Nhớ thi sĩ Tế Hanh: Sống chậm, nghĩ nhanh, nói ngắn

Tôi có may mắn, thời nhà thơ Tế Hanh còn khỏe, tuy mắt đã mờ, nhưng hồn ông vẫn trong sáng, ngây thơ như thuở còn trai, tôi chơi thân với ông như một người em cùng quê Quảng Ngãi. Chúng tôi cùng yêu thơ và có sự ngưỡng mộ đặc biệt với thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ Pháp.

Thi sĩ Tế Hanh, từ trẻ tới già

Tế Hanh (1921 – 2009) thời chưa đau mắt nặng, ông rất mê đọc sách. Ông là một trong những nhà thơ Việt Nam đọc và dịch thơ Tây nhiều nhất. Vậy mà giọng thơ Tế Hanh vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên. Và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu.

Uyên bác và thật thà

Có lần, cách đây đã hơn mấy chục năm, trong dịp về Quy Nhơn thời bao cấp, Tế Hanh nói với tôi: “Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp”.

Tôi hỏi ông thích ai trong số những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: “Mình thích Louis Aragon, nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ Aragon trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Paul Éluard. Thơ ông trong veo, nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ René Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phát-xít, nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư phương Đông. Mình thích thơ Saint-John-Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích André Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích…”.

Giọng Tế Hanh khá chậm, những câu nhận xét về thơ của ông khá ngắn gọn, nhưng đầy hình ảnh. Tôi nghe như nuốt từng lời của ông. Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Tôi đã học được ở Tế Hanh, Xuân Diệu, Văn Cao… rất nhiều. Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.

Nếu bạn đã từng gặp Tế Hanh, bạn sẽ cảm nhận rất rõ, sống chậm là như thế nào. Giọng nói của Tế Hanh khá rủ rỉ, đặc chất giọng Quảng Ngãi, nhưng nghe vẫn rõ ràng. Mắt kém, dĩ nhiên mọi cử động của ông đều chậm, nhưng đó là cái chậm có nhịp điệu, một tiết nhịp slow trong âm nhạc. Tế Hanh nói chậm, nhưng qua đoạn nhận xét về những nhà thơ Pháp mà tôi vừa dẫn, thì suy nghĩ của ông nhanh và rất chuẩn, đó là những nhận xét của cá nhân ông, nhưng phù hợp với thơ của từng nhà thơ Pháp lỗi lạc mà ông yêu thích.

Sống chậm là như thế chăng? Nếu sống chậm là thế, tôi cũng rất thích sống chậm. Dù tôi là người nói nhanh, hài hước và nhiều khi hơi bỗ bã. Giọng nói của tôi do xã hội đào luyện, nên tôi thường găm vào giọng nói ấy một nụ cười. Sống chậm như Tế Hanh, thật sự là rất thú vị.

Giữ được nhịp làm thơ như khi làm bếp

Có lần tôi hỏi thi sĩ Ý Nhi, chị sống nhanh hay chậm? Ý Nhi vui vẻ trả lời: “Tôi cũng chẳng biết nữa. Cứ suốt ngày đi chợ, nấu ăn, phục vụ chồng đau ốm”. (PGS Nguyễn Lộc, chồng chị Ý Nhi, đã mấy lần bị đột quỵ…).

Hôm rồi, nhạc sĩ Thế Bảo tới thăm, đúng vào lúc tôi mệt, đi lại quá chậm, chỉ giọng nói còn bình thường, tai nghe vẫn tốt, anh ấy nói: “Bà Ý Nhi chăm ông Nguyễn Lộc chu đáo lắm, vậy mà suốt ngày bận rộn, bà ấy lại khỏe ra”. Hóa ra là vậy. Làm việc nhanh, sống chậm như chị Ý Nhi, vất vả chăm chồng, người lại khỏe ra. Hay thật đấy!

Trong triết lý về sống chậm, hình như người ta quên nói thêm một điều: Sống chậm không có nghĩa là ngồi không. Sống chậm vẫn làm việc hàng ngày, dù tốc độ làm việc của mình, do sức khỏe quy định, có thể không nhanh. Nhưng làm việc đều, tự nhiên mình có cảm giác khỏe, ít nhất là khỏe trong tâm trí. Làm việc đều, sẽ có kết quả tốt, dù là nhà thơ nổi tiếng như chị Ý Nhi, thì việc bếp núc, chăm chồng ở nhà có khác với chuyện làm thơ, nhưng chị đã chăm chú vào mọi việc như nhau, thì khi làm thơ, chị vẫn giữ được nhịp tâm hồn như khi làm bếp. Và các nhà thơ trẻ nên biết, giữ được nhịp làm thơ như khi làm bếp, thì thơ không dở đâu!

