Nhà văn Sao Mai: Sướng sang cũng một… chữ tình!

Dường như ai cũng cho rằng tất cả đều xuất phát từ việc đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước cũng đồng ý với nhận định này.

Nhà văn Sao Mai tên thật là Tân Khải Minh, ông sinh ra tại miền quê nổi tiếng tú tài Nam Định một thuở. Họ Tân cũng không phải chính thức là nguồn họ của ông. Thực ra ông có họ Nguyễn, nhưng đời bố ông, do nghèo khó quá nên phải đi ở thuê cho một nhà người Hoa. Với bản tính siêng năng, thật thà nên bố ông đã được gia đình người Hoa này quý mến, nhận làm con và chuyển họ Nguyễn sang thành họ Tân. Tân Khải Minh là cái tên ông có từ đấy.

Nhà văn Sao Mai (1924-2008)

Các thế hệ sau này có lẽ ít biết về ông nhưng từ thế hệ chúng tôi thì ai cũng thích nhà văn này. Với cách đi riêng, giọng văn hệt như cuộc sống, lại không bị cái gì chi phối, văn luôn gắn liền với quê hương và các số phận con người nên các tác phẩm của ông hết sức bình dị và lôi cuốn. Những tác phẩm như “Uất”, “Căm”, “Đi”, “Đổi”, “Thôn Bầu thắc mắc”, “Tim đất”, “Sáng tối mặt người”… đã để lòng để dạ không biết bao nhiêu con người. Một đời nhà văn, sống lam lũ nơi rừng xanh núi đỏ mà ông đã cống hiến cho đời đến 30 đầu sách không phải là cái dễ có. Kính phục tài năng của ông, kính phục tính cách chấp nhận nghèo khó không vì cái gì và không bị cái gì chi phối nên Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã gom góp các đầu sách của ông để mà khái quát lên “số phận” của ông thế này: “Uất”, “Căm” nên mới “Đổi”, “Đi”/ “Thôn Bầu thắc mắc” làm gì nữa ông/ “Di cư Pagốt” vừa xong/ Lại đi “Tìm đất” ở vùng “Làng cao”.

Trong thế hệ các nhà văn cách mạng lão thành trước đây, có hai nhà văn nổi tiếng nhất về cách cư xử thẳng tưng của mình với cuộc sống của… chính mình. Ông Nguyên Hồng thì nổi tiếng với sự “không chịu được” và “không chấp được” nên đã thuê xe xích lô, chất vợ con lên, dông thẳng một mạch từ Ngã Tư Sở (Hà Nội) tới miền quê heo hút Yên Thế để định cư và mưu sinh. Còn ông Sao Mai lại từ Hà Nội, dông lên tận Văn Luông để sống, làm trang trại và kiếm ăn cho vợ con trước sự ngăn cản, bàn ra tán vào của bao nhiêu bạn văn. Ngày ông Sao Mai đi, bạn văn khóc sướt mướt. Trong cuộc tiễn đưa này, thời ấy nghèo nên mỗi bạn văn đã kỷ niệm ông một thứ. Ông Tô Hoài tặng ông cái mũ kê – pi, nhà thơ Nguyễn Mỹ tặng chiếc va – li, còn nhà thơ Phùng Quán tặng ông cái… rìu. Họ đều mong muốn ông sẽ trụ vững và là nhà văn người Kinh đầu tiên đi miền núi làm kinh tế.

Ai cũng bảo ông Sao Mai là người lụy và người khổ vì tình. Ngoài tình con người với nhau, thì cái làm ông khổ nhất ấy là tình ái. Chả hiểu sao, với cái tạng người mảnh khảnh, bồng bềnh về mái tóc mà ông Sao Mai lại làm rất nhiều phụ nữ chết mê chết mệt cho được. Chả vậy mà “mới tý tuổi”, khi tham gia cách mạng, được bố trí về Nam Định dạy học và làm báo mà ông đã “bị” cô gái Hoàng Thị Tiếng, một thiếu nữ con nhà trâm anh thế phiệt lúc bấy giờ để ý. Mới đầu hơi mặc cảm, mặc cảm giữa phận nghèo của mình với người giầu, nhưng vì lụy, vì nể tình quá nên ông đã yêu cô Tiếng. Đây là người vợ đầu của ông và cũng là người cam chịu với ông nhất.

Rồi vợ đầu và ba đứa đầu mới trứng gà trứng vịt thì “đùng một cái”,  ông lại bị “tiếng sét ái tình” nhằm mình phang tới. Lúc này, vì nghèo khó, để vợ con lại quê, ông đánh đường lên Hà Nội để viết văn, làm thơ kiếm sống. Thế rồi trong một lần về quê để tham gia xây dựng một đội chèo cho địa phương, ông lại “bị” người ta yêu. Mà người yêu ông lúc này lại là cô gái tên Loan (vợ hai sau này của ông), mới có 15 tuổi thôi. Lại nể, lại lụy nên ông đã “bí mật” yêu lại cô. Rồi cả gan hơn ông đã lặng lẽ đưa cô Loan lên Hà Nội sống với mình.

