Là một người lính, nhà văn Hồ Phương đã đi qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, qua nhiều chiến dịch lớn, nhiều mặt trận,… Ông là nhà văn tiêu biểu cho thế hệ những nhà văn đi theo cách mạng.
Thông tin nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương – tác giả truyện ngắn “Cỏ non” trong sách giáo khoa – người từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ra đi để lại nhiều thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu văn chương của ông.
Tang lễ nhà văn Hồ Phương diễn ra sáng thứ Hai, ngày 8.1.2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu lúc 8 giờ 30 cùng ngày, an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Người lính, nhà văn cách mạng
Nhà văn Hồ Phương, tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh ngày 15.4.1930, tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Thuở nhỏ, nhà văn Hồ Phương đi học ở Hà Nội. Tháng 12.1946, ông gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu, rồi gia nhập quân đội, trở thành “Chiến sỹ Quyết tử” của Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, ông làm chiến sỹ, phóng viên, cán bộ phụ trách báo của Sư đoàn 308 rồi trở lại đơn vị chiến đấu làm Chính trị viên Đại đội. Ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Năm 1954, ông về Tổng cục Chính trị viết văn, làm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông làm phóng viên mặt trận và đi B. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1990, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó một thời gian, ông làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Ông đã tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa III.
Nhà văn Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi. Ông là tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó truyện và truyện ngắn có một số tác phẩm như: “Thư nhà” (1948); “Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” (1956); “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” (1957); “Cỏ non” (1960); “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” (1965); “Phía tây mặt trận” (1978); “Ông trùm” (1992)…
Đặc biệt, truyện ngắn “Cỏ non” của ông đã được trích in trong sách giáo khoa văn học, giảng dạy trong nhà trường trong nhiều năm liền. Nhà văn Hồ Phương từng chia sẻ, tác phẩm “Cỏ non” được ông viết sau chuyến thực tế nông trường ở Ba Vì. Tại đây, ông có gặp anh Hồ Giáo, sau này là Anh hùng Lao động. Tuy nhiên, nhân vật trong “Cỏ non” lại được lấy từ cảm hứng của nhiều người lao động trên nông trường Ba Vì khi đó, chứ không phải từ riêng anh Hồ Giáo.
Nhà văn Hồ Phương cũng đã sáng tác nhiều tiểu thuyết nổi tiếng, gồm: “Những tiếng súng đầu tiên” (1955); “Kan Lịch” (1967); “Những tầm cao” (1974); “Biển gọi” (1978); “Cánh đồng phía Tây” (1994); “Yêu tinh” (2001); “Ngàn dâu” (2002); “Những cánh rừng lá đỏ” (2005); “Cha và con” (2007)…
Ngoài ra, ông còn xuất bản nhiều tập ký, ký sự như “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (1966); “Số phận lữ dù 3 Sài Gòn” (1971); “Đại đoàn đồng bằng” (ký sự in chung 1989); “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” (ghi chép, 1964)…
Nhà văn Hồ Phương từng nhận nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng báo Văn nghệ với truyện ngắn “Cỏ non” (1958); Giải thưởng Văn học Thủ đô 1983 cho tác phẩm “Những tầm cao”; Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994) với “Cánh đồng phía Tây”; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – Bộ Công an với tiểu thuyết “Yêu tinh” (2001); Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2003) với tiểu thuyết “Ngàn dâu”.
Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm “Cỏ non”, “Những tầm cao”, “Kan Lịch”; “Cánh đồng phía Tây”. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm “Ngàn dâu”, “Những cánh rừng lá đỏ”.
Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.
Sức sáng tạo bền bỉ
Trong con mắt của người thân, bạn bè và đồng nghiệp, nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương luôn để lại tiếng cười không chỉ trong câu văn, mà còn cả trong đời sống. Những ai đã từng gặp ông đều không thể quên chất giọng trầm ấm, giàu nội lực cùng tiếng nói cười hào sảng khi ông kể những câu chuyện dí dỏm, vui vẻ về các tác phẩm của mình.
Sinh thời, nhà văn Hồ Phương chia sẻ, thực tế kháng chiến là chất liệu chính trong các tác phẩm của ông. Những năm tháng hành quân, sự trưởng thành của người lính khiến cho tay bút của ông ngày càng chắc chắn, vững vàng. Ông viết về cuộc kháng chiến gian khổ, Điện Biên Phủ, các cô dân công, những em bé mất cha mẹ được hết người này đến người kia nuôi và họ trở thành những bà mẹ tập thể hay câu chuyện xúc động về người vợ thời chiến… Xuyên suốt các tác phẩm của ông là tính nhân văn, sự cảm thông sâu sắc với những con người ở hậu phương, người vợ, người mẹ, người âm thầm lặng lẽ phía sau cuộc chiến đầy khốc liệt. Ông cũng là người chồng đi kháng chiến và ông hiểu sự mất mát, thiếu thốn, hy sinh thầm lặng ấy to lớn như thế nào.
Là một người lính, nhà văn Hồ Phương đã đi qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, qua nhiều chiến dịch lớn, nhiều mặt trận để lấy thực tế sáng tác. Ông là nhà văn tiêu biểu cho thế hệ những nhà văn đi theo cách mạng, là một trong những tác giả viết đều đặn, bền bỉ và có một sự nghiệp bề thế với nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển trong hệ thống sách văn học cách mạng như “Thư nhà”, “Cỏ non”, “Kan Lịch”… Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nóng hổi hơi thở hiện thực và đầy đặn chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy – tác giả “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, cháu của nhà văn Hồ Phương chia sẻ, nhà văn Hồ Phương luôn là niềm tự hào của gia đình. Theo họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, nhà văn Hồ Phương luôn tự hào rằng, trong tay ông luôn có hai vũ khí, một bên là tay súng, còn bên kia là tay bút. Với ông, viết là nhiệm vụ, là đam mê và cũng là “cái nợ” của cuộc đời.
Nhà văn Phùng Văn Khai từng viết, trong các sáng tác của nhà văn Hồ Phương, tinh thần hy sinh luôn rực sáng. Kể từ anh chăn bò trong tác phẩm “Cỏ non” đến các vị thủ trưởng, tướng lĩnh qua ngòi bút của nhà văn Hồ Phương cứ sáng chói. Ở ông, dường như những cái xấu xa khuất tất đều dễ bề bị ngòi bút vị tướng “tóm gọn” rồi cho biến mất rất gọn ghẽ.
Nghe tin nhà văn Hồ Phương qua đời, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ trên trang cá nhân: “Khi nghe họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, cháu của nhà văn, thông báo tin buồn, tự nhiên trong tôi hiện lên một vùng cỏ non mênh mông. Có lẽ, bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã hằn sâu trong ký ức tôi là tác phẩm “Cỏ non” được trích trong sách giáo khoa hồi tôi còn đi học”.
“Lúc nào nghĩ đến ông là trong tôi hiện lên một vùng cỏ non da diết và bất tận với nụ cười đôn hậu của ông. Và với tôi, ông không bay về trời. Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trải lòng.
PHƯƠNG HÀ/TTXVN