NHÀ VĂN MA VĂN KHÁNG VÀ HAI CHIẾC BA LÔ ĐẠI SỰ

Ma Văn Kháng – nhà văn của những tiểu thuyết gây xao động đời sống văn chương ngay tại thời điểm mới xuất bản: “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”… hóa ra lại chẳng có chút gốc gác dân tộc thiểu số nào như nhiều bạn đọc vẫn tưởng, và cũng đã có lần vô tình đẩy độc giả vào vòng…lao lý.

Nhà văn Ma Văn Kháng

“Đời là một vại dưa muối hỏng”

Câu “triết lý cửa miệng” của một cậu học trò ngỗ ngược trong tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” khiến nhiều người đọc thấy thú vị và có phần tâm đắc – nhất là thời điểm cuốn sách ra đời (năm 1989), lại đang gây nhiều chiều ý kiến, đồng thuận cũng như phản đối đều dữ dội. Một thầy giáo dạy học ở tỉnh Phú Yên đọc được, thích quá đã ghi câu đó lên bảng trước giờ lên lớp của mình, có lẽ thầy muốn thử “hiện thực hóa” chi tiết đó xem sao (chi tiết trong truyện: thầy giáo Tự vừa lên lớp đã bị đập ngay vào mắt dòng chữ viết bằng phấn trắng tô đậm: “Đời là một vại dưa muối hỏng”. Tất nhiên, thầy Tự là giáo viên dạy văn, lại “đang” là nhân vật của nhà văn Ma Văn Kháng nên thầy có cách xử lí tình huống của thầy). Vậy là chưa kết thúc buổi dạy, thầy giáo (ngoài đời thực) được cơ quan chức năng mời lên giải trình về hành vi có tính “phi giáo dục” này. Không hiểu do mâu thuẫn sao đó trong khi trình bày quan điểm. Kết quả: thầy bị tạm giam. Bốn tháng sau, may mắn nhặt được mảnh giấy vụn và mẩu bút chì, thầy cặm cụi ngồi viết một bức thư, nội dung trình bày toàn bộ sự việc dẫn đến tình cảnh trớ trêu của mình. Cuối thư, thầy tha thiết bày tỏ: “Xin ông nhà văn hãy cứu tôi. Chỉ vì quá mê tác phẩm của ông mà nay tôi vì rơi vào hoàn cảnh này…” Viết xong, chỉ biết đề ngoài phong bì: Kính gửi nhà văn Ma Văn Kháng – Hà Nội. Lúc đó nhà văn đã chuyển từ Lao Cai về công tác tại Nhà xuất bản Lao động, hầu như cả nước đều biết tiếng nên bức thư kia mặc dù đề địa chỉ “bao quát” toàn thành phố nhưng vẫn được chuyển tới tận tay. Đọc thư, nhà văn ngạc nhiên đến sững sờ, dù đã nhiều năm quan sát cuộc sống, trải nghiệm bằng chính đời sống của mình để sáng tạo ra những tình tiết đậm chất bi hài trong tác phẩm nhưng chưa bao giờ ông có thể hình dung nổi đứa con tinh thần của mình lại gây ra hệ lụy khủng khiếp như vậy. Ngay lập tức ông viết hai bức thư, một bức gửi Bộ Công an, một bức gửi về tỉnh Phú Yên. May thay sau đó thầy giáo mê văn học đã được trở về với bục giảng… Mỗi lần nhớ lại chuyện đó, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn không khỏi thấy ngậm ngùi bởi có quá nhiều nỗi niềm xung quanh một sự việc như vậy. Chỉ tiếc là qua nhiều lần chuyển đổi từ căn nhà 8 mét vuông lợp giấy dầu sâu hút trong một ngõ lao động (thuộc phố Nguyễn Khuyến) cho đến lúc nghỉ hưu, được an hưởng tuổi già trong ngôi nhà 4 tầng khang trang trong khu Ngọc Khánh, bức thư của thầy giáo đó đã bị thất lạc. Nếu còn, chắc nó sẽ được đưa vào Bảo tàng văn học như một kỷ vật “độc nhất vô nhị”.

“Nông Văn Dền về già”