Theo anh Tân Khải Thắng, con trai thứ của ông, người giống ông nhất kể: Bố tôi giấu người yêu kĩ lắm. Chỉ khi hai người có con đầu thì mẹ tôi mới phát hiện ra. Phát hiện ra một cách rất vô tình trong một lần bố tôi về thăm mẹ con tôi. Ông mệt nên để quần áo đấy. Thấy bẩn, mẹ tôi đem giặt. Thấy cồm cộm trong túi, mẹ tôi lần giở thì phát hiện ra một chiếc giấy khai sinh. Mà người đứng ký giấy khai sinh ấy không ai khác là… bố tôi. Vì biết cái duyên đa đoan trời đã phó cho chồng mình, hơn nữa yêu và nể ông nên mẹ tôi không nói gì. Để “phá thế” này, mẹ tôi đã có một sự cư xử rất khéo và bắt bố tôi phải “nói ra” sự thực bằng cách đột xuất cho tôi và bà chị gái lên Hà Nội ở với bố.

Mới đầu ông Sao Mai cũng lặng thinh và chấp nhận. Nhưng có thêm con lên “giám sát” nên ông đã không chịu được và không giấu được người vợ hai nữa. Thế là chả còn cách nào khác, ông đành đưa vợ hai về ra mắt vợ cả. Cơn thịnh nộ theo kiểu cho có lệ của cô vợ đầu Hoàng Thị Tiếng, con nhà trâm anh thế phiệt rồi cũng qua đi. Vợ cả vợ hai nhận nhau làm chị em như một điều chấp nhận và tha thứ. Để cho cái chữ lụy tình và đa tình của ông Sao Mai không có cơ hội để phát triển nữa, sau độ ấy một vài năm, bà Hoàng Thị Tiếng cũng đã quyết định đưa con lên Hà Nội để ở và lấy cớ giám sát chồng.

Nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá X đến thắp hương cho nhà văn Sao Mai – Ủy viên BCH Hội khoá I và nhận sách của ông do con trai là nhà giáo Tân Khải Dũng trao tặng tại nhà riêng ở Phú Thọ vào tháng 12.2023.

Hai vợ, 7 con chỉ trông chờ vào tài viết của ông, dù có lao động đến hết mình nhưng đại gia đình của ông Sao Mai vẫn nghèo khó, thậm chí là đói dài. Lại thêm tính ngang thẳng nên ông không có cơ hội để thoát ra cảnh nghiệt này. Thế rồi theo chủ trương khai hoang vùng kinh tế mới của chúng ta hồi ấy, không nề hà, để cứu gia đình, để “tạo ra cho mình những sự thoải mái”, ông Sao Mai đã nộp đơn và ký tên mình vào danh sách.

Cái miền đất Văn Luông, nơi định cư của người Mường, nằm bên con đường viễn lộ cổ xưa lên Tây Bắc ngày ông Sao Mai lên âm u tù hãm lắm. Thế nhưng ông Sao Mai và hai bà vợ cũng như các cánh con đã nhanh chóng thích nghi. Ăn đói, nhịn khát để làm nương, làm rẫy và xây dựng cơ ngơi, đại gia đình của ông ai cũng hối hả. Thời gian này, để có cái kiếm thêm tiền cho hai vợ nuôi con, ông Sao Mai cũng đã học cách làm men rượu của người Mường trên đây mang bán. Tuần nào cũng vậy, cứ vào phiên chợ lại thấy Nhà văn Sao Mai trên vai là hai bịch men tìm đến để rao bán. Cái tên Sao Mai đẹp đẽ thời này của Nhà văn Tân Khải Minh đã bị người đời và bạn văn đọc chệch đi thành ông “Sao Men” là thế.

Yêu ông, trong giai đoạn này, dù đói nghèo, dù nheo nhóc vì con cái nhưng hai người vợ sống chung một nhà của ông Sao Mai vẫn dành thời gian và dành phần thức ăn ngon nhất, đầy nhất để ông viết văn. Và cũng chính trong giai đoạn nghèo khó nhưng không bon chen và rất tịnh tâm này lại là lúc ông Sao Mai sáng lên và viết ra được nhiều tác phẩm hay nhất. Từ chốn rừng xanh, có cảm giác như từ giã văn chương nhưng những tác phẩm ông viết ra trong giai đoạn này đã “thắp sáng” ông cũng như góc rừng u uất Văn Luông. Ông lại được mời ra công tác và được bầu vào Ban Chấp hành Hội văn học Vĩnh Phú (Nay là Phú Thọ). Lúc này ông đã có 11 con và một trang trại rộng ngút ngàn, không những chỉ để sống mà còn vươn lên bậc sang trọng so với nhiều người.

Lúc này ông Sao Mai đã bước vào độ tuổi 65. Nhưng như duyên số trời định, cái vòng “lao lý tình ái” vẫn không buông ông. Ông lại “phải lòng” với một người phụ nữ nữa, kém ông đến gần 30 tuổi. 15 năm ông đã sinh sống với người phụ nữ này và chuyện cũng đến tai hai bà vợ đã một đời lam lũ, cam nhịn để thực hiện trọn nghĩa vợ và nghĩa yêu với ông. Nhưng hai bà đã coi như chuyện bằng không, như một sự tự nhủ cho ông thỏa chí với phận giời ở những năm cuối đời. Bước vào tuổi 80, lúc ông ốm nặng, hai bà vợ đã chủ động cùng con cháu sang đón và đưa ông về. Lại thêm 5 năm thuốc thang, thức ngủ, hai chị em – hai người vợ ông Sao Mai nâng giấc và chăm chút ông mà không chút kêu ca gì. Nhà văn đa tài và đa tình Sao Mai đã từ giã cõi đời năm 85 tuổi với 11 người con và 62 đứa cháu!

ĐƠN THƯƠNG

Theo VTC News