Như một giấc mơ   

    Hà Nội những ngày cuối năm vàng rực trong nắng đầu đông. Ngày chủ nhật vắng, se lạnh, trong những vị khách đến thăm quan Bảo tàng Văn học Việt Nam, có một người đàn bà đứng lặng bên góc trưng bày của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Cán bộ trực hôm ấy định ra giới thiệu như với những vị khách khác khi tham quan Bảo tàng văn học thì người đàn bà này nói ” Chị là người gắn bó với những năm cuối đời bên anh Tạo. Cuối năm, lại sắp tới ngày giỗ anh Tạo, chị lên thăm anh ấy”.

    Chị là Lê Thanh Huyền, sinh ra và lớn lên tại Làng Ngọc Hà, nữ sinh trường Chu Văn An sau là bộ đội thông tin và giờ đã nghỉ hưu. Trong chị, dù  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã rong chơi phương khác, nhưng tình yêu và cảm xúc dành cho ông luôn tràn đầy. Và, chị viết “Như một giấc mơ” gửi tặng Bảo tàng Văn học Việt Nam và chúng ta thêm biết những câu chuyện dung dị nhưng ý nghĩa của Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

    Trân trọng cảm ơn chị Lê Thanh Huyền và xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của chị!

     Sáu mươi năm cuộc đời của mỗi con người trôi qua thật nhanh. Vèo một cái mình đã ở những chặng cuối. Trên con đường đời đó mình tình cờ và may mắn được đi một quãng gần 10 năm với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

      Lần đầu gặp Nguyễn Trọng Tạo, mình không biết ông là nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng, chỉ đơn giản thấy vui vui, thú vị. Lúc đó trong đầu  mình cứ nghĩ vu vơ  “Ông này đúng là hay thật”. Có lẽ nhờ sự tình cờ đó mà mình nhìn nhận Nguyễn Trọng Tạo một cách khách quan, thực tế chứ không phóng đại con người ông qua lăng kính của sự nổi tiếng.

      Mọi người hay nói Nguyễn Trọng Tạo là “người ham chơi, phóng túng, lang bang…”. Đúng là như vậy. Nhưng cái đúng đấy chỉ là phần nổi ra ngoài, còn thật sự mục đích lớn hơn đó chính là những nơi ông muốn trải nghiệm để tìm cảm xúc cho việc sáng tác của bản thân. Ông rất khắt khe với các tác phẩm của mình và thực sự trân trọng, đánh giá cao công việc sáng tác của các văn nghệ sĩ. Đối với ông, sáng tác là một trong những việc khó khăn nhất trên thế giới. Có lần một tay Tổng giám đốc đã bị ông xạc cho một trận, mặt đần ra mà không hiểu tại sao. Hôm đấy, trong cuộc nhậu do chính vị Tổng giám đốc này tổ chức mời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Giữa chừng có điện thoại gọi, vị này liền đến bên Nguyễn Trọng Tạo chìa ra một tập bản thảo giọng có vẻ nghiệm trọng: “Xin phép anh em về trước. Anh xem em vừa phải viết bài để đọc trước hội nghị…Đấy em còn phải làm cả nhà văn nữa chứ có phải thường đâu. Cậu nghĩ làm nhà văn mà dễ như thế à. Cái văn học sinh vớ vẩn như này mà đòi là nhà văn sao? Đặt mạnh đôi đũa xuống bàn Nguyễn Trọng Tạo đứng dậy luôn. Tôi không nhậu nữa. Tôi về. Đúng là ngu hết chỗ nói”. Mọi người há mồm ngạc nhiên . Còn vị tổng giám đốc ngẩn tò te chả hiểu tại làm sao lại như vậy.

    Lại một lần khác. Một vị vụ trưởng mời cơm Nguyễn Trọng Tạo. Đang ăn vị này nhận được một cuộc điện thoại. Nghe xong điện thoại vị ấy quay sang khoe luôn với Nguyễn Trọng Tạo: “Em vừa được nhà thơ ở Sài Gòn tặng sách”. “Thế cậu có gửi trả tiền người ta không?”. “Không! Họ tặng mà. Sao phải trả”.

    Nghe tới đấy Nguyễn Trọng Tạo đứng phắt dậy, dằn mạnh cốc xuống bàn: “Không uống nữa. Về. Ngu không chịu nổi”. Vị vụ trưởng bị bất ngờ mặt nghệt ra. Mình vội vàng chạy theo. Nguyễn Trọng Tạo vừa đi vừa nói : “Làm đến cỡ vụ mà không hiểu gì. Người ta làm thơ vất vả in được sách khó khăn như thế, được tặng sách lại không trả tiền. Sao mà ngu thế”.