Sau khi chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Lao động, nhà văn Ma Văn Kháng có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè văn chương cũng như các “fan” hâm mộ thời đó. Một hôm, ông nhận được cú điện thoại, đầu kia một giọng oanh vàng thỏ thẻ: “Thưa nhà văn Ma Văn Kháng, tôi là một độc giả đọc tác phẩm của nhà văn đã nhiều năm nay, tôi rất mong muốn được một lần gặp tác giả”. Không hiểu có phải giọng nói ấy đã khiến người nghe cảm động hay vì một linh cảm nghề nghiệp nào đó, nhà văn hồ hởi mời độc giả đến phòng làm việc tại cơ quan. Nghe tin sắp có bạn đọc là diễn viên Đoàn cải lương Trung ương đến, anh em biên tập viên các phòng bên cạnh chạy vội về sửa sang, người thay áo, kẻ tìm lược dấp nước chải đầu, cạo râu… Khách đến cổng đã có người thò đầu ra hành lang thông báo. Khách lên cầu thang, ai nấy đều nở nụ cười tươi rói, hỏi chào rộn rã. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng ra đến cửa, mở rộng cả hai cánh: “Tôi là Ma Văn Kháng, mời chị vào trong này”. Vị độc giả xinh đẹp sửng sốt: trời! Tác giả của những áng văn tả thiên nhiên núi rừng Tây Bắc qua bốn mùa xuân – hạ – thu – đông tuyệt mỹ; của những pha yêu đương lãng mạn, lai láng chất trữ tình đã bao đêm làm thổn thức trái tim mình… đây ư? Một ông già! Chính xác là một ông già miền núi vừa mới “hạ sơn”… Độc giả không giấu nổi thất vọng, bật thốt lên: “Ôi, anh “Nông Văn Dền về già…”. Biệt danh đó sau này đã trở thành “nick name” của nhà văn Ma Văn Kháng, được người thân trong gia đình và bạn bè sử dụng độc quyền. Mối duyên văn chương kỳ lạ giữa nhà văn và độc giả đặc biệt đó đã khai mở cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm giai đoạn sau 1990. Hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo, thông minh, có phần đáo để nhưng cũng có lúc vô cùng ngờ nghệch trước những tráo trở của cuộc sống trong tác phẩm viết về phố phường Hà Nội có nguyên mẫu ngoài đời vô cùng sinh động, chính là người nghệ sĩ thất bại pha diễn vui mừng cần có trong đầu tiên gặp nhà văn. Cũng vì tình yêu vô điều kiện dành cho văn chương, nghệ sĩ H.A đã tình nguyện về cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam làm việc tại Ban sáng tác, để hàng ngày được sống với những cuốn sách, được đắm mình vào không khí chữ nghĩa. Đọc bằng tất cả sự háo hức bản năng của một người không – làm – nghề, những cảm nhận nguyên sơ, trong sáng và thành thật đưa ra nhận xét của độc giả khiến nhà văn không ít lần “giật mình”. Bên cạnh vai trò làm người thẩm định đầu tiên, cô H.A còn là người giúp nhà văn Ma Văn Kháng vô số những công việc có tên và không tên khi ông còn giữ cương vị Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn. Giờ đây, khi “anh Nông Văn Dền” đã thực sự về già, nhưng tình cảm trân trọng, quý mến giữa họ vẫn không hề mất đi sự tươi mới thuở ban đầu. Trong hồi kí “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, nhà văn Ma Văn Kháng đã dành cho “độc giả thân thiết” nhất của mình những trang thật đẹp, ông viết: Đó là chút hương Trời quý giá mà vào những năm tháng về sau của cuộc đời, tôi may mắn được hưởng…

Vẫn chưa hết những “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”

Cuốn hồi ký được viết trong thời điểm nhà văn phải chạy đua với từng nhịp đập bất thường của trái tim đã đến hồi mỏi mệt. Nguy cơ trái tim đó “phản thùng” bỗng dưng ngừng lại rất cao. Nhưng không thể không viết, vì đó sẽ là cuốn sách ghi lại những gì đã trải, đã thấy trong 50 năm làm thầy dạy học, làm sách, làm văn và nhất là làm Người. Hồi ký kể lại những sự kiện chủ yếu trong cuộc đời của tác giả, từ lúc là một chú bé thiếu niên có quê hương là làng Kim Liên, Hà Nội. Rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, trưởng thành dần, trở thành một giáo viên, một cán bộ, một nhà báo, một nhà văn, trải qua những tháng ngày gian khó, những vất vả trong nghề nghiệp, trong cuộc sống và nghị lực vượt lên. Hồi ký cũng là những nét chấm phá có tính biên niên sử một thời kỳ đã qua gắn liền với số phận cá nhân tác giả, kể từ những năm 50 của thế kỷ trước đến đầu thế kỷ 21…

Cuốn sách xuất bản năm 2009, được đón nhận bằng sự hồi hộp xen lẫn xót xa tiếc nuối của bạn đọc (bởi rất nhiều người biết những trang bản thảo được viết trên giường bệnh, và có thể, đây là cuốn cuối cùng của nhà văn Ma Văn Kháng). Liền sau đó, tác giả nhận được những hồi đáp đầy cảm động (qua tin nhắn, hộp thư, các bài phê bình đăng trên báo…). Những tình cảm đó là trợ lực cho trái tim bay qua nửa vòng trái đất, sang nước Mỹ để đặt 3 đoạn stent (ống đỡ động mạch) và trở về an toàn.

Từ khi đó, trái tim phải chung sống với các loại thuốc, còn bản thân nhà văn cũng phải tập thói quen nghe chính nhịp tim mình. Với bản tính cẩn thận, chu đáo, nhà văn chuẩn bị sẵn cho mình hai chiếc ba lô: một chiếc đựng đầy đủ thuốc, giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm, bệnh án đề phòng trường hợp đến bệnh viện khẩn cấp, người nhà chỉ việc xách theo xe cứu thương; chiếc còn lại là bộ quần áo mới, những cuốn sổ ghi chép, những dặn dò dành cho người…ở lại, nếu chẳng may nhà văn phải ra đi mãi mãi. Nhưng một đêm, có tên đạo tặc đột nhập qua đường cửa sổ đã khoắng gọn cả hai chiếc ba lô. Mất hết giấy tờ, thuốc men dự phòng, nhà văn buồn rầu mất mấy ngày nhưng không dám kể với ai, cũng không đi báo công an. Chẳng lẽ lại báo mất hết đồ đạc, giấy tờ dành cho…hậu sự. Cho đến lúc con cháu biết chuyện mới ha hả cười, động viên ông: “Thôi, ông tiếc làm gì. Thằng trộm lấy hết những thứ đó là nó mang đi cho ông cả bệnh tật và cái chết rồi đấy! Thế là may. Từ nay ông cứ yên tâm mà sống vui, sống khỏe…”

Mà đúng là may thật, nhà văn chia sẻ với bạn bè, với trái tim đang dần khỏe mạnh để ông viết tiếp “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”…

PHẠM THỊ PHONG LAN

Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/nha-van-ma-van-khang-va-hai-chiec-ba-lo-dai-su.html