Nhà văn, nhà báo liệt sĩ Nam Cao và những đóng góp cho nền báo chí cách mạng

Không chỉ là đại diện tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1940-1945, người con ưu tú của vùng đất núi Đọi, sông Châu – Nam Cao còn là một cây bút xuất sắc trên lĩnh vực văn học và báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Kỷ niệm 70 năm Ngày Nhà văn, nhà báo liệt sĩ Nam Cao hy sinh, chúng ta hãy thêm một lần nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông đối với nền báo chí cách mạng.

Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân

Thuở nhỏ, học ở làng, rồi thành phố Nam Định, xong bậc trung học, Nam Cao vào Sài Gòn sinh sống và từ năm 1936, tên tuổi ông bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo: “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Ích hữu”… Giai đoạn 1938 – 1942, dạy học tại Hà Nội, Thái Bình và ở quê, Nam Cao liên tục viết văn, viết báo. Năm 1943, gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và tham gia phong trào Việt Minh ở địa phương, văn chương của Nam Cao đã có sự chuyển hướng rõ nét, không chỉ đề cập tập trung vào đời sống của giới trí thức, nông dân mà hướng tới phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Nam Cao tham gia giành và xây dựng chính quyền (được cử làm chủ tịch xã) ở quê hương Lý Nhân. Cùng thời điểm đó, ở Hà Nam, trong bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ gặp vô vàn khó khăn, công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân càng trở nên cấp bách.
Để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, tỉnh Hà Nam lúc đó, ngoài tờ báo “Quyết Chiến” (của Tỉnh bộ Việt Minh) còn có một số tờ báo khác: “Bó Đuốc” (cơ quan văn hoá đại chúng của Bình dân học vụ tỉnh); “Xung Phong” (tiếng nói của “Thanh niên cứu quốc” do Tỉnh đoàn phụ trách)… Với chủ trương nhanh chóng tập hợp lực lượng thanh niên vào tổ chức, tham gia gánh vác công việc của chính quyền cách mạng, tờ báo của “Thanh niên cứu quốc” tỉnh nhà mang tên “Xung Phong” ngay sau khi thành lập đã khẩn trương chuẩn bị để ra những số báo đầu tiên. Chủ nhiệm và phụ trách quản lý, trị sự là người của Tỉnh đoàn, nhưng việc tìm ra một người xứng tầm gánh vác vai trò chủ bút gặp nhiều khó khăn. Và thế là nhà văn Nam Cao (vốn nổi tiếng trước đó khá lâu) đã được chọn mời tham gia làm chủ bút báo “Xung Phong”.
Khi mới thành lập báo, trụ sở toà soạn báo “Xung Phong” đóng tại một ngôi nhà bỏ không ở Phủ Lý. Trong bối cảnh vừa giành được chính quyền nên điều kiện của cơ quan cũng như của chủ báo cũng hết sức đơn sơ. Chủ bút Nam Cao được bố trí một chiếc bàn để vừa làm việc, vừa tiếp khách và một chiếc phản gỗ để nằm nghỉ, cơm nhà bếp cũng hết sức đạm bạc. Khí thế cách mạng sau Tổng khởi nghĩa đang dâng lên hừng hực nên từ chủ bút đến nhân viên, cộng tác viên của báo không ai tính toán, đòi hỏi thiệt hơn khi đảm nhận công việc.
Ngoài đảm nhận vai trò chủ bút tờ “Xung Phong”, nhà văn, nhà báo Nam Cao còn tham gia viết tin bài và hợp tác in ấn, phát hành với một số tờ báo khác (“Giữ Nước”, “Cờ Chiến Thắng”…) đều là những tờ báo cách mạng của tỉnh được lập ra trong thời gian này để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập hợp lực lượng nhân dân vào hàng ngũ và chính quyền Việt Minh.

