Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và mối duyên với thơ

Nguyễn Huy Tưởng đến với văn đàn muộn. Đầu những năm 1940, khi bước vào tuổi “tam thập nhi lập”, ông mới được biết đến với tiểu thuyết Đêm hội Long Trì. Tiếp đến là những truyện, kịch, tiểu luận nối nhau ra mắt…, và tất cả đều là văn xuôi. Song thực tế ông đã kết duyên với thơ từ khá sớm. Ở tuổi đôi mươi, khi xác định mục đích của đời mình là trở thành văn sĩ nhưng ông vẫn tỏ rõ sự “thiên vị” đối với thơ. Với ông, “Một câu thơ là tóm lại mười câu văn.” Và: “Câu văn cũng như hòn đá, mà thơ là hòn đá giũa mài chỉ còn cái tinh hoa sáng sủa.” (Nhật ký, 1/12/1932)
Với một ý thức như thế, Nguyễn Huy Tưởng đến với thơ bằng tất cả sự háo hức và không phải không có được kết quả. Tạp chí Nam phong số 191, ra tháng 12/1933 từng đăng chùm sáu bài thơ của ông, đều theo thể thất ngôn bát cú. Cùng với thời gian, “gia tài” thơ của ông, gồm cả những bài đã đăng và chưa đăng mà ông tâm đắc, được tập hợp lại đủ thành một tập để xuất bản. Đặt tên cho tập thơ của mình là Nhất điểm linh đài, Nguyễn Huy Tưởng đã giới thiệu nó với một số “đối tác” xuất bản mà ông giao thiệp. Dù chẳng mấy trông mong được nhận lời, ông vẫn cứ làm thơ tràn đi, đến mức tự mình cũng nhận thấy sự thái quá. Nhật ký ngày 28/1/1942, Nguyễn Huy Tưởng ghi: “Cảm thấy rằng độ này mình làm thơ vong mạng, không chịu suy nghĩ.” Và ông tự nhắc nhở mình với tất cả tâm thành: “Phải phản động lại và phải nghĩ những câu thơ đẹp, những ý tưởng thâm trầm. ”
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Nghĩa là, trước sau Nguyễn Huy Tưởng vẫn là một tín đồ thơ không lay chuyển. Thậm chí đài thơ đối với ông còn là một đòi hỏi phải chiếm lĩnh, khi ông ngỏ ý với vợ bán vòng vàng đi để in tập thơ.

Với một người vợ yêu chồng như bà Trịnh Thị Uyên, phu nhân của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, điều ông dự tính ấy hẳn sẽ không có gì trở ngại. Thực tế cho thấy, trong suốt cuộc đời mình, bà Uyên đã hi sinh rất nhiều điều cho chồng mình, cả về vật chất và tinh thần. Với bà, mấy món đồ trang sức nào có đáng gì, nếu nó đem lại niềm vui, hạnh phúc cho ông. Và như thế, với cơ chế xuất bản dưới thời Pháp thuộc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sẽ dễ dàng có được trong danh mục sách xuất bản của mình một tập thơ có cái tên đài các Nhất điểm linh đài.
May thay, điều đó đã không xảy ra!
Tôi nói “may thay” không hề sợ sa vào võ đoán, mà vì tất cả những gì hiểu biết về ông. Tập thơ ấy có ra, giỏi lắm cũng chỉ đem đến cho ông đôi chút niềm vui lúc ban đầu. Nhưng rồi sự hãnh diện có thơ ở đời sẽ mau chóng qua đi. Chỉ còn lại một nỗi thất vọng to lớn khi sớm muộn ông cũng nhận ra hiệu ứng do tập thơ của mình mang lại. Không cần nói đến sự thờ ơ của công chúng, hay tệ hơn, sự chê bai của công luận, chỉ riêng về phần ông, khi đọc lại tập thơ thấy không có gì đặc sắc, không có gì đáng gọi là một tiếng nói riêng, chỉ thế thôi, cũng đủ khiến ông phải khổ tâm, thất vọng đến chừng nào. Và đây chính là điều đã xảy ra với ông, như được ghi trong nhật ký ngày 22/5/1942: “Làm bài thơ về Lê Lợi, thấy kém. Buồn man mác. Thơ của mình không có cái gì mới mẻ cả.”
Giờ đây đọc những dòng này, người ta dễ cảm thấy ái ngại cho Nguyễn Huy Tưởng. Với tất cả sự toàn tâm toàn ý đối với thơ, với tất cả sự cố công, lao khổ dành cho thơ, với biết bao hi vọng đặt vào… để rồi tất cả chỉ là ảo tưởng, để rồi ông nhận ra, thơ mình “không có cái gì mới mẻ cả”!