Về lý thuyết, thì làm thơ hoặc làm bếp cũng là hoạt động giải tỏa. Nhà thơ Tế Hanh có lần nói với tôi, khi đi ngoài được, giải quyết tạm thời “vấn nạn táo

                                                  Bộ “Tế Hanh toàn tập” gồm 2 tập

bón”, ông đã làm được bài thơ về chuyện này. Thơ thuộc về số phận con người mà, những gì liên quan tới số phận người làm thơ thì đều liên quan tới thơ cả. Khả năng giải tỏa của thơ là rất cao. Ngay Saddam Hussein – “nhà độc tài” khét tiếng theo cáo buộc phương Tây – trước khi bị đặc nhiệm Mỹ bắt và đưa lên giá treo cổ tại một điểm thi hành án bí mật ở thủ đô Baghdad (Iraq), ông còn làm được thơ, dĩ nhiên là thơ về chính số phận của mình. Có thể cả đời ông tổng thống này không hề quan tâm đến thơ, nhưng trước khi chết, ông lại làm thơ. Đủ biết, thơ gắn với số phận con người tới mức độ nào.

Thật khó có nhà thơ Việt Nam nào sống chậm một cách tuyệt đối tới 10 năm như Tế Hanh, khi ông bị đột qụy rất nặng và phải sống thực vật cả 10 năm cuối đời. Tôi từng viết, trong 10 năm ấy, Tế Hanh đã lặng lẽ trò chuyện với dòng sông của đời mình. Nhưng không chỉ khi đột qụy nặng thì ông mới sống chậm, mà từ thời trai trẻ, dù bôn ba nhiều nơi, làm nhiều việc, gặp nhiều người, đọc nhiều, viết nhiều, dịch nhiều… thì tinh thần sống chậm đã thành cốt cách. Và sau khi ông mất, thơ ông vẫn trôi chảy nhẹ nhàng nhưng không ngừng nghỉ trong lòng những người yêu thơ.

Năm 2021, khi một tờ báo mạng đặt tôi bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tế Hanh, thì bài viết của tôi về thơ Tế Hanh nhận được rất nhiều bình luận, trong đó ai cũng viết mình từng thuộc thơ Tế Hanh ở nhiều giai đoạn của cuộc đời, đến nay vẫn còn nhớ. Họ trích thuộc lòng từng đoạn thơ Tế Hanh, khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi đã nói điều này với nhiều người, rằng có quá ít nhà thơ Việt Nam đương đại nhận được lòng yêu mến thơ mình như Tế Hanh, một người sống chậm, nghĩ nhanh, nói ngắn và ít nói như ông.

***

“Một người tinh lắm”

Trong Thi nhân Việt Nam (năm 1942) Hoài Thanh – Hoài Chân viết: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi…”.

Tế Hanh qua đời vào ngày 16.7.2009 tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh xuất huyết não.

***

Một làng thương nhớ

 

Làng ấy, buồn ủ rũ một bên sông

Hồn thương nhớ đắm chìm trong dĩ vãng

Thuở phong lưu, sắc đời đầy tươi sáng

Tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn

Dưới trời xanh, soi biếc cả tâm hồn

Dâu tăm tắp từ đồng ra đến bãi

Đi hái lá, buổi chiều về cô gái

Vẳng lời ca ân ái khúc xuân tình

Tiếng chim ca nô nức với bình minh

Người thôn nữ thấy lòng như lụa mướt

Tay đưa thoi, ngồi dệt tình mơ ước

Đời thanh bình mây gió giục yêu đương

Đôi chàng trai lơ đãng để tơ vương

Đem tâm sự gửi vào giây chỉ mộng

Và con sông tưng bừng theo nhịp sống

Cũng rộn ràng lộng bóng những Tây Thi…

 

Nhưng một hồi tơ lụa phải ra đi

Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa

Vắng bóng kẻ sớm chiều đi hái lá

Dáng dâu mềm lả lướt đã nhường cho

Vẻ nặng nề không sắc của khoai ngô

Cỏ từ đây hắt hiu niềm nhớ tiếc

Những đôi lứa bỗng nhiên đành vĩnh biệt

Thôi còn đâu tha thiết với đường tơ

Việc hàng ngày vất vả, quá thô sơ

Đời lam lũ lấy gì thơ với mộng

Trước khung cửi nằm im chờ nhện đóng

Phận con tằm lỡ dở nghĩ mà thương

Bao trái tim góa bụa giữa tầm thường

Một thế hệ hao mòn trong lặng lẽ

Cho đến nỗi cháu nghe bà kể lể

Hạnh phúc xưa như thể chuyện hoang đường

Chỉ làng buồn còn giữ một màu tang

Và đất nhớ võ vàng mơ ước cũ

Và con sông âm thầm trong nước ngủ

Vẻ mồ côi của một xứ buồn tênh.

(1942)

Tế Hanh

THANH THẢO

Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo nguồn: https://vanvn.vn/nho-thi-si-te-hanh-song-cham-nghi-nhanh-noi-ngan/