Ông Trần Văn Vịnh, đang giới thiệu với du khách về khu tưởng niệm nhà văn

Giành chính quyền chưa được bao lâu thì kháng chiến bùng nổ, trụ sở tòa soạn báo “Xung Phong” từ thị xã Phủ Lý được rút về vùng bán sơn địa Phù Thụy, Thi Sơn, Kim Bảng. Cơ quan báo khi đó chỉ vỏn vẹn có mấy người, công nghệ in ấn cũng hết sức thô sơ. Báo in thạch rồi in ty-pô quay tay. Mặc dù vậy nhưng tờ báo “Xung Phong” đã duy trì xuất bản đều kỳ, tạo được tiếng nói tích cực trong giới trẻ Hà Nam lúc đó. Sau thời gian này, theo yêu cầu của tổ chức, nhà văn, nhà báo Nam Cao được chuyển sang làm chủ bút tờ “Chiến Thắng” rồi được điều lên hoạt động tại vùng chiến khu Việt Bắc.
Tại chiến khu, nhà văn, nhà báo Nam Cao cùng với nhà văn Tô Hoài phụ trách tờ “Cứu Quốc Việt Bắc” cho các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và phụ trách luôn lớp huấn luyện chính trị của những địa phương này. Vốn ham tìm hiểu thực tế đời sống, nhà văn, nhà báo Nam Cao đã đi đến nhiều bản làng, vùng dân tộc của chiến khu Việt Bắc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán rồi từ đó vận dụng cách viết tuyên truyền đường lối của Chính phủ sao cho hiệu quả nhất.
Để có thể phù hợp với đặc thù của vùng miền núi phía bắc, tờ báo “Cứu Quốc Việt Bắc” phải in bằng cả tiếng Việt và tiếng Tày. Đóng vai trò chủ bút, nhà văn, nhà báo Nam Cao viết đủ các thể loại tin, bài, chuyên mục… và mỗi lần viết xong ông đều chủ động đọc cho anh liên lạc người dân tộc Thổ nghe, nếu chỗ nào nghe nói không hiểu, không rõ thì lập tức viết lại cho dễ hiểu, dễ nhớ. Vốn có năng lực đặc biệt cả trong lĩnh vực văn học và báo chí nên nhà văn, nhà báo Nam Cao còn sáng tác cả ca dao, văn vần… rồi nhờ nhà thơ Nông Quốc Chấn dịch sang tiếng Tày để số đông đồng bào vùng chiến khu đọc được, nghe được, hiểu được.
Từ những đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí cách mạng, năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, nhà văn, nhà báo Nam Cao được kết nạp Đảng. Năm 1950, ông nhận công tác ở tạp chí Văn Nghệ (thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam), là Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Cũng trong thời gian này, khi học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (đóng tại tỉnh Bắc Cạn), nhà văn, nhà báo Nam Cao tiếp tục được Ban Giám hiệu tin tưởng phân công là chủ bút tờ báo liếp của trường.
Theo lời kể của nhà báo, nhạc sĩ Phong Nhã (người cùng quê và lúc đó cũng theo học tại trường): Do là chủ bút nên Nam Cao thường xuyên phải chủ động trong các mối giao tiếp với học sinh trong trường để đặt bài và gợi ý cho nhiều người tham gia viết. Tại đây, Nam Cao cùng học viên khoá học được Bác Hồ và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ Việt minh trực tiếp giảng dạy. Sau khóa học, Nam Cao được phân công về Khu 4 làm công tác thông tin tuyên truyền về chính sách thuế phục vụ công cuộc kháng chiến. Ngày 30/11/1951, trên đường đi công tác vào vùng địch hậu Liên khu 3, nhà văn, nhà báo Nam Cao đã hy sinh tại vùng giáp ranh giữa Ninh Bình và Hà Nam. Thời điểm đó, vùng chiêm trũng Ninh Bình, Hà Nam đang ngập nước nên nhà văn, nhà báo Nam Cao cùng đoàn cán bộ tuyên truyền thuế nông nghiệp đi vào vùng địch hậu bằng 7 chiếc thuyền nan. Nhà văn, nhà báo Nam Cao cùng mấy cán bộ ngồi chiếc thuyền đi đầu và khi vừa đến làng Vũ Đại ở Gia Xuân, Gia Viễn, Ninh Bình thì sa vào ổ phục kích của địch, các thuyền sau may mắn chạy thoát. Nam Cao và những cán bộ bị bắt, giam ở nhà thờ Mưỡu Giáp (thuộc xã Gia Xuân, Gia Viễn). Đêm hôm đó,  một cán bộ tìm cách bỏ trốn nhưng không thoát, nên sáng hôm sau bọn địch vội vã dẫn giải Nam Cao và những đồng chí cùng đi ra bắn ở cánh đồng Mưỡu Giáp. Nhà văn, nhà báo Nam Cao hy sinh khi mới 36 tuổi, đúng tuổi sung sức cho những sáng tạo, bỏ lại bao dự định, bao tập bản thảo còn đang thực hiện dở dang.
Tròn 70 năm đã trôi qua đi kể từ ngày nhà văn, nhà báo Nam Cao ngã xuống, những tác phẩm cùng sự đóng góp của ông trên cả hai lĩnh vực văn học và báo chí cách mạng vẫn luôn được bạn bè, đồng nghiệp, độc giả xa gần trân trọng tôn vinh, ngưỡng vọng. Tên tuổi, tác phẩm cùng những cống hiến của nhà văn, nhà báo liệt sĩ Nam Cao sẽ mãi là niềm tự hào, nguồn động lực thôi thúc các thế hệ nhà báo, văn nghệ sĩ quê hương Hà Nam hôm nay thêm tự tin và không ngừng nỗ lực vươn tới trong quá trình sáng tạo, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp báo chí, văn học nghệ thuật của tỉnh và đất nước.

Tác giả bài viết: Thế Vĩnh

Nguồn tin: Báo Hà Nam

Theo nguồn:https://lynhan.hanamtv.vn/vi/news/doi-song-van-hoa/nha-van-nha-bao-liet-si-nam-cao-va-nhung-dong-gop-cho-nen-bao-chi-cach-mang-455.html