Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng tạo dựng nên sự thành công của thể loại văn học sử dành cho thiếu nhi thời kỳ hiện đại.
Lối diễn đạt trong sáng, giọng văn trầm tĩnh, đôn hậu đã khiến cho nhiều tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học, thường xuyên được tái bản, xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau và trở thành những cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Khi viết các câu chuyện lịch sử : “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Tìm mẹ”, “Cô bé gan dạ”, “Chiến sỹ ca nô”….nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không quá phụ thuộc vào ghi chép trong sách sử. Từ những chi tiết, sự kiện lịch sử có thật, ông thổi những cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng, phù hợp với tâm lý, suy nghĩ trẻ thơ, gợi mở cho các em nhiều điều thú vị. Từ đó giúp trẻ thơ dễ dàng tiếp cận với lịch sử, hiểu lịch sử để từ đó thêm yêu, thêm quý truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Năm 1957, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là thành viên sáng lập và trở thành Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng – nhà xuất bản đầu tiên dành cho thiếu nhi. Khi làm lãnh đạo, ông đã mời rất nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi như: họa sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Kim Lân, họa sĩ Tạ Thúc Bình… tham gia viết bài và vẽ tranh. Từ đó đến nay, nhà xuất bản Kim Đồng vẫn luôn là đơn vị uy tín nhất xuất bản các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi.
Không chỉ thành công thể loại văn học dành cho thiếu nhi, sau hai mươi năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn để lại cho bạn đọc khối lượng di sản văn học vô cùng to lớn, ở nhiều thể loại khác như: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, ký…Khi nhận định về ông, nhà văn Nguyên An viết: “Nguyễn Huy tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nên văn chương hiện đại Việt Nam”.
Ghi nhận những công lao đóng góp cho nền Văn học – Nghệ thuật nước nhà, năm 1996 ông đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật. Sau này, tên ông cũng đã được đặt cho một tuyến phố ở quận Thanh Xuân và ngôi trường huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Chu Hòa
Tài liệu tham khảo:https://vannghedanang.org.vn/nguyen-huy-tuong-nha-van-cua-tre-tho-3574.html