cứ ai khi tiếp xúc với ông đều cảm thấy gần gũi. Nhân hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai, vào một buổi tối, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam có tổ chức cuộc gặp mặt giữa các thế hệ nhà văn. Không khí tiếp xúc vui vẻ, ấm cúng, bớt trang nghiêm như trên diễn đàn hội nghị. Không hiểu sao có người nói sang chuyện Prômêtê lấy cắp lửa của thần Dớt đem cho loài người, bị xiềng dưới chân núi cho nắng trời thiêu đốt và con diều hâu ban ngày lao xuống móc tim (hình phạt của thần Dớt trong thần thoại Hy Lạp). Ai nấy đắm chìm trong không khí thương cảm thì nghe thấy có tiếng người cất lên oang oang: “Cẩn thận. Con diều hâu có móc tim đâu mà nó “móc tiền” đấy!”.

Mọi người sửng sốt nhìn ra sân. Hoá ra, cái dáng người thấp bé, chòm râu vểnh ngược, ôm khư khư cái cặp da cũ sờn đang đi vào là nhà văn Nguyên Hồng, tác giả của cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ nổi tiếng. Tất cả được mẻ cười rộ lên vui vẻ.

“Lao động”… lưỡi

Nhà văn Nguyên Hồng rất ghét những kẻ cơ hội, bợ đỡ và vụ lợi, những kẻ không sống bằng lao động của chính mình. Ông thường nói với anh em viết trẻ chúng tôi khi ấy: “Trên đời có hai loại lao động: lao động trí óc và lao động chân tay. Các loại lao động trên là đương nhiên rồi. Không hiểu sao bây giờ lại sinh ra loại người sống bằng “lao động”… lưỡi. Tạo hóa kể cũng lạ thật, cái thứ người này ở đâu cũng có, chẳng có tài cán gì cả, mà ký sinh đủ kiểu len lách, bợ đỡ, nịnh hót, chẳng phải hao tổn máu tim và đổ mồ hôi sôi nước mắt, uốn lưỡi cho dẻo là… là…”. Nguyên Hồng nheo mắt cười cười, cặp mắt sắc nhọn ánh lên tinh nhanh “…là lên như diều. Mà lại sống đàng hoàng hơn những người khác nữa mới lạ chứ!”. Ông lắc đầu. “Đến nước ấy thì khó quá, gay quá, cực nhục quá. Thật chẳng còn ra làm sao nữa!”.

Nguyên Hồng bỏ ra đứng ngoài cửa hồi lâu. Mãi sau mới thấy ông vào lại nhà, vẻ mặt nom cứ đăm chiêu thế nào ấy.

Nhà văn Nguyễn Thanh Kim, tác giả bài viết

Cái tên nhỏ của nhà văn lớn

Cách đây hơn 30 năm họa sĩ vẽ bìa cho cuốn sách đầu trong bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” do Hội Văn nghệ Hà Bắc xuất bản. Khi họa sĩ đem mẫu bìa đến, nhà văn Nguyên Hồng rất cảm động: toàn bộ bìa được bố cục bằng mảng chữ được lặp đi lặp lại, màu sắc nhẹ nhàng, chắc khoẻ. Ông đặt mẫu bìa ngay ngắn trên bàn vừa nói chuyện, vừa ngắm nghía với vẻ hài lòng. Có một chi tiết mà họa sĩ nhớ mãi khi chỉ tên mình trong bìa sách, ông nói nhỏ bằng giọng nói lắp chân tình: “Này… này họa sĩ, trước khi đưa in, cháu nhớ giúp bác bố trí cái chữ này… nho nhỏ lại nhé, để to… bác thấy chướng quá”. Nói xong ông cười. Hôm đó, họa sĩ thấy trong mắt ông có đọng giọt nước mắt vì sung sướng.

Nhuận bút ấy sử dụng sao cho ý nghĩa?

Nhà giáo ưu tú Khuất Chi Mai (nguyên là Hiệu trưởng trường PTCS xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, Hà Bắc) nay là trường PTCS Nguyên Hồng, cho tôi biết: “Hồi sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng có đưa cho thầy số tiền nhuận bút cuốn sách vừa in xong tặng nhà trường mà thầy cứ băn khoăn mãi. Hai người vốn là hàng xóm nên chẳng còn lạ gì gia cảnh của nhau. Nhà văn có ấm trà ngon cũng bảo con mời thầy sang chơi. Khi đi xa về, có chuyện gì nhà văn cũng kể với thầy. Tuy chênh lệch về tuổi đời nhưng Nguyên Hồng coi thầy như bạn tâm giao. Thời gian này, nhà văn rất eo hẹp về kinh tế gia đình – thầy Mai bảo thế – nhà neo bấn, các con đi học xa.

Chẳng hiểu nhuận bút cuốn “Sóng gầm” được bao nhiêu, mà sử dụng số tiền vào nhà trường sao cho có ý nghĩa. Thật khó quá!”. Nghĩ đi nghĩ lại, thầy Mai cất công đạp xe xuống tận xí nghiệp ngói bến Tuần đặt vấn để mua ngói cho nhà trường. Nghe thầy Mai trình bày và khi biết số tiền thầy Mai mang theo là nhuận bút của nhà văn Nguyên Hồng, các đồng chí trong ban giám đốc xí nghiệp đá ưu tiên cho nhà trường mua ngói loại 1, giá cung cấp. Hai phòng học đầu của trường PTCS xã Quang Tiến được lợp ngói. Cảm kích trước tấm lòng của nhà văn Nguyên Hồng, cán bộ và nhân dân xã Quang Tiến đã ngói hóa toàn bộ các lớp học của nhà trường chỉ sau một thời gian ngắn.

Ước nguyện chưa thành

Nam Bộ là nỗi day dứt trong tâm khảm nhà văn Nguyên Hồng, chả thế ông đã từng viết bài thơ “Cửu Long giang ta ơi” với bao nhiêu hoài vọng nung nấu. Sau năm 1975, bạn bè thường nhắc ông nên đi Nam Bộ khi nước nhà đã thống nhất. Nguyên Hồng cứ cười khà khà: “Ừ, cũng phải đi một chuyến chứ. Nhưng bận quá, tiểu thuyết về quan Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế chưa “tha” mình, khổ thế; xong bộ ba này thì quyết đi thôi, không thể nấn ná mãi được”. Và ông ở liền trên ấp Cầu Đen, tắm mình trong không khí sử thi không dứt ra được, có khi cả tháng cũng không về cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Và Nguyên Hồng đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất ngổn ngang những dự định chưa thành, tận dâng, tận hiến cho sứ mệnh nghệ thuật – đó là lẽ sống suốt đời ông.

Có lẽ lúc sinh thời, Nguyên Hồng cũng không ngờ rằng: Một đường phố ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) được mang tên ông như ghi nhận một đời sáng tạo của nhà văn, mặc dù ông lại chưa một lần đặt chân đến mảnh đất ông từng yêu mến và khát khao đến đó.

NGUYÊN THANH KIM

Theo nguồn: https://vanvn.vn/nhung-cau-chuyen-nho-ve-mot-nha-van-lon-nguyen-hong/