    Mình chứng kiến nhiều vụ tương tự như vậy. Vài lần Nguyễn Trọng Tạo tức mình còn ném cả cốc bia vào tường vỡ tan tành. Có người nói Nguyễn Trọng Tạo cực đoan, khi say là hay quậy phá. Không đúng. Nguyễn Trọng Tạo không hề cực đoan.  Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Chỉ là khi say ông sống thật hơn, thẳng thắn hơn không cần che đậy.

     Một lần mình hỏi: “Thế trước đây mỗi lần anh như vậy vợ cũ chị ấy có nói gì không?”. “Không! Bà ấy ủng hộ anh, vì anh đúng mà”. Mình cũng thấy vậy, luôn tin trong những trường hợp như vậy Nguyễn Trọng Tạo ứng xử không có gì sai.

     Nguyễn Trọng Tạo là người quảng giao. Ông rất nhiều bạn bè, mà bạn bè rất nhiều thành phần, nhiều tầng lớp.

     Khách khứa mình tiếp suốt ngày và trở thành người hoàn toàn khác trước. Nguyễn Trọng Tạo, bạn bè và môi trường của ông đã ảnh hưởng tích cực tới tư duy của mình. Sống với ông tuy rất bận bịu, vất vả nhưng mình thấy vui và học hỏi được nhiều.

     Có lần khách tới nhà, ông Tạo đi vắng. Như mọi khi mình nói chuyện luyên thuyên với khách. Một lúc sau ông về nhìn thấy liền nói: “Đây là giáo sư nổi tiếng ở Mỹ, em có biết gì không mà nói?”.Mình lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Nguyễn Trọng Tạo nói tiếp “Không sao, em nói chuyện được với anh thì nói chuyện được với tất cả mọi người”.

     Ngẫm lại, ảnh hưởng của ông đối với mình rất mạnh, mình tự tin hơn và nhờ đó cũng khám phá ra bản thân có nhiều khả năng mà trước đây không hề biết. Vừa rồi trong một sự kiện mình có nói chuyện phiếm với một chị giáo sư về hội họa. Chị giáo sư hỏi: “Em làm nghề gì vậy? Học trường nào thế?” Mình trả lời: “Em nghỉ hưu lâu rồi chị ạ”. “Vậy à! Là tại chị thấy em nói hay quá”. Mình mới đùa rằng: “Em tốt nghiệp gần chục năm trường tổng hợp Nguyễn Trọng Tạo đấy chị”. Nghe thế chị ấy nhìn mình gật đầu, ra chiều đồng ý.

      Nói như vậy để thấy rằng mình đã học được rất nhiều điều ở nhiều lĩnh vực trong thời gian chung sống với nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Giữa mình và Nguyễn Trọng Tạo cũng có nhiều cái bất hòa như những cặp đôi khác. Thời gian trôi qua cái đọng lại mà mình cảm nhận chính là những điều tốt đẹp từ những khoảnh khắc hạnh phúc khi được sống cùng ông.

Chị Lê Thanh Huyền thăm gian trưng bày về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

     Nguyễn Trọng Tạo cũng dí dỏm, nói chuyện hóm hỉnh nhiều khi ông  làm người đối diện phì cười vì câu nói của mình. Hôm đi dự đám tang của người bạn. Lâu ngày không gặp nhau. Thế là mọi người nói cười rôm rả như đi hội .Thấy vậy Trọng Tạo mới thủng thẳng: “Đi đưa đám mà vui như tết. Cứ làm như chỉ có người khác chết, chứ chẳng bao giờ đến lượt mình”. Giọng nói nhấm nhẳng hài hước của ông làm mọi người đều bật cười nhưng nhớ mãi không quên.

     Thôi thì cứ vui đi. Giời gọi đến ai thì người đấy dạ thôi.

     Thế là đã ba năm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo về trời. Gần chục năm chung sống với ông chả khác gì một bộ phim ngôn tình hấp dẫn với nhiều cung bậc tình cảm. Mà thật lạ, mình luôn cảm giác quãng đường gần mười năm đó đang lướt qua tuyệt đẹp như một giấc mơ.

                                                                                                            Lê Thanh Huyền