Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người giàu có trên cánh đồng văn hóa

Từ lâu, tôi đã say mê đọc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Mấy năm gần đây ông còn viết nhiều kịch bản phim, một trong những bộ phim để lại ấn tượng tốt trong công chúng là Phố làng. Với một văn phong đầy ám ảnh, những truyện ông viết về làng quê vừa có sức hút lớn, vừa gần gũi đến lạ thường.

Cứ như vậy, tôi biết Nguyễn Hữu Nhàn là một nhà văn, chứ đâu biết rằng ngoài cái nghiệp văn ra ông còn là người say mê nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ. 

Lần đầu được tiếp xúc với ông là lần ông điện từ Việt Trì lên nhờ tôi viết bài về phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Cao Lan của huyện Ðoan Hùng. Ông nói qua điện thoại: “Phong tục tập quán người Cao Lan hay lắm, cậu chịu khó tìm hiểu và viết cho mình một bài về tục cưới hỏi của họ, để in vào Tổng tập văn hóa dân gian Ðất Tổ. Tớ bận quá không lên được, nhờ cậu giúp cho việc này”.

Ðược nhà văn tên tuổi đặt bài, lại nghe nói bài sẽ được in vào sách Tổng tập văn hóa dân gian của tỉnh, tôi hào hứng lắm. Tôi liền lao vào ghi chép, tìm hiểu, sưu tầm tư liệu và hoàn thành bài viết gửi về cho ông. Mấy tháng sau, ông điện lại báo rằng bài của tôi đã được in, mời tôi về chơi, lấy sách và nhuận bút.

Ðược trò chuyện trực tiếp với ông, tôi càng thấy ông thật giản dị, dễ gần và thân tình biết chừng nào. Ông niềm nở hỏi tôi đủ thứ chuyện, xóa tan sự mặc cảm, e dè của một người mới viết trong tôi. Sau này tiếp xúc với nhiều người, tôi càng hiểu Nguyễn Hữu Nhàn là người luôn hào phóng và chân tình giúp đỡ mọi người, kể cả những người ít tuổi, mới tập tạnh viết lách.

Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ sâu sắc và phong phú. Trong ông là cả một kho tư liệu về phong tục tập quán, lễ hội và những câu chuyện dân gian Ðất Tổ, đặc biệt là văn hóa người Mường, người Dao, về văn hóa làng xã… Hàng loạt bài viết của ông về lĩnh vực này được báo chí trung ương và các địa phương đăng tải đã tạo nên một “thương hiệu” mới – thương hiệu “nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Nhàn”. Tục chài nèm, tục ngủ thăm, lễ cấp sắc, diễn xướng cồng chiêng của người Dao, người Mường Phú Thọ, lễ hội trò chám “nõ nường” của Tứ Xã (Lâm Thao) đã đưa mọi người về với cội nguồn xa xưa của dân tộc, góp phần làm cho bản sắc văn hóa vùng Ðất Tổ thêm phong phú.

Không chỉ viết bài, in sách, Nguyễn Hữu Nhàn còn viết kịch bản phim, “chuyển” những phong tục, tập quán đó thành ngôn ngữ hình ảnh giới thiệu cho cả nước và thế giới biết đến. Bộ phim nhiều tập “Gió thổi qua rừng” vừa nói lên sự giàu có của văn hóa dân gian vùng Ðất Tổ, vừa phản ảnh sự đổi mới đi lên của đồng bào các dân tộc Phú Thọ nói chung, người Mường, người Dao của tỉnh nói riêng.

Có thể nói, Nguyễn Hữu Nhàn đã có công lớn trong việc giới thiệu với đồng bào cả nước về bản sắc văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc qua những tác phẩm văn học, báo chí và điện ảnh. Ông không chỉ sưu tầm tư liệu cho riêng mình mà còn sẵn sàng cung cấp tài liệu đó cho bạn bè, cho các nhà văn, nhà báo để họ làm luận văn, công trình, dựng phim…

Nhiều lần ông đã dành thời gian và kinh phí để tiếp các nhà báo trẻ từ TP Hồ Chí Minh ra, từ Hà Nội lên, trực tiếp đưa họ đi tới các vùng Xuân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa… đồng thời cung cấp thêm tư liệu để họ cùng ông nghiên cứu, quảng bá về văn hóa Phú Thọ.

Với ông, gặp được người say mê văn học, say mê nghiên cứu văn hóa dân gian thì dù họ ở lứa tuổi nào cũng rất dễ tâm đầu ý hợp và sẵn sàng “tặng họ tất cả” những tư liệu quý giá mà ông đã tích cóp, dành dụm cả đời mình. Ðược in bài nào trên báo hay tạp chí, ông đều phô-tô bài viết của mình cho nhiều người. Thậm chí, cả những bài chưa gửi đăng báo, ông cũng làm vậy. Ông cười hồn nhiên: “Ðể họ cùng mình hiểu thêm về văn hóa Ðất Tổ”.

Sức viết, sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thật đáng nể phục. Không tuần nào ông không có truyện, có bài đăng báo. Ðã có nhiều báo viết, báo hình trong và ngoài nước giới thiệu chân dung ông, song trước sau ông chỉ là một người giản dị và khiêm tốn, thích hòa đồng với mọi người. Ở tuổi bảy mươi, sức viết, sức làm việc của ông như chưa hề có dấu hiệu giảm sút.

Hôm vừa rồi, ông lại đưa tôi tờ báo nước ngoài nhờ dịch giúp bài giới thiệu chân dung ông. Họ đánh giá khá cao về nhà văn, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Nhàn. Ông cũng vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới, thêm dăm cái truyện ngắn và đã có hàng chục bài báo về phong tục, lễ hội… chuẩn bị cho báo Tết. Các báo trung ương liên tục điện về cho ông đặt viết bài cho báo Tết. Chả thế mà những ngày cuối năm này ông bận rộn lắm.

Ngày ông đến làm việc ở trụ sở Hội VHNT tỉnh, tối lại “cày” trên trang giấy. Kho tư liệu tích cóp cả đời làm văn hóa của ông như ngày một đầy hơn, phong phú hơn bởi sự nhân lên trong cảm nhận và chia sẻ của biết bao người đọc. Cái quý trong tư liệu cũng như bài viết về văn hóa dân gian của ông là tính phát hiện khám phá, tính chính xác khoa học và đầy ắp giá trị nhân văn.

Tôi đã học được ở ông nhiều. Ông vừa là nhà văn, vừa là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sâu sắc của Phú Thọ. Xin chúc ông sức khỏe, tiếp tục tỏa sáng và ngày càng giàu có hơn trên cánh đồng văn hóa của mình. 

XUÂN THU

Theo: https://nhandan.vn/nha-van-nguyen-huu-nhan-nguoi-giau-co-tren-canh-dong-van-hoa-post481816.html