Thế nhưng chính ở đây đã xảy ra một bất ngờ có tính bước ngoặt đối với đời văn Nguyễn Huy Tưởng. Cùng với sự thất vọng ấy, ở ông đã diễn ra một sự thức tỉnh, có thể nói, khỏi giấc mộng thơ ca. Hãy xem điều ông thổ lộ ngay sau đó: “Nhưng cũng vì bài thơ không hợp ý ấy nên nhất định viết kịch Vũ Như Tô.”
Vâng, chính là vở kịch Vũ Như Tô, tác phẩm để đời mà ông đã nhanh chóng viết ra và hoàn thành ít lâu sau đó.
Tất nhiên, vở kịch là cả một quá trình nhận thức, chiêm nghiệm từ lâu của Nguyễn Huy Tưởng về vấn đề văn hóa dân tộc. Cùng với đó là một sự đau đáu ông vẫn mang trong mình về sứ mạng người nghệ sĩ, một sự lao tâm khổ tứ về nội dung, kết cấu, nhân vật… của tác phẩm. Đã đến lúc chín muồi, nó chỉ còn chờ dịp để được tác giả đặt bút chuyển hóa thành các hồi, các lớp kịch.
Nhưng nếu ta giả định, có thể thế lắm chứ, rằng bài thơ về Lê Lợi của ông không quá kém. Rằng Nguyễn Huy Tưởng vẫn cảm thấy nó hay, nó cũng có những cái được, thì hẳn đã không có sự thức tỉnh nói trên. Tệ hơn nữa, giả sử bài thơ được đăng báo, tập Nhất điểm linh đài được xuất bản, để tiếp tục mơn trớn đường thơ của ông. Chắc chắn, đường thơ ấy chỉ có thể dẫn đến một đời thơ nhạt nhòa, khuất lấp giữa biết bao trường hợp khác. Trong khi vở kịch Vũ Như Tô của ông chưa biết khi nào mới được vời đến, thậm chí, biết đâu đấy, cứ phải nhường chỗ mãi cho những ý đồ thơ vẫn luôn là ưu tiên với một người yêu thơ như Nguyễn Huy Tưởng…
Thật may, điều giả định ấy đã không xảy ra. Thay vào đó là một nghịch lí khác. Chính nhờ bài thơ ấy không thành đã dẫn đến một kết cục viên mãn. Chính nó, như ta có thể hình dung, đã trở thành chất xúc tác làm lóe lên một ngọn lửa sáng tạo mới ở Nguyễn Huy Tưởng với vở kịch Vũ Như Tô của ông.
* * *
Nói thế phải chăng, thơ chỉ đem lại những trải nghiệm buồn cho Nguyễn Huy Tưởng? Hoàn toàn không. Ngay từ buổi đầu, thơ đã giúp khơi dậy ở ông tình yêu văn chương, niềm vui được thưởng thức những bài thơ hay, được biết đến, ngưỡng mộ những nhà thơ lớn… Đồng thời, cùng với đó là sự khát khao sáng tạo, là tham vọng đến lượt mình cũng tạo tác nên những công trình xứng đáng, đóng góp với đời. Tham vọng ấy, dù ông không có được sự thỏa mãn với thơ, thì dẫu sao, ông cũng thực hiện được với kịch và tiểu thuyết, khi chuyển từ ngã rẽ ở thơ sang. Mà ngay cả khi ấy, ông cũng đâu đoạn tuyệt với thơ. Nguyễn Huy Tưởng vẫn luôn là người yêu thơ, cổ súy cho thơ, vận dụng vốn hiểu biết thơ ca phong phú của mình trong cuộc sống và công việc. (Chưa kể ông vẫn tiếp tục làm thơ, điều chúng ta sẽ nói tới sau.) Những ngày tiền khởi nghĩa, Nguyễn Huy Tưởng nhận viết tiểu luận Tính cách xã hội trong thơ Đỗ Phủ để đăng Tập văn, ấn phẩm mà nhóm Văn hóa cứu quốc dự định cho ra trước Cách mạng. Kháng chiến chống Pháp, ông là một trong số ít người ủng hộ Nguyễn Đình Thi về thơ không vần. Tại buổi tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, ông thậm chí còn nhận là “đồng lõa” với bạn vì cùng “thích thơ không vần”. Hòa bình lập lại, Nguyễn Huy Tưởng làm giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, đã dành cho thơ và các tác giả thơ một sự quan tâm đặc biệt, mà như có người nói, ưu ái hơn cả văn xuôi. Vì ông quan niệm, vẫn người ấy nói, để có một tập thơ còn khó hơn một cuốn truyện nhiều.
