Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942, quê gốc ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhưng sinh sống và làm việc gần như cả cuộc đời ở vùng than Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho đến khi chuyển về làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam tại Hà Nội. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đợt 4 năm 2017 cho hai tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” và “Mạnh hơn công lý”; Giải thưởng ASEAN năm 2020 cho tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”.
Tôi có cơ duyên gặp nhà văn Võ Khắc Nghiêm khi bắt đầu công việc tại mỏ than Cọc Sáu ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, rồi sau này, khi ông về Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam ở Hà Nội thì tôi cũng chuyển về cơ quan đó. Ông là một trong số ít người có gia tài đồ sộ ở nhiều lĩnh vực sáng tác chứ không chỉ riêng văn học.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Võ Khắc Nghiêm luôn đồng hành cùng những vui buồn của người thợ mỏ. Ông đặt mình vào họ để tái hiện các nhân vật khi viết tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ. Tiểu thuyết này đã được chuyển thành phim truyền hình nhiều tập cùng tên và gây hiệu ứng tốt, khiến công chúng yêu thêm, hiểu thêm về vùng than bụi vô cùng gian khó nhưng cũng vô cùng nhân hậu. Đây có lẽ là bộ phim thành công nhất về mảnh đất và con người vùng mỏ thời hiện đại. Những người thợ mỏ cần cù, lam lũ, dù yếu thế hay thành đạt qua ngòi bút của Võ Khắc Nghiêm đẹp lên gấp bội.
Võ Khắc Nghiêm vốn không có điều kiện học hành lớp này, lớp khác về văn chương, ông sáng tác theo tiếng gọi thôi thúc từ trái tim và bản năng sẵn có. Ông một mình đi giữa đại lộ chữ nghĩa để các tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện diện trong đời sống văn chương nước nhà mang hơi thở cuộc sống tươi mới từ miền đất than bụi Đông bắc của Tổ quốc.
Ngoài các tác phẩm viết trực diện về người thợ mỏ, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản phim về các đề tài khác và đều có chỗ đứng trong lòng bạn đọc như kịch bản Nhân danh công lý, 16 tấn vàng… đã từng chiếm nhiều suất diễn tại các rạp trong thời gian dài.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, về cơ bản ông kiên trì lối viết bám sát hiện thực, có tiết tấu nhanh, có tính kịch, có hơi thở của đời sống xã hội nhanh nhạy nên các tác phẩm của ông được bạn đọc dễ tiếp nhận, có lẽ bởi độc giả thấy đâu đó bóng dáng của chính mình. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia giữ chuyên mục cho một số tờ báo, ngày ngày cặm cụi lao động chữ nghĩa cho nên gia tài sáng tác của ông tiếp tục đầy lên.
Nhờ vậy mà khi đã qua tuổi 70 ông vẫn cho ra đời cuốn sách đầy nội lực về nhân vật lịch sử Thị Lộ trong tiểu thuyết Thị Lộ chính danh, tạo được sự quan tâm trong giới văn học vì đã “giải mã” nhân vật Thị Lộ bằng cái nhìn hiện đại. Ở tiểu thuyết này, ông đã nỗ lực tự bứt phá, vượt lên cái “tạng” cũ của chính mình. Viết Thị Lộ chính danh bằng phương pháp hiện thực huyền ảo ông đã dụng công kỹ lưỡng, dung hòa giữa các phương pháp sáng tác đã định hình để tác phẩm trở nên đa tầng, đa nghĩa và phủ sóng rộng hơn ngoài biên giới văn chương Việt bấy giờ.
Có thể nói ông đã mạnh dạn đổi mới phương pháp sáng tác, đổi mới tư duy, không bảo thủ, không lệ thuộc vào lối sáng tác quen thuộc mấy chục năm qua, mặc dù sự đổi mới ấy đôi khi chưa thành công như ông mong đợi, nhưng vẫn là những bứt phá mà một người ở tuổi xưa nay hiếm dám dấn thân, thật đáng khâm phục.
Với nghề văn ông đã có một gia tài đồ sộ nhanh như thế, còn với nghề báo ông là người rất tinh nghề, nhanh nhạy, sắc sảo qua hàng loạt bài viết mang tính thời sự chính luận sắc bén, các bài bình luận thể thao nhanh và chính xác.
Trong cuộc sống, ông thường giữ thái độ khiêm nhu, chân thành, không tỏ ra cao đạo, cậy tài. Có lần tôi đến nhà ông, mang hoa và quà của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam chúc mừng nhân dịp ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật, dù chuyện trò rất vui, nhưng ông vẫn không quên nhắc tôi bằng cách nói có phần “bỗ bã”: “Mày viết hiền lành quá, viết bạo lên mới được!” khi đề cập đến một cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của tôi.
Lúc đó, tôi chỉ biết cười trừ “tâm phục khẩu phục” nhà văn đàn anh đã có nhận xét chính xác, chứng tỏ ông đã đọc nghiêm túc tác phẩm và “điểm huyệt” rất đúng cái sự viết quá cầu toàn của tôi.
Nhà ông ở ngõ Hoa Bằng, Hà Nội. Mỗi khi có dịp rảnh rỗi, tôi gọi hỏi thăm ông: “A-lô anh khỏe không, có ở nhà thì em chạy qua chơi”. Đầu dây đằng kia vang lên tiếng cười khà khà: “Tao chỉ ở nhà viết, có đi đâu đâu, đến đi”. Giờ thì tôi không còn có dịp qua ngõ đó để được cùng ông uống trà ngon và nghe những câu chuyện hài hước, thú vị của ông về chuyện đời, chuyện nghề. Mùa thu này Hà Nội lại vắng đi một nhà văn luôn tận hiến cho những đam mê trên đại lộ chữ nghĩa mênh mang.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm qua đời ngày 29/9/2022, hưởng thọ 81 tuổi. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức ngày 3/10 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; an táng cùng ngày tại nghĩa trang Yên Kỳ.
Hà Nội, chiều 30/9/2022