Nhà văn Hà Đình Cẩn cả “đời chữ” dành cho người chiến sĩ

Nhà văn Hà Đình Cẩn

Nhà văn Hà Đình Cẩn sinh tháng 3 năm 1945 tại làng Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ông là tác giả của những tác phẩm văn xuôi: Quần đảo san hô, Vùng rừng âm vang, Đường gập ghềnh, Vòng lăm vông thứ hai, Ký sự những ngày xưaCây sa mu còn lạiTrò đùa người lớn, Thứ phi, Ô cửa sổ bỏ ngỏNhững câu thơ nhặt được, Ngày đi qua… và gần đây nhất là: Bên kia là núi, Rừng hẹn, Mây vẫn Bay về trời và đặc biệt là bộ phim tư liệu dài tập Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh…. Ông từng được tặng các giải thưởng lớn về VHNT như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Nhà nước về VHNT…

“Tiếng có là tôi

Giữa đội hình tiểu đội…

….

… Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đũa

Những tiếng có ngồi im không muốn xua ruồi

Cả đại đội giờ chỉ còn trung đội

Những tiếng có vô danh nằm lại phía sao rơi…”

(Người lính – thơ Hà Đình Cẩn).

Tháng 3 năm 1965, người thanh niên tuổi 20 tạm biệt miền trung du đầy nắng gió bước vào đội hình “tiếng có”, để cùng cả dân tộc tiến về miền Nam đánh đuổi quân thù. Và cho đến hôm nay, gần 60 năm đi qua, người thanh niên ấy tuổi đã chớm bát tuần vẫn miệt mài “đắm mình trong tiếng có”.

Gần 60 năm cầm bút và cầm súng, từng ở chiến trường đánh Mỹ, từng là chiến sĩ quân tình nguyện ở chiến trường Lào và Campuchia trong những tháng ngày oanh liệt, từng nén đau thương chứng kiến chiến thắng, chứng kiến cả đồng đội mình ngã xuống, rồi ông đã vượt qua nhiều khó khăn để kịp hoàn thiện tin, bài cấp tốc nóng hổi tình hình chiến sự gửi về Hà Nội phục vụ đồng đội và nhân dân. Những ký sự nóng hổi, những tin chiến thắng còn nguyên mùi thuốc súng… trong những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn gắn liền với cái tên Hà Đình Cẩn – một phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân mà cả nước ta ai ai cũng biết.

Ông tâm sự: “Giờ nghĩ lại những năm tháng ấy và nhiều năm sau nữa, bao trai gái đã ra đi, mình càng có trách nhiệm hơn với trang viết của mình Chính vì thế, cả cuộc đời tôi, dù nghĩ được gì, viết được gì cũng dành riêng cho chiến sĩ…”.

Khi còn công tác trong quân ngũ, Hà Đình Cẩn luôn được biết đến là một phóng viên với những thiên ký sự, phóng sự đi vào lòng người. Ông là một cây bút nổi tiếng về phóng sự tài liệu, nhờ đã từng đi nhiều nơi, đến nhiều mặt trận, nhiều trận địa trong suốt cuộc chiến tranh. Từ thành cổ Quảng Trị, mặt trận Trường Sơn, vượt qua biên giới để đến Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, Trung Lào, Hạ Lào, Campuchia và trở về miền Đông Nam Bộ, tiến đến giải phóng Sài Gòn… Có thể nói, những đôi dép lốp mòn vẹt của người chiến sĩ – nhà báo Hà Đình Cẩn đã trải dài khắp đất nước mình và cả trên đất bạn Lào, Campuchia. Ông thường có mặt ở những chiến trường ác liệt, khó khăn, gian khổ và hy sinh để viết về người chiến sĩ. Hơn 20 năm vừa cầm súng vừa cầm bút là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời người chiến sĩ luôn sống mãi trong ông. Và rồi khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, do yêu cầu nhiệm vụ, tháng 8 năm 1987, Hà Đình Cẩn lặng lẽ xếp bộ quân phục gói trọn bao ký ức vào đáy ba lô như một kỷ vật thiêng liêng để bước trên con đường mới. Suốt từ đó đến nay, kinh qua nhiều cương vị khác nhau: từ Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập Tạp chí Sân Khấu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Sâu Khấu, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn… cho đến lúc được về nghỉ hưu, ông vẫn chưa bao giờ ngơi bút. Dù công tác ở đâu, trên cương vị nào; dù việc chung, riêng bận bịu bao nhiêu, nhưng cây bút trên tay ông vẫn đều đặn, cần mẫn viết những câu chuyện hay, những trang văn xúc động nhất về người chiến sĩ. Với ông: “Quãng đời đẹp nhất là những năm tháng được gắn bó với người chiến sĩ ở mặt trận. Những người chiến sĩ đã cho ông rất nhiều, về lý tưởng sống, về sự quên mình cho đất nước, về tình cảm đẹp đẽ với đồng đội, với bạn bè, với gia đình. Người chiến sĩ là tấm gương sống động để từ đó ông xây dựng những hình tượng về họ trong văn học.”.

Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, song sức khoẻ, sức viết của nhà văn Hà Đình Cần lại như mạnh mẽ, dồi dào và bứt phá hơn. Là một cộng tác viên nhiều năm gắn bó với Nhà xuất bản của những người lính (Nhà xuất bản QĐND), hơn 5 năm qua, trại viết nào về “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” ông cũng luôn là người đi tiên phong. Và cứ đều đặn mỗi năm, ông lại đem đến cho bạn đọc một bất ngờ mới, với những trang tiểu thuyết lấp lánh tình đời, ngồn ngộn tư liệu, hấp dẫn và tràn đầy sức sống: Từ Bên kia là núi, Rừng hẹn, Mây vẫn bay về trời... đều được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, ông còn có nhiều kịch bản phim tài liệu dài tập (bộ phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là một điển hình), nhiều truyện ngắn được bạn đọc chú ý. Cho đến hôm nay, tuổi có thể là cao nhưng tâm hồn vẫn trẻ, đến với trại viết của những người lính đặt bên bờ sông Hậu (Nhà sáng tác Cần Thơ), sức vóc và sức viết của ông vẫn khiến nhiều nhà văn trẻ ao ước, khâm phục. Đều đặn ngày ba bữa cơm, ba chén rượu, giọng nói sang sảng, vui vẻ, về phòng viết, chỉ ít phút nghỉ ngơi, bàn tay nhà văn lại cần mẫn lướt nhẹ trên bàn phím. Ông đem đến trại viết bản thảo tiểu thuyết Muối của đảo vừa được hoàn thiện trước lúc lên đường. Cứ tưởng rằng như vậy là đủ để ông có chút thời gian thư giãn. Nhưng không, 15 ngày lặng lẽ, trầm tư bên bờ sông Hậu hiền hoà, đầy nắng gió thi thoảng ào trút một cơn mưa vội, nhà văn đã cho ra đời gần 100 trang tiểu thuyết mới viết về sự khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những mất mát hy sinh mà oanh liệt của những người chiến sĩ Quân khu 6 vùng cực Nam Trung Bộ, nơi được coi là “vùng da báo” trong bản đồ chiến sự giữa ta và địch những năm 1968-1975. Ông bảo: “Quân khu 6 là mặt trận vô cùng khó khăn và ác liệt. Ông đã đến mặt trận này trước năm 1975. Đây là vùng giáp ranh giữa ta và địch. Những cán bộ, chiến sĩ ở đây anh dũng kiên cường, mà ngày nay, nếu không viết về họ, không nói về họ là một thiếu sót của người cầm bút…”.  Ông đang căm cụi viết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở Quân khu 6. Ông viết mà như chỉ việc ngồi sắp xếp lại những con chữ, bởi tất cả tâm huyết, tư liệu, chi tiết… liên tục từ trong con người ông bước ra, chúng chỉ chờ ông đặt vào đúng vị trí trên trang giấy trắng. Và ông cũng dùng tên gọi vùng chiến sự năm xưa để đặt tên cho tiểu thuyết của mình: “Vùng da báo” là mồ hôi, là nước mắt, là tất cả những gì trân trọng nhất để ông gửi gắm đến những người đồng đội năm xưa, cũng như tiếp tục lưu giữ, đánh thức giá trị lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Sống thanh bạch, giản dị, nghiêm túc, đúng mực mà gần gũi, thân ái. Đức văn ông luôn sáng ngời, được bạn bè nể trọng. Suốt cuộc đời cần mẫn, dành những trang văn đẹp nhất để viết về đồng đội, viết về những người chiến sĩ. Những tác phẩm của ông không chỉ tái hiện những giá trị lịch sử hay nghệ thuật của ngôn từ, mà còn mở ra những không gian mới trong nghệ thuật sáng tạo. Ẩn chứa đằng sau những ngôn từ nhẹ nhàng nhưng sang trọng ấy là sự xót xa, là những sẻ chia thầm lặng, là tấm lòng nhân hậu bao dung, là tất cả những giá trị cuộc sống mà không chỉ đồng đội ông, không chỉ riêng những người chiến sĩ mà tất cả chúng ta đều hướng tới. Xin khẳng định rằng, không một tác phẩm nào của Hà Đình Cẩn là không đề cao giá trị nhân văn và mở ra niềm tin cho bạn đọc. Nhà thơ Hoàng Quý – cũng là thành viên của trại viết, đã từng nói về ông: “Một người lính cầm cả súng và cây bút như Hà Đình Cẩn tất nhiên đã trải đẫm nỗi niềm mặn nhạt. Bởi thế văn ông luôn sâu lắng, đầy ắp nỗi niềm. Từng từ ngữ ông viết nhẹ nhàng nhưng sang trọng, giản dị mà thanh cao. Và đặc biệt là hầu hết những tác phẩm của ông chỉ viết về đồng đội, viết bằng tấm lòng, bằng nghĩa tình người lính, nên có thể nói rằng, ông đã dành cả “đời chữ” của mình cho người chiến sĩ”.

Xin mượn chính “câu thơ nhặt được” của ông để thay cho điều muốn nói: “Chiến tranh đi qua cỏ lút đầy phố xá/ Mặt trời treo trên cột điện gầy/ Trái cứ chín/ Trái rụng đầy ngõ phố/…Cả sao trời rụng giữa lòng tôi./.

Theo nguồn:http://baovannghe.com.vn/nha-van-ha-dinh-can-ca-doi-chu-danh-cho-nguoi-chien-si-25791.html