Nhật kí và những di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do gia đình lưu giữ.

Và đây, một ví dụ nữa cho thấy sự gắn bó trước sau như một của Nguyễn Huy Tưởng với thơ: những bức thư của nhà thơ Chế Lan Viên gửi cho ông. Năm 1956-57, tác giả Điêu tàn sang Trung Quốc điều trị bệnh. Trong khoảng thời gian mấy tháng trời của hai năm ấy, hai ông đã thư đi thư lại với nhau khá nhiều – ít nhất hiện giờ gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn giữ được bốn lá thư của nhà thơ Chế Lan Viên. Qua đó có thể thấy hai ông không chỉ hỏi thăm nhau về gia cảnh, bệnh tình, mà còn chia sẻ nhiều mối quan tâm về thi ca ở nhiều phương diện. Trong đó hẳn có nói về thơ Đường và Đỗ Phủ, để rồi Chế Lan Viên gửi về cho bạn các tập Đường thi tam bách thủ (Ba trăm bài thơ Đường) và Đỗ Phủ thi tập. Không rõ về phần mình, Nguyễn Huy Tưởng đã viết những gì cho bạn, cũng như những bức thư ông gửi ấy không rõ liệu bây giờ có còn được lưu giữ ở đâu không? Chỉ biết rằng nhà thơ họ Chế (mà trong thư thường xưng Hoan với Tưởng) đã thổ lộ với ông nhiều cảm nghĩ về Pablo Neruda, nhà thơ cộng sản nổi tiếng người Chile, và cả về Rainer Maria Rilke, một nhà thơ yếm thế người Áo. Không những thế, ông còn kì công chép cho bạn cả những đoạn thơ dài của nhà thơ ấy, qua bản dịch tiếng Pháp mà hai ông quá am tường…

Cuối cùng, xin nói về việc Nguyễn Huy Tưởng “vẫn tiếp tục làm thơ”, điều mà tôi đã mào trước. Và cũng xin nói ngay, đây không phải là thơ sáng tác, mà là thơ ông làm chơi, “làm nghịch” để vui bạn bè. Cho nên, ở đây không bàn chuyện thơ hay hay dở, đúng vần đúng luật ra sao, khi cả hai bài thơ của Nguyễn Huy Tưởng mà tôi xin giới thiệu sau đây, đều theo thể thất ngôn bát cú, và đều bằng chữ Hán.
Bài thứ nhất, ông làm trên đường đi Chiến dịch Biên giới, như đã được viết trong nhật ký ngày 21/7/1950: “Viết thư cho Lành. Làm nghịch một bài thơ cho Kim[1]:
Nhật mộ tòng quân đăng Chợ Mới
Mang mang cố hữu mộng trung không.
Hồi đầu thâm ức Hoài Thanh diện
Huy thủ cao đàm Anh Nghĩa[2] phòng.
Tố Hữu dĩ thừa Tuyên huấn vụ
Xuân Sanh nan xuất kiểm tra lung
Thử phiên phục vụ Cao Bằng dịch
Sáng tác thời lai ý khí hùng.”
Bài thứ hai được viết khi ông đi lao động thực tế ở Điện Biên, và cũng được chép trong nhật kí: “10-9-1958: Đêm qua, viết thư cho Tô Hoài. Làm thơ cho Chế Lan Viên:
Nhất dạ Điện Biên thu khí lãnh
Phong suy hốt ức Chế Lan Viên
Nghĩa tình trường hận tâm trung đoạn
Thi tứ lăng cao thiên thượng huyền
Ngã dục hoàn thành tân tiểu thuyết
Nhĩ tu chỉnh lý cựu trường thiên
Nam vong Võng thị nhân đàn dạ
Tâm lý phân phân bất khả miên.”
Hai bài thơ bằng chữ Hán, lẽ ra phải được dịch ra tiếng Việt cho mọi người đều hiểu. Song người viết bài này không biết tiếng Trung, lại càng không phải người làm thơ. Vì vậy xin được giới hạn bổn phận mình trong việc công bố văn bản cũng như thuật lại những điều mình biết có liên quan. Ngõ hầu để mọi người biết thêm một khía cạnh trong cuộc đời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Khía cạnh ấy nếu không thuộc những gì quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của ông, thì cũng là không thể thiếu nếu muốn có được một chân dung trọn vẹn về Nguyễn Huy Tưởng…
– Nguyễn Huy Thắng –