Nhà văn Ma Văn Kháng là nhà văn nổi bật trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt thành công với những đề tài viết về vùng núi Tây Bắc. Ông là tác giả của những tác phẩm: “Đồng bạc trắng hoa xoè”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”… Để có tư liệu viết những tác phẩm về con người và mảnh đất Lao Cai, nhà văn Ma Văn Kháng đã có khoảng thời gian dài gắn bó với con người mảnh đất nơi đây, nhiều người còn lầm tưởng ông là người dân tộc. Thời gian sinh sống với con người Lao Cai đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm và cả những thói quen “đặc biệt”. Bảo tàng xin chia sẻ câu chuyện “vui” về việc “cai thuốc” lào của nhà văn Ma Văn Kháng:
“|Mùa hè năm 1956, tạm biệt nhà trường, tôi đi làm thuế Nông nghiệp ở thôn Tùng Tung, xã Nam Cường, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lao Cai. Đây là một thôn thuần đồng bào dân tộc Giáy- một dân tộc khá đặc trưng của tỉnh nhà, có cùng nguồn gốc xuất sứ với người Choang, một sắc tộc lớn ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Người Giáy hút thuốc lào cả nam lẫn nữ. Khách đến, việc đầu tiên là chủ nhà đưa điếu đã nạp sẵn mồi thuốc ở nõ và que đóm ngâm cháy bén. ống điếu thuốc lào người Giáy to lút miệng. Nõ điếu dài. Chúng tôi gọi nó là điếu ục. Vì khi dí lửa xuống mồi thuốc, hít vào, ống điếu kêu ùng ục chứ không rít còi như điếu cày dưới xuôi. Điếu thuốc tàn chỉ còn lại bã, muốn hẩy cái bã này ra mà không toé nước theo, để mồi điếu thuốc khác hút tiếp, phải khéo léo điều chỉnh hơi sao cho vừa phải. Có người làm khéo lắm, bã thuốc nẩy lên, như quả bóng xoay tròn trong lòng nõ điếu, rồi phịt một tiếng, bã thuốc được hất nhẹ sang bên. Thuốc là thuốc mộc, nhẹ hơn thuốc Kiến An, nhẹ nên nhiều người hút thông một lèo 3 – 4 điếu rồi mới ngửa cổ nhả khói. Cái ống điếu có khi nóng trong tay người cầm rồi mới chuyển sang cho người khác. Trong một cuộc họp, cái điếu chuyển vòng, liên tục sôi ùng ục và khói bay mù mịt cả gian nhà.
Tôi chẳng còn cách nào từ chối, đành cầm ống điếu đã sẵn thuốc và que đóm đồng bào đưa, rồi ghé miệng hút. Có bận say lử đử, lăn quay lơ ra giường nhà chủ, đánh một giấc, chẳng còn nói được câu nào nữa.
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Ai đã nghiện thuốc lào rồi mới thấy câu ca dao nọ miêu tả thật chính xác sức quyến rũ ma quỷ của thứ thuốc này. Nghiện rồi thì thuốc trở thành một phần đời quan trọng không thể mỗi chốc mà từ bỏ được. Sáng dậy, không có điếu thuốc, mồm miệng nhạt thếch, được hút một điếu, nằm vật ra, say lơ mơ, tê tê, giần giật mấy đầu ngón tay, thật là sướng như lên tiên! Ngày hai bữa ăn, buông đũa bát mà không có điếu thuốc thì dù có yến tiệc toàn cao lương mỹ vị cũng vô nghĩa. Viết xong một đoạn văn, xả hơi, làm điếu thuốc tự thưởng, như chấm xuống dòng, lấy lại đà hào hứng, sức lực, viết tiếp ngay được đoạn văn mới.
Tôi nghiện thuốc lào từ những ngày làm thuế ở đây. Rồi đem cái nghiện về phổ biến cho các thầy ở trường cấp II Lao Cai. Nhiều lần quyết tâm cai mà không bỏ được. Có lần vứt điếu xuống hủm sâu, nửa đêm lại tụt xuống, soi đóm tìm. Nhiều lần lấy dao chẻ điếu đốt đi, rồi phải đi xa hàng cây số để hút nhờ. Đang ốm mà thử hút một điếu thấy ngon thì tức là khỏe lại rồi đấy. Năm 1980, sang Liên Xô lần đầu đem điếu cày đi theo. Đến Êrêvan, thủ đô nước Cộng hoà ácmêni, cô phục vụ khách sạn thấy điếu để trong sọt tưởng là đồ thải loại bỏ đi, liền đem ra bãi rác, tôi phải nhờ cô tìm lại bằng được, nếu không chuyến đi sẽ chẳng còn gì là thú vị nữa!
Mãi tới năm 1985, gần hai mươi năm sau, sau một trận ốm kéo dài sáu tháng trời, tôi mới dứt bỏ được hoàn toàn loại ma tuý sơ cấp này.” (Hồi ký Ma Văn Kháng)
BTVHVN