Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cây bút tài ba của vùng đất Nam Bộ

     Là cây bút quen thuộc của văn nghệ miền Nam, với lối viết mộc mạc giản dị nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trở thành cây bút tài ba của vùng đất Nam Bộ.
     Nhiều tác phẩm xuất sắc của ông như: “Đất lửa”, “Câu chuyện bên trận địa pháo”, “Chiếc lược ngà”, “Mùa gió chướng”, “Dòng sông thơ ấu”… kịch bản phim “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”, “Pho tượng”, “Cho đến bao giờ”, “Mùa nước nổi”… đã tái hiện lại hình ảnh quê hương Nam Bộ của ông trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp dữ dội và sự anh dũng, quyết liệt của người miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
     Yêu quê hương đất nước và sớm giác ngộ cách mạng, năm mười bốn tuổi ông xung phong đi bộ đội, làm cách mạng từ đó. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc công tác ở Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, nhà văn Nguyễn Quang Sáng trở về chiến trường miền Nam công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng. Khi đất nước thống nhất, ông giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa I, II, III. Năm 2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ giã cõi tạm để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là người dân Nam Bộ và bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc.
     Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học và điện ảnh cao quý như: Giải Mai vàng năm 1977, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2001 và nhiều Huy chương vàng, bạc cho các kịch bản phim.
Bảo tàng Văn học Việt Nam hiện nay có phần trưng bày trang trọng về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhiều tài liệu, hiện vật được giới thiệu đến công chúng như: bản thảo viết tay “Dòng sông thơ ấu”, Áo khoác, cặp sách, kính mắt, thẻ nhà báo…. Tất cả đều là những kỷ vật từng gắn bó cùng ông trong những năm tháng sáng tạo và cống hiến cho nền văn nghệ nước nhà.
Phần trưng bày về nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại BTVHVN
Chu Hòa