Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: “Bác Lê Lựu luôn có ánh mắt ấm áp, không đẹp trai nhưng nói chuyện cực kỳ duyên!”

Trong mắt nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn Lê Lựu là một người không đẹp trai, không chải chuốt… nhưng luôn có ánh mắt ấm áp, tính cách gần gũi, xuề xòa và nói chuyện cực kỳ duyên dáng.

Mặc dù đang trong cơn hỗn độn của cảm xúc sau khi nghe tin nhà văn Lê Lựu qua đời và cổ họng đang có vấn đề khiến việc nói chuyện trở nên khó khăn nhưng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện đầy chân tình. Với chị, “bác Lê Lựu” không chỉ là một người thân quen mà còn là người đã thúc đẩy chị một cách tích cực trong sáng tạo văn chương.

Có lẽ vì thế, nhắc đến “bác Lê Lựu” là gợi nhớ cả một khoảng trời kỷ niệm. Ở đó, hình ảnh của một người “bác”, một tiền bối văn chương luôn ấm áp, gần gũi, chân chất, xuề xòa… nhưng nói chuyện rất hấp dẫn và duyên cứ đậm dần lên trong từng câu chuyện.

Chân dung nhà văn Lê Lựu. Ảnh tư liệu.

Cảm xúc của chị như thế nào khi nghe tin nhà văn Lê Lựu đi về “Thời xa vắng”?

– Tôi biết bác Lê Lựu ốm đã lâu và bệnh của bác cũng khó phục hồi lại bình thường dù người thân hết lòng chăm sóc nhưng nghe tin bác mất, cảm giác hụt hẫng, buồn thương vẫn dâng lên trong tôi. Cuộc sống hàng ngày trôi đi, vẫn biết bác đang chống chọi với bệnh tật nhưng vẫn còn đấy. Giờ, bác rời cõi tạm, mọi người sẽ nhớ về bác theo cách riêng của mình, tôi cũng vậy. Chiều nay, đọc tin bác mất, tôi ngồi lặng và trong đầu “tua” lại những kỷ niệm với bác.

Trong mắt chị, nhà văn Lê Lựu là một người như thế nào?

– Tôi may mắn được gặp và nghe bác nói chuyện từ nhỏ, khi mỗi lần theo bố mẹ đến chỗ này chỗ kia. Bé thì đi sơ tán cùng gia đình, con cháu các nhà văn. Lớn thì đến cơ quan, theo mẹ đến những cuộc vui cùng đồng nghiệp của bà. (Mẹ của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú – PV).

Bác Lê Lựu luôn có ánh mắt ấm áp, giản dị và sự thân thiện khi nói chuyện. Lúc thì “Con bé này, mày cứ nhìn xoáy vào người đối diện thế, ai yếu bóng vía không dám nói dối mày đâu” hay “Mày đừng để ý các bác nhé, chúng tao có những chuyện mà bé con như cháu không hiểu được. Mà đừng hiểu sớm, khổ chứ chả sướng gì”…

Tôi luôn thấy bác thật gần gũi, tình cảm, chân chất, xuề xoà, nhưng nói chuyện rất hấp dẫn và duyên. So với nhiều nhà văn nam giới khác, bác Lê Lựu không đẹp trai, ăn diện, chải chuốt nhưng khi nói chuyện lại cuốn hút, thành ra nhìn hấp dẫn và đẹp lên. Cái duyên nhiều khi át cái đẹp mà nhạt.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Ảnh: FBNV.

Chị có những kỷ niệm nào đáng nhớ trong những lần gặp gỡ nhà văn Lê Lựu?

– Tôi viết truyện ngắn khá sớm. Từ những năm 1992, khi có cuộc thi truyện ngắn, tôi hay đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội hơn. Trước có viết và in truyện ở vài báo nhưng đến cuộc thi này, tôi như được tiếp thêm nhiệt huyết. Ngày đấy, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng hình như không ai thấy khổ, kêu khổ. Tôi cũng vậy. Lo làm việc, nuôi con bé, vật chất thiếu thốn nhưng vui phơi phới mỗi khi viết và sửa xong truyện, mang đến nộp các bác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Viết như lên đồng.

Một trong những nhà văn lớp trước luôn dành tình cảm và khuyến khích tôi viết là bác Lê Lựu. Bác đọc nhiều, đọc thật, không như một số nhà văn không mấy khi đọc của người khác. Lần nào gặp, bác cũng cười chân tình: “Mày có tài nhìn xuyên cánh đàn ông các bác. Tý tuổi đã thế, khó mà ở với ai trọn vẹn vì cháu đi dép vào bụng chúng nó thế, bố đứa nào chịu được. Khổ thôi con ạ, mờ mờ đi dễ sống”.

Nhà văn Lê Lựu mãi sống trong ký ức của nhiều người. Ảnh: Eva.

Khi tôi nhận giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn năm 1992-1994, gặp bác, bác chộp tay tôi thực sự mừng. “Viết tiếp đi nhé, viết được sướng lắm! Sau này viết tiểu thuyết, truyện của mày bác thấy có cái mang bóng dáng tiểu thuyết đấy”… Tình cảm của một nhà văn đi trước, một người bạn của bố mẹ tôi khiến tôi không bao giờ quên.

Với tư cách là một độc giả, một nhà văn hậu bối… chị nhìn nhận như thế nào về sự nghiệp văn chương của nhà văn Lê Lựu?

– Nhà văn Lê Lựu là một tác giả lớn của Văn học Việt Nam. Ngoài tài năng văn chương, bác đã sống một cuộc đời đáng nhớ, dù thăng trầm. Tôi thường không quan tâm đến các giai thoại về nhà văn. Quá khứ của một người đôi khi không chính xác do thời gian làm lẫn lộn. Trí nhớ đôi khi cũng phản chủ, huống hồ chuyện đời người khác. Rồi những giai thoại tam sao thất bản… Quanh bác Lê Lựu có nhiều giai thoại, vui buồn lẫn lộn, giữa đời thật và tác phẩm.

Tôi thì chỉ quan tâm tới tác phẩm của nhà văn, hay những bản nhạc của nhạc sĩ, những bức tranh của hoạ sĩ… Bác Lê Lựu trong ký ức của tôi vô cùng đáng quý, gần gũi, tài hoa và bí ẩn. Nhìn bác giản dị, xuề xòa nhưng tầm văn hóa, sự hiểu biết, trải nghiệm, quan sát thực sự xuất sắc. Phẩm chất nhà văn của bác không lẫn vào đâu, dù sau này bác có mở Trung tâm Văn hoá doanh nhân, làm thêm việc này việc khác ngoài viết và biên tập.

Các tác phẩm của nhà văn Lê Lựu vẫn khẳng định sức sống trong dòng chảy văn chương. Ảnh: TL.

Nhà văn Nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi Lê Lựu là “nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam”, người có những tác phẩm “làm rung động đời sống văn học Việt Nam”, chị nghĩ sao về điều này?

– Một tác phẩm văn học đầu tiên phải hấp dẫn. Không hấp dẫn, khó kéo người đọc đi cùng. Nhà văn là người kể chuyện. Kể có duyên thì nhiều người nghe. Văn của bác Lê Lựu cực hấp dẫn, có duyên, nhiều hình ảnh và nhân vật cá tính, chi tiết đắt, và thẳm sâu sau mọi câu chuyện là những thông điệp của bác ấy gửi vào từng tác phẩm. Các nhân vật chập chờn giữa thực và tưởng tượng khiến người đọc như thấy người đấy rất quen, lù lù hiện ra trước mặt và kéo mình theo đời họ.

Trong số các tác phẩm của nhà văn Lê Lựu, tác phẩm nào chị thích nhất, vì sao?

– Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng dưới đáy sông… Tôi tin, bác Lê Lựu hôm nay rời cõi tạm, nhưng tác phẩm của bác sẽ được đọc và nhớ mãi. Kể cả những giai thoại đúng, hơi đúng hay không đúng về bác sẽ vẫn được những người yêu quý bác nhắc lại với nhau… Vì bác được nhiều người yêu quý!

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã chia sẻ!

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: Nhà văn Lê Lựu là tác giả của những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng…

Tiểu thuyết Thời xa vắng là một tác phẩm lớn với thông điệp: “Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác”.

Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt – Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam.